13/11/2009 06:14 GMT+7

Thủy điện ở Tây Nguyên tác động tiêu cực tới môi trường

K.HƯNG - Đ.NAM
K.HƯNG - Đ.NAM

TT - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Phạm Khôi Nguyên vừa có văn bản trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) về việc xây dựng thủy điện ồ ạt ở Tây nguyên và miền Trung.

Thủy điện ở Tây Nguyên tác động tiêu cực tới môi trường

TT - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Phạm Khôi Nguyên vừa có văn bản trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) về việc xây dựng thủy điện ồ ạt ở Tây nguyên và miền Trung.

>> Kỳ 1: Chi chít thủy điện ở miền Trung>> Kỳ 2: Tây nguyên: nhà nhà làm thủy điện>> Kỳ 3: Hiểm họa khôn lường từ thủy điện>> Hồ thủy điện không cắt lũ>> Không thể xả lũ khi đang có lũ>> Tranh luận “nảy lửa” việc A Vương xả lũ

Trong văn bản này, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên khẳng định việc triển khai nhiều dự án thủy điện ở khu vực này đã có những tác động tiêu cực tới môi trường sinh thái. Bộ Tài nguyên - môi trường đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ thực trạng này, đồng thời yêu cầu UBND các tỉnh Tây nguyên thực hiện ngay một số vấn đề cấp bách về bảo vệ môi trường, kể cả việc xem xét lại quy hoạch xây dựng các nhà máy thủy điện.

Cũng trong văn bản trả lời ông Xuân, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên dẫn kết quả kiểm tra đột xuất chín dự án thủy điện ở Tây nguyên hồi tháng 7 cho thấy phần lớn các dự án đều không thực hiện nghiêm theo báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt. Các dự án thủy điện đã và đang làm suy giảm diện tích rừng, hình thành những đoạn sông chết do chế độ điều tiết nước chưa hợp lý, chưa tính đầy đủ và chưa có giải pháp xử lý đối với những biến đổi về sinh thái ở thượng lưu và hạ lưu của các dự án, không có kế hoạch điều tiết nước liên hồ chứa và có thể có tác động tiêu cực đến an ninh nước.

Theo Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên, quan điểm của Bộ Tài nguyên - môi trường về việc triển khai xây dựng các dự án thủy điện là phải tuân thủ theo quy định của pháp luật, phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt và bảo đảm nguyên tắc lợi ích kinh tế gắn với các lợi ích về môi trường và xã hội. Do đó, bộ sẽ tiếp tục xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện các nghị định về quản lý lưu vực sông; hướng dẫn xác định dòng chảy tối thiểu cần duy trì trên các sông; rà soát, thống kê các hồ chứa thủy điện, thủy lợi trên phạm vi toàn quốc; xác định danh mục hồ chứa cần phải xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa (trước mắt, xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa lớn Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà).

Bộ sẽ thu thập, tổng hợp thông tin để đánh giá toàn diện những tác động môi trường của các dự án thủy điện; chỉ đạo việc nâng cao chất lượng thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và bản cam kết bảo vệ môi trường; tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các chủ dự án vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

Giới làm khoa học ít được mời phản biện

Phó tổng thư ký Hội Cơ học thủy khí VN, đồng thời là tổ trưởng bộ môn cơ sở kỹ thuật thủy lợi (khoa xây dựng thủy lợi - thủy điện, Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng) GS-TS Nguyễn Thế Hùng cho rằng nhiều công trình thủy điện ở miền Trung hiện chưa được thiết kế một cách hợp lý là bởi dự án không được nhận sự phản biện một cách đầy đủ từ giới làm khoa học.

Theo GS-TS Nguyễn Thế Hùng, thật ra từ lúc quy hoạch đến lúc hoàn thành một công trình thủy điện, ít khi địa phương hay nhà đầu tư mời các chuyên gia trong lĩnh vực đến để hỏi. “Lâu nay tôi chưa thấy người ta tổ chức một cuộc hội thảo nào để giới làm khoa học như chúng tôi đóng góp ý kiến phản biện. Trên thực tế, nhà đầu tư sau khi được địa phương nào đó đồng ý chủ trương cho xây dựng thủy điện thì họ dựa vào báo cáo của một đơn vị tư vấn mà họ thuê lập nên và bảo là hợp lý", ông Hùng nói.

Ông Hùng cho rằng: "Tôi nghĩ cái hợp lý mà họ nói ra chỉ hợp lý với họ thôi. Còn có hợp lý với môi trường, với lợi ích của cộng đồng bên dưới hạ du hay không thì chưa đâu. Bởi thế theo tôi, tất cả vấn đề phải được đưa ra phản biện. Mà muốn phản biện chính xác, khách quan đòi hỏi phải có thời gian, đặc biệt là những công trình lớn đòi hỏi phải có tiếng nói của giới khoa học, phải cung cấp cho họ đầy đủ những tài liệu liên quan đến dự án cũng như thời gian để họ phản biện thấu đáo nhất”.

Nói về các thủy điện ở miền Trung, ông Hùng cho rằng quy trình vận hành không đúng. Do không đúng nên mới xảy ra tình trạng lũ lớn ở hạ lưu thời gian qua. Dự báo khí tượng thủy văn ở cả hai trận lũ vừa qua cho thấy lượng mưa không lớn đến mức xảy ra lũ kinh hoàng. Điều đó cho thấy có sự bất thường tại các công trình thủy điện ở miền Trung. Vấn đề này đòi hỏi phải ngồi lại với nhau để tìm xem những bất cập gì trong vấn đề quy hoạch lẫn trong quy trình vận hành xả lũ. Qua các đợt kiểm tra vừa rồi, lãnh đạo các nhà máy đều cho rằng họ xả đúng, nhưng muốn kiểm tra đúng hay không cần phải có kiểm soát viên độc lập hoặc phải gắn camera để giám sát việc xả lũ.

K.HƯNG - Đ.NAM

Không phải hồ thủy điện nào cũng có khả năng chống lũ

ImageView.aspx?ThumbnailID=374753
Ông Tạ Văn Hường
Đó là ý kiến của ông Tạ Văn Hường, vụ trưởng Vụ Năng lượng Bộ Công thương.

* Thưa ông, quy trình vận hành và phê duyệt các thủy điện hiện có vấn đề không khi Bộ NN&PTNT nói phối hợp với Bộ Công thương chưa tốt?

- Việc phối hợp giữa hai bộ có phần tốt, có phần chưa tốt nhưng phải khẳng định bất cứ quy hoạch thủy điện nào cũng có sự tham gia của các bộ ngành. Chỉ có điều khi Bộ Công thương làm quy hoạch có nghiêng về tiêu chí phát điện là chính. Bộ NN&PTNT khi thì nghiêng về yêu cầu tưới tiêu. Nhưng với các thủy điện nhỏ, nếu nghiêng về tưới tiêu là không khả thi vì các chủ đầu tư khó có thể thu hồi vốn. Không thể để mất tiềm năng năng lượng có sẵn mà không khai thác được nên trong quy hoạch bắt buộc phải cho phép xây dựng một số thủy điện có mục tiêu phát điện là chính. Chúng ta cũng có nhiều công trình ở những địa điểm bắt buộc phải lấy mục tiêu chống lũ là chính và đã quy hoạch, cấp phép xây dựng những thủy điện này.

* Thưa ông, các chuyên gia dự báo thời tiết có nói mức mưa vừa qua không phải vượt xa các trận mưa lũ lịch sử nhưng thiệt hại do mưa lũ lần này cao hơn. Nếu không phải do thủy điện thì do đâu?

- Ai nói đúng, ai nói sai phải có con số. Vừa rồi Bộ Công thương đã cử đoàn đi kiểm tra, kết quả cho thấy các thủy điện xả lũ theo đúng quy trình. Quy trình này đúng là do chủ đầu tư làm nhưng phải qua các bộ, ngành thẩm định phê duyệt. Từ trước đến nay phải hiểu cơn bão số 9 cả trăm năm mới có chứ không phải có thường xuyên để người dân có thể dễ dàng nhận biết, phân biệt. Với tần suất như thế, cần phải có số liệu thống kê của nhiều năm trước đây và có sự đánh giá của các chuyên gia mới có thể đúng được. Bây giờ có thể chỉ biết một chục năm trước nhưng xa hơn thì không có chuyên môn nên không thể biết. Tất cả kiểm tra của cơ quan nhà nước đến giờ phút này các thủy điện không sai, nhưng nếu đặt ra liệu quy trình đó đã tốt chưa thì cần thời gian ngồi lại xem xét, đánh giá.

* Như vậy theo ông, quy trình xả lũ có cần phải xem lại?

- Quy trình vận hành hồ thủy điện và khả năng chống lũ của nó chỉ có thể ở một mức độ nào đó thôi. Một hồ thật khó có thể chống được mọi cơn lũ nên ta chỉ có thể đề ra một mức độ nhất định. Vậy bây giờ mức chúng ta đặt ra là bao nhiêu? Liệu chúng ta có đặt ra các thủy điện vừa và nhỏ phải chống được tất cả các cơn lũ lịch sử? Nếu có xem xét lại thì có thể xem xét lại cái này, xem nên ấn định thế nào. Vừa qua chúng tôi có họp bàn và đã kiến nghị lên Thủ tướng về việc làm chưa đầy đủ là quy trình vận hành liên hồ chứa. Nghĩa là tại một con sông có nhiều thủy điện thì quy trình vận hành chung phải như thế nào khi lũ về hoặc khi hạn đến. Hiện đã thống nhất việc này nên giao cho Bộ Tài nguyên - môi trường đứng ra để làm thật hoàn chỉnh.

C.V.Kình thực hiện

K.HƯNG - Đ.NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên