10/04/2009 08:17 GMT+7

Bát nháo nước đóng bình, đóng chai

VÂN TRƯỜNG
VÂN TRƯỜNG

TT - Những năm gần đây, các cơ sở sản xuất nước đóng bình, đóng chai ở đồng bằng sông Cửu Long mọc lên như nấm. Thị trường xuất hiện hàng trăm sản phẩm kiểu “cây nhà lá vườn”, được sản xuất từ những cơ sở nhếch nhác, không đảm bảo vệ sinh…

ZagprYrw.jpgPhóng to
Sản xuất nước đóng bình, đóng chai tại một cơ sở ở TP Sóc Trăng - Ảnh: Duy Khang
LBk7KkUi.gifPhóng to Nghe đọc toàn bài

Theo số liệu của Sở Y tế Sóc Trăng, cả tỉnh có khoảng 70 cơ sở sản xuất. Ông N., chủ một cơ sở ở TP Sóc Trăng, cho biết mỗi ngày cơ sở của ông xuất xưởng gần 1.000 bình loại 21 lít và hàng ngàn chai nước loại 330ml, 500ml và 1,5 lít giao về khắp các địa phương trong tỉnh tiêu thụ. Điều đó cho thấy nhu cầu sử dụng nước đóng bình, đóng chai hiện rất lớn. Điều đáng nói nhiều cơ sở sản xuất nước uống quảng cáo rằng đầu tư dây chuyền sản xuất hoàn toàn tự động với công nghệ hiện đại nhưng thực tế chỉ là bơm nước từ giếng khoan lên, sau khi lắng lọc rồi... rót vào bình, chai và đem bán. Đó là chưa kể vô số cơ sở “chui”, sản xuất nước uống không theo một công nghệ, quy trình nào cả...

Đua nhau làm, đua nhau giảm giá...

Tại An Giang có chừng 50 cơ sở sản xuất nước uống nằm rải rác ở các huyện thị. Nhiều chủ cơ sở sản xuất vốn là tay ngang, không am hiểu về kỹ thuật, thậm chí có những chủ cơ sở chuyên làm mái che di động, bán xe gắn máy, thu mua phế liệu... nay cũng chuyển qua làm nước uống đóng bình, đóng chai. Sản phẩm thì mang vô số nhãn hiệu, từ các tên nước ngoài như Katu, Water World, ABBA, Vifast, Delta, Alpha, Tesunami, Fuma, Mekong, Owen, Mosel, Mika Water, Water TT... đến các tên Việt như Việt Nhật, Núi Cấm, Hoa Hồng, Hướng Dương... “Mình tự công bố chất lượng, đăng ký với bên y tế xong là cứ sản xuất thôi” - giám đốc một công ty sản xuất nước uống ở thị xã Châu Đốc nói.

Ở Đồng Tháp, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết cũng có trên 50 cơ sở sản xuất nước uống có đăng ký. Thế nhưng, theo ghi nhận của PV Tuổi Trẻ, số cơ sở không đăng ký cũng gần bằng con số này. Trong đó có không ít điểm tuy gắn bảng sản xuất nước uống nhưng thực chất lại thuê nơi khác gia công, còn bản thân cơ sở chỉ chuyên lo khâu tiêu thụ, bán hàng. Mỗi cơ sở thường có vài ba sản phẩm mang nhãn hiệu khác nhau.

Nước uống đóng chai, đóng bình được bày bán từ thành thị tới nông thôn. Nhiều nhãn hiệu không hề thấy ghi giấy phép cũng như đăng ký tiêu chuẩn chất lượng, có loại ghi chất lượng theo tiêu chuẩn của Mỹ kèm theo vài dòng tiếng Anh.

Một số đại lý phân phối, điểm bán nước uống tiết lộ do áp lực cạnh tranh, ngày càng thêm nhiều cơ sở mới ra đời nên các cơ sở thay nhau giảm giá bán sỉ. Nếu như vài năm trước nước đóng bình 21 lít từ 15.000-18.000 đồng/bình thì nay có sản phẩm đạt mức giá “siêu rẻ” là 4.000-6.000 đồng/bình. Anh Lý Văn Dương, chuyên bỏ mối nước uống ở thị xã Sa Đéc (Đồng Tháp), cho hay: “Bình loại 20-21 lít giá bán lẻ 8.000-10.000 đồng, trong khi giá sỉ chỉ 4.000-5.000 đồng/bình, loại chai 0,5 lít giá sỉ 1.200-1.500 đồng/chai”.

Bình dơ, nước lợn cợn...

Chị Phan Thị Hạnh (khóm Bình Khánh 2, P.Bình Khánh, TP Long Xuyên, An Giang) cho biết: “Bình nước nhà tôi mới mua dính đầy bụi, chất bẩn bám đầy vòi, đầy nắp”. Theo chị Hạnh, các bình thường có nắp đóng không kín, khi vận chuyển, mang vác nước vẫn bị tràn ra ngoài. Đấy là về vỏ bình, riêng nước trong bình thì người tiêu dùng vẫn thường gặp phải những bình nước lợn cợn, đôi khi cặn đóng dưới đáy. “Chúng tôi có cảm giác người ta dùng nước máy không được lắng lọc kỹ để đóng bình” - ông Trần Văn Thơm ngụ ấp 2, xã An Long, Tam Nông, Đồng Tháp - nghi ngờ.

PV Tuổi Trẻ đã đến một số cơ sở sản xuất, nhận thấy phần lớn là những nơi phòng ốc chật hẹp, ẩm thấp, trang thiết bị hầu như chẳng có gì ngoài thiết bị xử lý nước bằng ôzôn. Quy trình làm nước cũng khá đơn giản. Nước máy được bơm vào bồn chứa để lắng một thời gian, sau đó bơm rót vào từng chai, từng bình rồi đóng nắp, dán nhãn, bao nilông lại. Các công đoạn này chủ yếu được làm bằng thủ công. Nhân công không hề mặc đồng phục và găng tay bảo hộ, nhiều người ở trần trùng trục, tay chân không được vệ sinh...

Trong khoảng không gian chật chội chừng vài chục mét vuông không hề thấy phòng tiệt trùng, nơi xử lý nước thường gần sát nơi đóng nắp, súc rửa bình... Tại cơ sở ở P.6, TP Cà Mau (Cà Mau), các bình nhựa loại 21 lít sau khi bơm đầy nước được để nằm lăn lóc trên nền gạch đầy bụi đất. Ở một cơ sở trên đường Mạc Đĩnh Chi (TP Sóc Trăng), tuy dây chuyền sản xuất khá hiện đại so với các cơ sở khác nhưng nhân công cũng không hề mang khẩu trang, đồng phục, thậm chí mặc... quần đùi.

Ở TP có nước máy sạch còn đỡ, các huyện thì có cơ sở sử dụng loại nước máy vốn là nước thô lấy trực tiếp từ kênh lên. Một số cơ sở nói thẳng: “Để tìm được một giếng khoan có nước trong, không bị nhiễm phèn ở vùng này đâu phải dễ. Chi phí đầu tư rất tốn kém. Lấy nước máy tiện và rẻ hơn”.

Hằng ngày các cơ sở đưa bình nước ra các điểm bán lẻ, đồng thời thu lại vỏ bình cũ đem về. Số vỏ bình này chỉ được phun nước rửa qua loa bên ngoài, sau đó cho nước máy vào rồi tiếp tục đem bán...

Quản lý: còn thả lỏng!

Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng Trương Hoài Phong cho rằng từ trước đến nay các cơ sở tự công bố tiêu chuẩn chất lượng để ngành y tế xác nhận rồi sản xuất hàng loạt bán ra thị trường. Cơ quan chức năng chưa lần nào tổ chức kiểm tra kỹ về tiêu chuẩn vi sinh mà chỉ kiểm tra điều kiện sản xuất, giấy phép sản xuất kinh doanh trong những đợt kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm.

Bác sĩ Trầm Vĩnh Phước, chánh thanh tra Sở Y tế An Giang, cho biết hằng năm vẫn thường thanh tra các cơ sở sản xuất nước uống trên địa bàn. Qua mỗi đợt, ngành đều nhắc nhở, yêu cầu thực hiện nghiêm việc đảm bảo vệ sinh. Tuy nhiên ông Phước cũng thừa nhận chỉ quản lý được số cơ sở có đăng ký sản xuất, còn với những cơ sở không đăng ký thì không thể kiểm tra để xử lý. “Nhân đợt thanh tra về thực hiện tháng vệ sinh an toàn thực phẩm, từ ngày 15-4 chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra đồng loạt để chấn chỉnh” - ông Phước nói.

Tại Đồng Tháp, lâu nay chưa phát hiện cơ sở nào không đạt tiêu chuẩn vệ sinh. Bác sĩ Đoàn Văn Phỉ, phó giám đốc Sở Y tế tỉnh cho biết tới đây thanh tra sở sẽ kết hợp với y tế địa phương tiến hành thanh tra các cơ sở làm nước uống đóng bình, đóng chai. “Lần này chúng tôi kiểm tra tới nơi tới chốn và sẽ xử lý nghiêm nhằm chấn chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh loại nước này” - ông Phỉ khẳng định.

Từ chối công bố cơ sở vi phạm chất lượng

Thanh tra Sở Y tế Bến Tre vừa kiểm tra sáu cơ sở sản xuất nước uống đóng chai trên địa bàn. Kết quả có ba cơ sở vi phạm về chất lượng, chiếm 50% số cơ sở được kiểm tra. Tuy nhiên, ngày 8-4 phóng viên Tuổi Trẻ liên hệ với bác sĩ Nguyễn Bá Minh - giám đốc Sở Y tế tỉnh - đề nghị được cung cấp thông tin về các cơ sở vi phạm, ông Minh đồng ý và hướng dẫn gặp thanh tra sở.

Khi phóng viên đến gặp phó chánh thanh tra (người được ông Minh phân công cung cấp thông tin) thì vị này trưng ra công văn số 212/ATTP-TTrC ngày 24-2 của cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), đồng thời giải thích rằng Cục ATVSTP yêu cầu chỉ được cung cấp thông tin cho báo chí về các cơ sở vi phạm từ lần thứ hai trở đi. Mặc dù ba cơ sở sản xuất nước đóng chai của tỉnh Bến Tre vi phạm và đã có quyết định xử phạt vi phạm, nhưng do chưa phúc tra nên... không cung cấp thông tin được!

Hiện nay nhiều địa phương khác đã công khai thông tin các cơ sở vi phạm về chất lượng nước uống đóng chai và được người dân rất ủng hộ. Ngay chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cũng chỉ đạo sở cung cấp thông tin cho báo chí vì “việc này rõ ràng, không có gì bí mật”. Tuy nhiên Sở Y tế lại nói “không” vì họ “ngán” Cục ATVSTP hơn!

______________

Tin bài liên quan:

Nước uống đóng chai nhiễm vi sinh: Kiểm đến đâu, rầu đến đấyĐình chỉ thêm một cơ sở nước đóng bình3 mẫu nước đóng chai nhiễm vi trùngThêm 2 cơ sở nước uống đóng chai bị đình chỉThêm 4 cơ sở nước uống đóng chai bị đình chỉSẽ chuyển hồ sơ một cơ sở nước tinh khiết cho công anHà Nội: tạm đình chỉ 9 cơ sở nước tinh khiếtThêm 10 mẫu nước đóng bình nhiễm vi sinhTP.HCM: Tiếp tục đình chỉ 4 cơ sở sản xuất nước uống đóng chai

VÂN TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên