04/11/2004 22:16 GMT+7

Bài 1: Cảng cá "chết chìm", thiết bị y tế "đắp chiếu"

 Bài, ảnh: NGUYỄN VĂN
 Bài, ảnh: NGUYỄN VĂN

TT - Đầu tư dàn trải dẫn đến lãng phí, thất thoát, hiệu quả kém là “chuyện dài nhiều tập”. Trong loạt bài này, nhóm PV Tuổi Trẻ trở lại một số “địa chỉ” nơi đồng vốn ngân sách đang bị “bốc hơi” theo năm tháng.

tdbU1oV5.jpgPhóng to
Do cầu tàu thiết kế nghiêng nên muốn cập cảng khi nước lớn, chủ tàu đánh cá phải dùng cây tre hoặc bặp dừa nước làm “bờ đệm” để tàu không phải “cưỡi” cầu tàu
TT - Đầu tư dàn trải dẫn đến lãng phí, thất thoát, hiệu quả kém là “chuyện dài nhiều tập”. Trong loạt bài này, nhóm PV Tuổi Trẻ trở lại một số “địa chỉ” nơi đồng vốn ngân sách đang bị “bốc hơi” theo năm tháng.

Cảng… chết chìm

Cảng cá Trần Đề được xây dựng tại xã Trung Bình, huyện Long Phú với tổng vốn đầu tư khoảng 52 tỉ đồng, trong đó vốn xây dựng khoảng 40 tỉ đồng. Cuối năm 2003 cảng cá này đưa vào vận hành thử mới thấy rõ những điều bất cập. Chỉ chiếc cầu cảng 600CV, ông Nguyễn Đại Lượng - giám đốc cảng cá Trần Đề - lắc đầu ngao ngán: “Khu vực này hẹp như cái cổ chai thì làm sao xe cộ quay đầu lại. Chiếc cầu lắt lẻo quá, chỉ chịu được tải trọng 2-3 tấn, nhưng nhu cầu bốc dỡ hàng hóa ở đây đòi hỏi chiếc cầu phải chịu được tải trọng khoảng 10 tấn”.

Nguyên nhân chính làm cho nhiều tàu không vào cảng được là vì bến cầu tàu 90CV được thiết kế theo phương không thẳng đứng, mỗi khi triều cường dâng cao thì tàu thuyền thường xuyên bị “cưỡi” lên cầu cảng. Khi nước ròng thì tàu không thể vào cảng vì nước bỏ bãi đến 3m, hàng hóa không thể đưa lên cảng. Chưa hết, không hiểu vì sao mà Công ty Tư vấn công trình thủy (trực thuộc Công ty Xây dựng đường thủy của Bộ Giao thông vận tải) thiết kế cảng cá Trần Đề lại thấp hơn cao trình xây dựng đến gần 4 tấc nên hằng năm cảng cá này phải chịu cảnh “chết chìm” trong triều cường khoảng ba tháng cuối năm. Những lúc như thế thì không một chiếc tàu nào dám cập cảng vì luôn bị sóng lớn hất nhảy lên bờ.

Ông Lượng bức xúc: “Chỉ có ba hạng mục là: bến cầu tàu 90CV, kè 1 và đường giao thông phía sau cầu tàu 90CV nhưng lại ngốn đến gần 20 tỉ đồng giờ đây lại hư hỏng tùm lum, khu chợ cá cũng tròm trèm 1 tỉ đồng nhưng có thể sẽ không hoạt động được vì thiết kế không phù hợp”. Theo ông Lượng, không ai dại gì mà mang cá vào nhà thu nhận hải sản vì sẽ tốn tiền thuê nhân công đến hai lần (đưa vào chợ và đưa lên xe). Cũng do không phù hợp nên hiện nay nhiều thiết bị phục vụ cảng cá mà điển hình là chiếc xe cẩu hàng hóa giá trị tiền tỉ đang nằm “trùm mền” trong bãi đậu xe.

Một vị lãnh đạo ngành thủy sản tỉnh Sóc Trăng (xin được giấu tên) đã bức xúc nói: “Có lẽ do cơ chế xin - cho mới diễn ra cái cảnh này. Công trình xuống cấp không thể nhận bàn giao nhưng có một số người lại không dám nói vì sợ trung ương cho là “ăn cháo đá bát”, sợ sau này xin tiền đầu tư công trình khác sẽ bị trung ương từ chối”.

Ông Nguyễn Đại Lượng khẳng định: “Thanh tra nhà nước đã có kết luận rồi, trong quá trình thi công cảng cá này đã xảy ra nhiều sai phạm. Đã nhiều lần ban quản lý dự án cảng cá Trần Đề cảnh báo những sai sót, trong đó có việc không thích hợp với thủy triều ở địa phương, nhìn mực nước ngập ở các gốc cây ở đây cũng biết nước lên đến đâu nên kiến nghị thay đổi, nhưng ban quản lý tổng dự án các cảng cá vẫn không để ý đến”.

ij7pP1IU.jpgPhóng to
Máy CT scanner ở Bệnh viện Đa khoa Sóc Trăng đang nằm chờ được... "giải phẫu"
Thiết bị y tế “đắp chiếu” vì…quá hiện đại

Dự án ODA của tỉnh Sóc Trăng được triển khai từ năm 1997 nhằm mua sắm thiết bị y tế cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng từ nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ Tây Ban Nha. Đến đầu năm nay tỉnh chính thức được nhận 92 mặt hàng với tổng giá trị khoảng 34 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau nhiều tháng tiếp nhận trang thiết bị, đến nay Bệnh viện Đa khoa tỉnh chỉ đưa vào vận hành được gần một nửa số tài sản quí giá này nhưng nhiều loại phải mang ra sửa chữa, số còn lại phải nằm “đắp chiếu”.

Trung tuần tháng10-2004, được sự hướng dẫn của ông Kiều Hữu Nghĩa - giám đốc Bệnh viện Sóc Trăng, chúng tôi tìm đến khoa chẩn đoán hình ảnh để được xem thiết bị hiện đại trị giá 464.692 USD. Khi đến nơi mới thấy chiếc máy CT scanner đang được các kỹ sư của Công ty TNHH tin học Chí Anh (TP.HCM) “giải phẫu”.

Ông Nghĩa cho biết: “Do đội ngũ y bác sĩ của chúng tôi chưa am tường về máy này nên nhiều khi bị trục trặc”, theo kỹ sư Trần Hồng Phúc, máy CT scanner này phần “lấy dữ liệu đã bị oxy hóa do bảo quản không tốt trong quá trình lưu bãi, lưu kho nên máy không thể hoạt động được”. Một lý do khác được ông Nghĩa đưa ra là chính vì các thiết bị y khoa này quá “hiện đại” nên tạm thời chưa thích hợp với điều kiện cơ sở vật chất sẵn có của bệnh viện (?), cần phải cải tạo lại nhiều phòng chức năng mới có thể vận hành.

Hai lò hấp tiệt trùng với tổng giá trị 88.979 USD nhập về cũng đang nằm “ngủ đông”. Ông Kiều Hữu Nghĩa cho biết phải chờ xây dựng thêm phòng cho phù hợp. Mặt khác, nếu lò hấp này vận hành được phải nhờ đến máy lọc nước để làm mềm nước, trong khi bốn máy lọc nước trị giá 19.435 USD/máy lại nằm trong... nhà xe của bệnh viện.

Ghé Sở Y tế Sóc Trăng, chúng tôi được ông Đặng Quan Tường - chuyên viên phòng kế hoạch, người theo dõi dự án này - giải thích: “Do dự án thành lập từ năm 1997 mà đến nay mới nhận thiết bị nên xảy ra nhiều phát sinh. Bên cạnh đó, tiến độ thi công các công trình xây dựng cơ bản của bệnh viện cũng quá chậm nên không đưa các thiết bị vào sử dụng được.

WbKmR8Eu.jpgPhóng to
Nơi đặt nguồn nước sạch của công trình nước sạch ở Phổ Châu đặt cạnh vũng nước bùn - Ảnh: H.P.

Được khởi công vào đầu năm 2001, đến giữa năm 2002 hoàn thành, công trình nước sạch ở xã Phổ Châu, huyện Đức Phổ, với kinh phí đầu tư khoảng 800 triệu đồng. Theo thiết kế, công trình này sẽ cung cấp nước sinh hoạt cho 500 hộ với 2.500 nhân khẩu.

Thế nhưng khi đưa vào sử dụng, nhiều người dân trong xóm phản ảnh nước sạch đâu không thấy, chỉ có nước lúc thì nhờ nhợ như nước bùn, lúc thì đỏ quạch và mùi hôi không chịu nổi. Và nước cũng chỉ chảy được vài ba hôm rồi tịt hẳn cho đến bây giờ. Sau hơn hai năm nằm chờ khắc phục, đến nay nhiều hạng mục của công trình đã xuống cấp và hỏng nặng. Một số đoạn ống bị vỡ. Xung quanh bể chứa nước nhiều nơi đã bị rạn nứt...

Cùng chung số phận là công trình nước sạch bằng hệ thống điện ở thị tứ Ba Vì, huyện Ba Tơ, có kinh phí đầu tư trên 400 triệu đồng. Được triển khai xây dựng từ năm 1999, nhưng do “trục trặc” trong khâu thiết kế điện nên đến tháng 3-2002 mới hoàn thành. Thế nhưng đến cuối 2002 Ba Vì mới có điện nên công trình phải nằm chờ. Ngỡ rằng khi điện được kéo về thì sẽ có nước, song người dân đã nhầm vì điện một pha nên không thể bơm nước từ giếng lên hồ!

 Bài, ảnh: NGUYỄN VĂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên