01/04/2004 06:00 GMT+7

Vấn nạn sông, hồ Hà Nội

THANH HẢI - THANH TƯỜNG
THANH HẢI - THANH TƯỜNG

TT - Cách đây hơn chục năm, cả Hà Nội còn có trên 40 hồ với tổng diện tích trên 850ha, nhưng hiện nay chỉ còn 19 hồ với tổng diện tích trên 600ha.

uIEAGznd.jpgPhóng to
Hồ Thanh Nhàn được kè đá để tránh bị biến thành bãi tập kết rác như trước đây
TT - Cách đây hơn chục năm, cả Hà Nội còn có trên 40 hồ với tổng diện tích trên 850ha, nhưng hiện nay chỉ còn 19 hồ với tổng diện tích trên 600ha.

Ngoài việc giảm về số lượng, thu hẹp diện tích do bị lấn chiếm, tình trạng ô nhiễm môi trường của hệ thống sông hồ ở Hà Nội cũng đang là vấn đề đầy bức xúc.

Từ hồ đến kênh mương: ngày càng ô nhiễm

Có lẽ, sông hồ Hà Nội đang phải gánh chịu sự can thiệp mà thực chất là sự hủy hoại môi trường nặng nề của con người. Đây là một thực tế đáng lo ngại.

Một con số thống kê chưa đầy đủ cũng đáng làm cho tất cả những ai quan tâm phải giật mình: chỉ riêng hồ Tây trung bình mỗi ngày đêm phải tiếp nhận trên 4.000m3 nước thải công nghiệp và sinh hoạt của hàng chục nhà máy, xí nghiệp, bệnh viện gần kề như Công ty da giày Thụy Khuê, Nhà máy giấy Trúc Bạch, Viện Lao và bệnh phổi T.Ư...

Đó là chưa kể hàng ngàn tấn rác thải của bao nhiêu nhà hàng, khách sạn, quán ăn và hộ gia đình ven hồ Tây trực tiếp xả xuống hồ! Tính trung bình một ngày đêm đội vệ sinh hồ Tây đã vớt được hàng tạ cá chết do... sặc nước bẩn!

Theo báo cáo của Sở Khoa học - công nghệ & môi trường Hà Nội, hàm lượng amoniac ở hồ Tây hiện đã lên đến mức 1,5mg/lít nước, gấp ba lần tiêu chuẩn cho phép. Con số này ở hồ Gươm là 1mg/lít nước, gấp hai lần tiêu chuẩn cho phép, ở các hồ nhỏ như Thanh Nhàn, Ngọc Khánh... hàm lượng amoniac còn cao gấp nhiều lần hồ Gươm, hồ Tây. Điều này chứng tỏ mức độ ô nhiễm môi trường nước đang trong tình trạng báo động đỏ.

Nội thành Hà Nội có bốn con sông thoát nước chính là sông Lừ, Sét, Tô Lịch và Kim Ngưu với tổng chiều dài 38,6km cùng khoảng trên 40km kênh mương thì trên thực tế vấn đề ô nhiễm môi trường đã đạt mức... khủng khiếp!

Cũng có “số phận” như hồ, nhìn chung các con sông và kênh đang ngày đêm tiếp nhận một lượng lớn rác thải, nước thải sinh hoạt của người dân hai bên bờ sông. Riêng hàm lượng amoniac trong nước ở các con sông được kết luận trung bình từ 19,6 - 26,5mg/lít nước, cao gấp 10 lần tiêu chuẩn cho phép và cao gấp khoảng 15-20 lần so với nước hồ Tây, 20 - 25 lần so với nước hồ Gươm.

Tha hồ lấn chiếm sông hồ

Trong thời buổi mà giá nhà đất cứ leo thang vùn vụt như hiện nay, tình trạng lấn chiếm diện tích sông hồ càng trở nên tinh vi và quyết liệt.

Ở hồ nào, đoạn sông nào bị quản lý lơi lỏng thì người ta dùng đến cả ôtô, công nông, xe thồ chở đất đổ xuống. Còn chỗ nào quản lý chặt chẽ, “khó xơi”, người ta âm thầm đổ xuống từng xô, từng chậu. Đất và rác thải đổ xuống sông hồ theo kiểu “kiến tha lâu đầy tổ”, vừa tiện vừa không mất tiền lệ phí vệ sinh mà lại dần dần “cơi” thêm diện tích. Từng chậu, từng xô, sau vài năm rồi cũng sẽ trở thành... nền nhà!

Đất lấn được đến đâu, nhà “cơi” ra đến đấy. Ban đầu có thể là tường rào, là móng nhà..., nếu như nghe ngóng thấy không có “động tĩnh” gì thì sẽ xây kiên cố lên, hoành tráng thêm.

Những con kênh trên đường Cát Linh, Nguyễn Chí Thanh... từng là con kênh nước xanh leo lẻo mà nay ngầu đục, nhơ nhớp vì rác và đủ loại xà bần thập cẩm đổ xuống, chiều ngang kênh bị thu hẹp một cách đáng kinh ngạc bởi sự đóng cọc, bó cừ, đổ đất san nền của các hộ dân ven kênh.

Chỉ trong vòng hơn 10 năm - tính từ 1990 trở lại đây, theo thống kê của các cơ quan chức năng ở Hà Nội, đã có tới 21 hồ bị “xóa sổ” và hơn 150ha diện tích mặt nước hồ “bốc hơi”. Dĩ nhiên không phải toàn bộ 100% số diện tích này là bị lấn chiếm, nhưng rõ ràng là có một phần đáng kể bởi mưu đồ lấn chiếm một cách vô tổ chức.

Còn sông mương thì trên thực tế cũng bị thu hẹp dòng chảy đến thảm hại. Các con sông trước đây đều rộng trung bình 10-15m, nay chỉ còn trên dưới 10m, có nhiều đoạn chỉ còn 7-8m.

Có thể nói dường như chỉ có hồ Gươm, hồ Thiền Quang, hồ Thủ Lệ... là không bị lấn chiếm vì có bốn mặt đều là đường phố. Còn những hồ lớn như hồ Tây, từ năm 1987 đến nay đã bị “hao” diện tích tới 50ha; hồ Trúc Bạch bị mất gần 1/4 diện tích. Một số hồ như Ngọc Hà, Vạn Phúc, Hào Nam... giờ chỉ còn nghe tiếng chứ thật ra đã xóa tên trong sổ bộ đời từ lâu!

Hà Nội đã có khá nhiều dự án nhằm cải tạo, cải thiện môi trường cũng như bảo vệ diện tích các sông hồ hiện có. Trừ dự án thay nước hồ Tây gây nhiều tranh cãi, một số dự án khác đã và đang thực hiện khá hiệu quả như dự án làm kè cho bốn con sông thoát nước chính là sông Lừ, Sét, Tô Lịch và Kim Ngưu, làm kè cho hồ Trúc Bạch...

Mới đây, Sở Giao thông công chính Hà Nội cũng đã mở gói thầu cải tạo tiếp một số hồ khác của thủ đô như hồ Thiền Quang, Giảng Võ, Thanh Nhàn 1 và 2 với kinh phí 23 tỉ đồng. Dù vậy đi chăng nữa nếu “lương tâm con người không thức tỉnh” thì bất cứ dự án nào rồi cũng trở nên vô nghĩa.

THANH HẢI - THANH TƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên