07/04/2017 12:10 GMT+7

​Nhiều người không biết mình bị trầm cảm

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Trên thế giới, hơn 2/3 số người bị trầm cảm không nhận ra mình có bệnh và không được điều trị.

Việc nói chuyện với những người mà mình tin tưởng có thể là bước đầu tiên hướng tới phục hồi sự suy thoái về tinh thần.

Đối tượng nào dễ bị trầm cảm?

Số người mắc bệnh trầm cảm trên thế giới đang gia tăng tới con số hàng trăm triệu. Trầm cảm gây ra nỗi đau đớn về tinh thần đối với người bệnh, thậm chí có thể dẫn đến tự tử. Chính vì vậy, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã lấy chủ đề của Ngày Sức khỏe thế giới năm nay (7-4-2017) là "Phòng, chống trầm cảm”.

Tại hội thảo truyền thông giáo dục sức khỏe với chủ đề “Trầm cảm – hãy cùng trò chuyện” do Viện Sức khỏe tâm thần Việt Nam vừa tổ chức, PGS. TS. Trần Văn Cường, Chủ tịch Hội Tâm thần học Việt Nam cho biết trầm cảm là một bệnh lý phức tạp với 13 thể. Trong đó có nhiều thể có biểu hiện giống chấn thương, nhiều thể giống bệnh nội khoa… nên nhiều khi rất khó phân biệt và cần phải hội chẩn nhiều lần mới biết rối loạn trầm cảm.

Theo WHO, có gần 298 triệu người mắc trầm cảm trong năm 2010 (chiếm 4,3% dân số toàn cầu). Một nghiên cứu mới đây ở Mỹ năm 2014 cũng cho thấy khoảng 17.600 người bị trầm cảm mỗi năm, nhưng có tới hơn 2/3 số người bị trầm cảm không nhận ra mình có bệnh và không được điều trị. Điều đáng báo động là có tới 48% những người trầm cảm có ý định tự sát và 24% những người có ý định tự sát được báo cáo là không nhận được sự hỗ trợ điều trị trước đó.

Ở Việt Nam, ông Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia cho biết hiện có khoảng 30% dân số có rối loạn tâm thần, trong đó tỷ lệ trầm cảm chiếm 25%. Riêng trong năm 2016, Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia đã khám và điều trị cho gần 19.000 lượt bệnh nhân trầm cảm. Mỗi năm, số người tự tử do trầm cảm ở nước ta từ 36.000-40.000 người.

Bệnh trầm cảm có thể xảy ra ở nhiều lứa tuổi, nhưng phổ biến nhất là độ tuổi từ 18-45. Đặc biệt, phụ nữ có nguy cơ mắc trầm cảm nhiều hơn nam giới 2 lần vì sự thay đổi hormon ở lứa tuổi dậy thì, trong chu kỳ kinh nguyệt, giai đoạn mang thai, bị sảy thai, giai đoạn mãn kinh… có thể làm tăng nguy cơ trầm cảm.

Căn bệnh này cũng ghi nhận tỷ lệ cao những người ly thân, ly dị, thất nghiệp, nét nhân cách dễ bị tổn thương mắc bệnh. Nguy cơ mắc trầm cảm cũng gia tăng với những người mắc các bệnh lý về thần kinh, tim mạch kèm theo như đột quỵ, Parkinson…

Phải kiên trì theo phác đồ điều trị

Theo Ths. Nguyễn Doãn Phương, đa số các trường hợp trầm cảm có khuynh hướng trở thành mạn tính và tái diễn cũng như phục hồi không hoàn toàn giữa các giai đoạn, vì điều trị trầm cảm cần phải kéo dài, nhưng nhiều bệnh nhân và gia đình người bệnh không tuân thủ phác đồ, bỏ điều trị giữa chừng khi tự thấy bệnh được cải thiện.

Thực tế điều trị, hơn 50% bệnh nhân có nguy cơ cơn tái diễn sau cơn thứ nhất, tỷ lệ này tăng dần lên đến 70% sau cơn tái diễn thứ 2 và sau cơn tái diễn thứ 3 là 90%.

TS. BS. Dương Minh Tâm, Trưởng phòng Điều trị bệnh nhân liên quan stress (Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia) cũng chia sẻ, những năm gần đây, các ca bệnh trầm cảm do stress rất nhiều. Tuy nhiên, có tới 30-50% số người bệnh không được phát hiện ở y tế cơ sở hoặc đa khoa vì ít được quan tâm đến triệu chứng cảm xúc, mà chủ yếu là sự than phiền về cơ thể, vì trầm cảm là yếu tố nguy cơ của một số bệnh lý tim mạch như suy tim, nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp…

Theo các chuyên gia y tế, trầm cảm là một rối loạn tâm thần có thể chữa được, giúp người bệnh ổn định và tái hòa nhập với xã hội nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời cùng với sự tuân thủ phác đồ điều trị từ phía người bệnh, gia đình và cộng đồng.

Đặc biệt, điều trị bệnh trầm cảm thường liên quan đến sử dụng liệu pháp nói chuyện, vì vậy hãy nói chuyện với những người mà mình tin tưởng, điều đó có thể là bước đầu tiên hướng tới phục hồi sự suy thoái về tinh thần.

Các biểu hiện thường gặp ở người trầm cảm gồm: cảm giác buồn chán, trống rỗng; khó tập trung suy nghĩ, hay quên, luôn cảm giác mệt mỏi, không muốn làm việc; cảm giác mình có tội lỗi, vô dụng, không xứng đáng; mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều; hay cáu gắt, giận dữ; giảm thích thú trong các hoạt động hoặc sở thích hàng ngày; giảm cảm giác ngon miệng, sụt cân hoặc ăn quá nhiều, thậm chí nghĩ về cái chết, có ý tưởng hoặc hành vi tự sát.

Ngoài ra, nhiều bệnh nhân trầm cảm còn biểu hiện bằng các triệu chứng như đau đầu, đau tức ngực, các rối loạn tiêu hóa…

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: trầm cảm