25/04/2015 00:10 GMT+7

​Chuyên gia kiến nghị gỡ khó cho xuất khẩu, nông nghiệp, dịch vụ

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Tổ chuyên gia tư vấn của Thủ tướng cho rằng cần kịp thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu, nông nghiệp, dịch vụ.

Cụ thể, trong khi xuất khẩu 4 tháng tăng 8,2% thì nhập khẩu tăng 19,9%, nên nhập siêu lên tới 3 tỷ USD. Nếu tình hình này không có chuyển biến thì khả năng nhập siêu sẽ rất cao, có thể lên 9 tỷ USD.

Các chuyên gia kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành liên quan cần có các biện pháp quyết liệt, cụ thể nhằm thúc đẩy mở rộng thị trường xuất khẩu, áp dụng các biện pháp để hạn chế nhập hàng tiêu dùng không thiết yếu; đánh giá kỹ việc nhập siêu của khu vực doanh nghiệp trong nước (4 tháng: nhập siêu 5,7 tỷ USD).

Các chuyên gia nhận định sản xuất nông nghiệp rất khó khăn không chỉ năm 2015 mà có thể cả năm 2016, nhất là tỷ giá ảnh hưởng đến xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của nước ta ở một số thị trường.

Xb2hSbF5.jpg

Do vậy, các chuyên gia kiến nghị các Bộ: NN&PTNT, Công Thương, Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đánh giá sát hơn để có chính sách tỷ giá hợp lý, linh hoạt hoặc có chính sách hỗ trợ phù hợp để khuyến khích xuất khẩu hàng nông, lâm và thủy sản.

Tuy nhiên, việc điều hành tỷ giá phải xử lý tổng thể lợi ích các ngành kinh tế và đặt ổn định kinh tế vĩ mô lên hàng đầu.

Bên cạnh đó, cần tổ chức lại chuỗi phân phối, kết nối sản xuất với tiêu thụ một số nông sản có tính thời vụ, giúp nông dân ổn định sản xuất và đời sống; tập trung đổi mới công nghệ trong sản xuất nông nghiệp và công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản.

Trong bối cảnh CPI tăng thấp, các chuyên gia đề xuất xem xét sử dụng dư địa của lạm phát mục tiêu (5%) để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất.

Khu vực dịch vụ có dư địa lớn, thường các năm đều có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng chung nhưng hiện đang tăng trưởng yếu; trong đó vận tải, dịch vụ lưu trú, kinh doanh bất động sản chiếm tỷ trọng lớn trong ngành dịch vụ (3 lĩnh vực này chiếm 12,8% GDP, tương đương 30,5% dịch vụ) thời gian qua đều tăng trưởng thấp.

Ngành du lịch cũng đang mất đà tăng trưởng do khách quốc tế giảm. Trong 4 tháng đầu năm 2015, lượng khách du lịch đến Việt Nam đã giảm 12,2% so với cùng kỳ, chỉ đạt gần 2,7 triệu lượt khách.

Các chuyên gia kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có biện pháp điều phối, phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành (thủ tục xuất nhập cảnh, mở rộng diện miễn visa, giảm giá vé máy bay, giá phòng, xúc tiến du lịch...) để đẩy mạnh thu hút khách du lịch trong thời gian tới.

Trong bối cảnh hiện nay, để nền kinh tế tăng trưởng nhanh, bền vững, bên cạnh các biện pháp cải cách thủ tục hành chính (theo NQ19), cần nâng cao chất lượng của chính sách (không chỉ giảm thời gian mà còn phải nâng chất lượng, hiệu quả xử lý), đẩy mạnh cải cách thể chế một cách toàn diện, đồng bộ, dịch vụ công, phân cấp quản lý kinh tế, công nghiệp hỗ trợ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải thiện năng suất lao động…

Các bộ, ngành khẩn trương ban hành các văn bản quy phạm pháp quy để hướng dẫn thực hiện một loạt những luật quan trọng được Quốc hội khóa XIII kỳ họp thứ 8 thông qua có hiệu lực từ ngày 1-7-2015 như: Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản...

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên