20/03/2015 00:10 GMT+7

​Quản lý nước thải tại các khu công nghiệp ở Đà Nẵng

Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường
Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường

Việc xử lý nước thải công nghiệp và chất thải nguy hại đang là vấn đề được quan tâm hàng đầu trong chiến lược bảo vệ môi trường của thành phố Đà Nẵng.

Thành phố Đà Nẵng có 6 khu công nghiệp và 1 cụm công nghiệp, tổng số cơ sở doanh nghiệp hoạt động là 38,1 tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt 84,69%.

Trước năm 2008, toàn bộ thành phố chỉ có 2/6 khu công nghiệp có hệ thống xử lý tập trung, còn lại tự xử lý cục bộ phạm vi cơ sở và xả trực tiếp ra môi trường.

Đến nay, tuy tất cả các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố đã hoàn chỉnh mạng lưới thu gom, đảm bảo đường ống thu gom đi qua tất cả doanh nghiệp nhưng theo kết quả thanh tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường vào tháng 5-2014, hệ thống xử lý nước tập trung của khu công nghiệp Hòa Khánh, khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Đà Nẵng còn chưa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật dẫn đến tình trạng nước thải sau khi xử lý có thời điểm vượt Quy chuẩn Việt Nam cho phép trước khi thải ra môi trường.

Tại báo cáo “Khảo sát chất thải nguy hại tại thành phố Đà Nẵng” cho thấy, chất thải rắn nguy hại cũng là một trong những nguy cơ hàng đầu đe dọa môi trường tại thành phố Đà Nẵng.

Lượng chất thải rắn nguy hại trong công nghiệp ước tính khoảng 9118 tấn/năm, tương đương 25 tấn/ngày và lượng chất thải độc hại phát sinh từ các cơ sở y tế khoảng 1750 tấn/năm, tương đương 6 tấn/ngày.

eu2CGxk2.jpg

Để đạt được mục tiêu đề ra trong đề án thành phố môi trường của Đà Nẵng là đến 2011- 2015, 90% chất lượng nước thải của các khu công nghiệp, khu chế xuất đảm bảo tiêu chuẩn Việt Nam; hình thành và phát triển công nghiệp tái chế chất thải để tái sử dụng, phấn đấu 50% chất thải thu gom được tái chế, thời gian qua Đà Nẵng đã ưu tiên tập trung giải quyết các vấn đề về xử lý nước thải.

Thành phố Đà Nẵng đã tập trung và thống nhất những giải pháp xây dựng kế hoạch quản lý ô nhiễm công nghiệp và giải pháp thực hiện, trong đó tăng cường năng lực hoạt động của cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường; tăng cường đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; phát triển khoa học - công nghệ và ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào công tác quản lý ô nhiễm công nghiệp; tăng cường trang thiết bị và cơ sở vật chất, sự tham gia của cộng đồng, doanh nghiệp.

Đối với các khu công nghiệp, tập trung cải tạo và hoàn thiện hệ thống thu gom nước thải, nước mưa; thúc đẩy xây dựng và cải tạo các hệ thống xử lý nước thải của các khu công nghiệp; tăng cường công tác quản lý, xử lý chất thải nguy hại; thực hiện tái chế, tái sử dụng chất thải nhằm giảm thiểu lượng chất thải chôn lấp...

Thành phố Đà Nẵng cũng khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi sử dụng các nguồn nhiên liệu sạch; xây dựng và phát triển các dự án theo cơ chế sạch; xây dựng lộ trình đổi mới công nghệ theo hướng thân thiện môi trường; lồng ghép bảo vệ môi trường vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội.

Thành phố đầu tư xây dựng các công trình xử lý chất thải rắn, chất thải công nghiệp và chất thải nguy hại; triển khai các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường công nghiệp; tăng cường công tác thanh, kiểm tra; tăng cường công tác điều tra cơ bản phục vụ chương trình quản lý ô nhiễm công nghiệp; rà soát 19 ngành công nghiệp không được phép hoạt động trong khu dân cư để từng bước di dời, đổi mới công nghệ. 

Nhờ vậy, việc thu gom và xử lý nước thải tập trung của các khu công nghiệp đã được giải quyết cơ bản (trừ khu công nghiệp dịch vụ thủy sản).

Đến nay, có 98% cơ sở đấu nối nước thải, 6.820m3 nước thải/ngày được thu gom xử lý tập trung.

Đơn cử như khu công nghiệp Đà Nẵng hiện có 46/52 doanh nghiệp đang hoạt động, 100% cơ sở có đấu nối. Hệ thống xử lý nước thải (250m3/ngày đêm) hoạt động ổn định, chất lượng nước thải sau xử lý đảm bảo, các thông số ô nhiễm đều nằm trong giới hạn cho phép.

Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên