23/01/2015 00:10 GMT+7

​Giảm phát thải khí nhà kính - trọng tâm sắp tới của Việt Nam

Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường
Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường

Kết quả tại các phiên đàm phán quốc tế về biến đổi khí hậu gần đây cho thấy, đàm phán về biến đổi khí hậu đã chuyển sang giai đoạn mới và còn tiếp tục cam go.

Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) trong báo cáo "Biến đổi khí hậu 2014" đã cảnh báo: "Việc tiếp tục phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính sẽ làm cho tất cả mọi yếu tố cấu thành nên hệ thống khí hậu biến đổi ấm hơn, kéo dài hơn, làm tăng khả năng tác động nghiêm trọng, rộng khắp và không thể đảo ngược đối với con người và hệ sinh thái. Trong tất cả mọi kịch bản phát thải khí được khảo sát đánh giá, nhiệt độ bề mặt trái đất đều dự báo sẽ tăng trong thế kỷ 21. Nhiều khả năng những đợt nắng nóng sẽ xảy ra thường xuyên hơn, kéo dài hơn và mưa tuyết sẽ trở nên khắc nghiệt hơn, thường xuyên hơn tại nhiều khu vực. Đại dương sẽ tiếp tục ấm lên và axit hóa; mực nước biển trung bình trên toàn cầu sẽ tiếp tục dâng cao”.

Như vậy, rõ ràng, vấn đề khí hậu hiện nay không những không giảm bớt mà còn trở nên tồi tệ hơn.

Những diễn biến khó lường và phức tạp của biến đổi khí hậu đã, đang và sẽ tác động mạnh mẽ đến Việt Nam – một quốc gia đang phát triển với năng lực ứng phó còn nhiều hạn chế.

6mecup4O.jpg

Để hạn chế ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trên toàn cầu cũng như giảm thiểu thiệt hại cho chính mình, Việt Nam hiện đang thực hiện nhiều sáng kiến, chính sách và hoạt động thiết thực để ứng phó với biến đổi khí hậu với sự hỗ trợ và hợp tác của nhiều quốc gia.

Là một trong những nước tham gia Nghị định thư Kyoto, Việt Nam đã đặt ra mục tiêu cụ thể về giảm thiểu phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.

Cụ thể, trong giai đoạn 2011-2020, giảm cường độ phát thải khí nhà kính 8 – 10% so với mức 2010, giảm tiêu hao năng lượng tính trên GDP 1 – 1,5% mỗi năm.

Đến năm 2030, giảm mức phát thải khí nhà kính mỗi năm ít nhất 1,5% – 2%, giảm lượng phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng từ 20 – 30% so với phương án phát triển bình thường.

Thách thức toàn cầu và trong nước đặt Việt Nam trước yêu cầu buộc phải phát triển nền kinh tế xanh, xanh hóa sản xuất, bao gồm sản xuất công nghiệp xanh, nông nghiệp xanh và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đề cao đầu tư ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm môi trường, xanh hóa lối sống.

Đây chính là những biện pháp lâu dài để Việt Nam tiến bước trên con đường quản lý hiệu quả khí gây hiệu ứng nhà kính, hướng tới sự phát triển bền vững trong tương lai.

Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên