16/12/2016 07:35 GMT+7

"Bị ép quan hệ tình dục" cảnh báo về việc quen trên mạng

VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN
VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN

TTO - Câu chuyện cô gái đi chơi với bạn quen trên Zalo để rồi bị dùng dao khống chế đòi quan hệ tình dục thêm một lần nữa cảnh báo mọi người về sự cẩn trọng khi quyết định gặp gỡ những người mới quen biết trên mạng.

Hình ảnh từ clip dàn dựng một bé gái dễ dàng leo lên xe đi chơi với một người đàn ông vừa quen trên mạng - Ảnh tư liệu
Hình ảnh từ clip dàn dựng một bé gái dễ dàng leo lên xe đi chơi với một người đàn ông vừa quen trên mạng

Trước đó, không ít vụ việc cướp tiền, lừa lấy tài sản, bị hăm dọa, bị hiếp dâm,… đã xảy ra chỉ vì quá tin tưởng và đi gặp mặt người quen trên mạng mà không hề phòng vệ, cảnh giác gì.

Gái hay trai đều có thể là nạn nhân

Năm 2015, khi clip Sự nguy hiểm của mạng xã hội do Corby Persin thực hiện và đăng tải, nhiều vị phụ huynh chia sẻ họ bị sốc vì không ngờ cô con gái của mình lại nhẹ dạ, cả tin và dám làm những chuyện “động trời” như mời bạn trai mới quen vào nhà khi bố mẹ đi vắng hay trốn nhà, lên xe đi chơi với anh ta lúc nửa đêm.

Tiếp đó, Corby thực hiện tiếp một video nữa với tình huống giả định nhắm vào các cậu bé tuổi teen. Và cũng giống như các cô gái, những cậu bé này rất dễ bị dụ dỗ trên mạng xã hội bởi một người vừa mới quen biết chưa đầy 24 tiếng đồng hồ.

Nhiều vị phụ huynh khi nhận ra sự thật con mình dễ bị cuốn hút, dễ bị lôi kéo như thế nào trên mạng xã hội đã thốt lên: Mẹ không hiểu nổi, con có thể bị bắt cóc, bị giết và gia đình sẽ mất con mãi mãi khi chẳng do dự mà bước vào nhà một người lạ như thế này.

Tại Việt Nam, chỉ trong năm 2016 đã ghi nhận rất nhiều trường hợp lừa lấy tài sản như xe máy, tiền bạc, tư trang, bị dụ dỗ bỏ nhà ra đi, bị ép quan hệ tình dục,… với nạn nhân và thủ phạm là hai người quen nhau từ các trang mạng. Không chỉ có nữ giới mới là nạn nhân mà có những chàng trai cũng bị lừa lấy tài sản khi cả tin người phụ nữ mình quen trên mạng.

Nhiều cảnh báo, tại sao vẫn “sập bẫy”?

Thông tin trên báo chí chia sẻ rất nhiều về việc cần cẩn trọng khi gặp gỡ người mới quen trên mạng, cùng với đó là những câu chuyện việc thật, người thật. Thế nhưng vì sao vẫn nhiều người “sập bẫy”?

Theo Ths.BS Nguyễn Lan Hải, chuyên gia tâm lý-giới tính, các bạn trẻ rơi vào bẫy lừa tình, lừa tiền trên mạng thường đến từ những gia đình “có vấn đề”. Đó có thể là gia đình buông lỏng quản lý hoặc cấm đoán con em quá mức hay bố mẹ cũng không có nhiều kiến thức về thế giới mạng để cảnh báo cho con.

Bên cạnh đó, tâm lý của tuổi trẻ thường bồng bột, đôi khi cả tin, chủ quan, mạo hiểm và có phần đua đòi, để rồi dễ dẫn dắt bản thân vào chỗ nguy hiểm mà vẫn không hay biết.

“Có những người chủ quan nghĩ rằng chuyện lừa đảo hay nguy hiểm tính mạng, sức khỏe khi gặp người quen trên mạng sẽ không xảy ra với mình đâu hay cả tin theo kiểu người mình quen sẽ không như vậy đâu”, ThS Nguyễn Lan Hải phân tích.

Mặt khác, giáo dục kỹ năng sống trong nhà trường không phải lúc nào cũng đầy đủ và sâu sát đủ để cảnh báo, răn đe các em.

Theo ThS Vũ Cẩm Vân, nhiều bạn gái đặt niềm tin vào mối quan hệ trên mạng dù chưa thật sự hiểu rõ về người đó. Chính sự chủ quan có thể dẫn đến những hậu quả không lường trước được.

“Cần hết sức cẩn trọng khi bắt đầu một mối quan hệ trên mạng xã hội. Khi tình cảm chỉ thể hiện bằng tin nhắn hay nói chuyện điện thoại thì cũng không nói lên được đối phương có thật sự chân thành hay không.

Ngoài ra, nhân thân, tính cách, nhũng mối quan hệ xung quanh, công việc… của người đó có thể cũng rất mơ hồ, không chính xác, không đủ tin cậy để đặt niềm tin. Cần có thời gian tìm hiểu và tiếp cận đối phương một cách an toàn, không có gì cần phải vội vàng”, ThS tâm lý lâm sàng Vũ Cẩm Vân, bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM, chia sẻ.

Nguyên tắc an toàn khi offline

Ths.BS Nguyễn Lan Hải khuyên bạn trẻ hãy “đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng” khi tham gia mạng xã hội.

Thứ nhất, tuyệt đối không được để lộ những thông tin cá nhân của mình thông qua chia sẻ, hình ảnh, check-in… trên mạng xã hội. Ngay cả việc truy cập wifi ở những nơi công cộng cũng cần hết sức thận trọng vì những dữ liệu cá nhân có thể bị rò rỉ.

Thứ hai, phải hết sức chừng mực khi ứng xử, bày tỏ cảm xúc trên mạng xã hội.

Ngoài ra, khi quyết định gặp gỡ một đối tượng mình quen trên mạng ngoài đời thực, bạn trẻ nên thông báo địa điểm, giờ giấc và người bạn mình sẽ gặp cho bố mẹ, người thân được biết. Nên di chuyển bằng phương tiện của mình, không phụ thuộc vào việc đưa-đón của người khác. Ngoài ra, cần mang đủ tiền để có thể tự chi trả cho bản thân mình.

“Khi đang ngồi cùng người bạn đó thì nên điện thoại thông báo cho bố mẹ biết con đang ngồi với ai, ở đâu, khoảng mấy giờ thì con về. Việc công khai thông tin với người thân là chìa khóa để bảo đảm an toàn cho bản thân”, ThS Nguyễn Lan Hải nói.

Nói thêm về những nguyên tắc an toàn khi offline, ThS tâm lý tâm sàng Vũ Cẩm Vân khuyên không nên đến chỗ hẹn lần đầu một mình mà phải đi cùng với một nhóm bạn.

Việc lựa chọn địa điểm cũng phải hết sức cân nhắc, không chọn nơi vắng vẻ, hiu quạnh, ít người qua lại và khó tìm kiếm sự giúp đỡ khi cần.

Có thể chọn gặp mặt ở những quán cà phê đông người, một không gian tương đối an toàn và không quá riêng tư để tạo cơ hội cho người kia có những vi không an toàn, hành vi nhạy cảm với mình.

“Tôi nghĩ điều quan trọng nhất là yêu quý và trân trọng giá trị của bản thân mình. Khi đó, bạn trẻ sẽ không dễ dàng trong bất kỳ mối quan hệ nào, không dễ dàng cho đi và đặt bản thân vào những tình huống nguy hiểm, để rồi phải tự vệ và có thể để lại những hậu quả đau lòng về sau”, ThS Vũ Cẩm Vân cảnh báo.

Nghe chia sẻ của Ths tâm lý lâm sàng Vũ Cẩm Vân

VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục