13/11/2016 08:11 GMT+7

Công chức có đạo đức không khi đánh người?

VÕ HƯƠNG - MẠNH KHANG
VÕ HƯƠNG - MẠNH KHANG

TTO - Công chức có đạo đức hay không khi đánh người, có khi là người già 76 tuổi? Dư luận vô cùng bức xúc vì thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các trường hợp cán bộ giải quyết mâu thuẫn bằng vũ lực.

Tiến sĩ Nguyễn Khanh bị đánh rách miệng - Ảnh: QUANG THẾ

Tiến sĩ Nguyễn Khanh bị đánh rách miệng - Ảnh: QUANG THẾ

Mới đây, một tiến sĩ là cựu giảng viên đại học khi đang đi tập thể dục thì có một phụ nữ đi xe máy va phải. Cả hai chưa kịp phản ứng thì một người đàn ông đi ôtô phía sau dừng xe xông đến đánh vị tiến sĩ 76 tuổi rách khoang miệng, mất máu, phải khâu 7 mũi.

Người có hành vi côn đồ, hung hãn này là ông Nguyễn Đức Hoàng, 39 tuổi, hiện là phó giám đốc phụ trách Trung tâm dịch vụ đối ngoại Hà Nội (thuộc Sở Ngoại vụ Hà Nội).

Đụng chuyện là đánh nhau

Ngày 24-10, nữ nhân viên bán xăng tại Nghệ An đã bị một nam cán bộ ngân hàng hành hung bị rách đầu chảy máu, phải đến bệnh viện điều trị.

Cán bộ ngân hàng đánh nữ nhân viên bán xăng - Ảnh cắt từ clip

Trước đó, dư luận vẫn chưa hết bức xúc về hành động “đánh phụ nữ” ngay Cảng hàng không quốc tế Nội Bài của hai nam hành khách. Trong đó, một người là cán bộ Đội thanh tra cầu đường bộ trực thuộc Thanh tra Sở GTVT Hà Nội

Anh Quang Huy (Q.9, TP.HCM) nói: “Thanh niên lại là công chức nhà nước mà đánh ông già, phụ nữ là hành động không thể chấp nhận được. Quá tệ hại về cả mặt đạo đức và pháp luật”.

Nhiều bạn đọc phẫn nộ cho rằng các anh cán bộ đường đường là đàn ông mà lại ra tay đánh phụ nữ, người già - những người yếu thế hơn mình. Chuyện đúng sai gì không biết, nhưng chỉ việc thấy đánh nhau để giải quyết mâu thuẫn là không văn minh, thiếu đạo đức.

Bất khả xâm phạm về thân thể

Tiến sĩ, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch cho biết căn cứ khoản 1 Điều 20 Hiến pháp năm 2013, mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe. Khoản 2 Điều 38 Hiến pháp năm 2013 cũng quy định là nghiêm cấm các hành vi đe dọa cuộc sống, sức khỏe của người khác và cộng đồng.

Do đó, việc giải quyết mâu thuẫn bằng cách đánh nhau được xem là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.

“Phẩm chất đạo đức là rất cần thiết đối với cán bộ. Trường hợp cán bộ có hành vi vi phạm pháp luật thì vẫn xem xét xử lý theo quy định pháp luật vì mọi người đều bình đẳng trước pháp luật”.

TS.LS Nguyễn Hữu Thế Trạch

Trong trường hợp đánh nhau nhưng chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm, hành vi đánh nhau sẽ bị xử lý theo quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ với mức xử phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.

Trong trường hợp hành vi đánh nhau đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm, có thể bị xử lý về các tội: cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 104 BLHS 1999), tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh (Điều 105 BLHS 1999), tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (Điều 106 BLHS 1999)….có thể bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ, phạt tù.

Với các tội liên quan đến cố ý gây thường tích thì cần phải tiến hành giám định thương tật theo đúng quy định pháp luật, giải thích quyền của người bị hại về yêu cầu khởi tố, yêu cầu bồi thường như thế nào để họ quyết định có thực hiện hay không.

Ngôn từ bất lực, bạo lực lên ngôi?

Người đàn ông vung tay đánh mạnh vào đầu nữ nhân viên hàng không ở sân bay Nội Bài - Ảnh cắt từ clip

Người đàn ông vung tay đánh mạnh vào đầu nữ nhân viên hàng không ở sân bay Nội Bài - Ảnh cắt từ clip

ThS tâm lý Nguyễn Thị Trang Nhung cho rằng: “Có rất nhiều người nghĩ khi dùng vũ lực sẽ chấm dứt mâu thuẫn. Bạo lực được dùng như cách cuối cùng để thể hiện sức mạnh, bản lĩnh của cá nhân trong việc giải quyết vấn đề. Nhưng đó là một quan niệm sai lầm”.

Theo bà Nhung, dùng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn có thể xảy ra ở những người xa lạ hoặc với cả người thân trong gia đình, có thể vì bất kỳ một chuyện nhỏ nhặt nào đó. Vũ lực giống như biện pháp nhanh nhất, tiện lợi nhất để giải quyết vấn đề thay vì phải thương lượng, đàm phán, nhún nhường, hạ “cái tôi” của mình xuống.

Tuy nhiên, việc dùng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn thể hiện con người đang cư xử với nhau bằng bản năng nhiều hơn, cạn kiệt về ý tưởng và khả năng kiểm soát cảm xúc để tìm ra cách để giải quyết vấn đề.

Bản chất của mâu thuẫn là không ai chấp nhận mình sai và không ai dám thừa nhận là người kia đúng. Ai cũng muốn giành phần đúng về mình và khi nhu cầu giành phần đúng về mình không được người kia thừa nhận thì mâu thuẫn lên đỉnh điểm.

Khi xảy ra mâu thuẫn, nếu chúng ta không có điều kiện tìm đến cơ quan chính quyền để can thiệp thì các bên nên bình tâm nhìn lại xem mình đúng chỗ nào, mình chưa đúng chỗ nào. Nếu mình chưa đúng thì nên can đảm thừa nhận. Một lời xin lỗi không ảnh hưởng đến lòng tự trọng, đến “cái tôi” mà còn thể hiện mình là người sống bản lĩnh.

Khi phát hiện đối phương là người quá nóng giận thì chúng ta càng phải kiểm soát mình vì nóng giận mang tính chất lây lan giữa các đối tượng. Nếu người kia nóng giận thì mình cũng sẽ nóng giận theo và cơn giận sẽ tăng lên theo cấp số nhân. Tất cả những lời nói, phát ngôn đưa ra trong lúc giận dữ có thể sẽ khiến chúng ta ân hận về sau: hoặc là mất đi một mối quan hệ hoặc bị ảnh hưởng sức khỏe, tiền bạc, vật chất,…

Nếu nhận ra mình đã nhún nhường rồi nhưng đối phương vẫn tiếp tục có hành vi quá đáng, khiêu khích thì chiêu “tẩu vi thượng sách” (tìm cách tạm cách ly khỏi mâu thuẫn) vẫn rất hiệu quả. Chẳng có gì đáng xấu hổ nếu mình bỏ đi khi mình cảm thấy mối nguy hiểm đến gần vì nếu cứ ở đó thì không chỉ gây nguy hiểm cho mình mà còn cho những người xung quanh.

VÕ HƯƠNG - MẠNH KHANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục