Lực lượng chức năng lập biên bản vi phạm trong khuôn viên tòa nhà trên đường Hai Bà Trưng, Q.1 - Ảnh bạn đọc cung cấp |
Xung quanh câu chuyện chủ tịch UBND phường Bến Nghé bị kiện vì vụ Phin Cà Phê, nhiều người đặt những câu hỏi xung quanh việc xác định thế nào là đậu xe giao hàng, thế nào là đậu xe buôn bán, đơn vị nào có chức năng xử phạt nếu vi phạm?
Trên vỉa hè các con đường lớn như Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Cộng Hòa, Điện Biên Phủ, xung quanh những khu vực như hồ con rùa… người ta dễ dàng bắt gặp những chiếc xe máy đậu cố định tại chỗ và buôn bán, kinh doanh các mặt hàng như cà phê, trà sữa…
Như vậy đối với những trường hợp này, làm sao xác định được là đậu xe để giao hàng hay đậu xe để kinh doanh buôn bán? Trường hợp nào sẽ bị xử phạt, trường hợp nào không?
Chưa phân biệt được?
Chưa phân biệt giữa dừng xe để kinh doanh buôn bán và dừng xe để giao nhận hàng
Theo luật sư Lê Cao, hiện nay chưa có quy định việc đậu xe để giao - nhận hàng trong hoạt động kinh doanh là một hành vi vi phạm pháp luật.
Còn việc sử dụng lòng, lề đường để kinh doanh thì có thể có những phương thức nhận diện như có hàng quán, xe đẩy…
Các hình thức kinh doanh nhỏ lẻ thường thấy như quán nước mía, xe bán bánh mì… vẫn thường sử dụng lòng, lề đường cho hoạt động buôn bán.
Luật giao thông đường bộ và nghị định 46/2016 có quy định việc bán hàng rong hoặc bán hàng hóa nhỏ lẻ trên lòng đường đô thị, trên vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hàng là hành vi bị cấm và bị xử phạt.
Ngoài ra, không có các quy định cụ thể để phân biệt một người dừng xe để giao nhận hàng với một người thực hiện việc buôn bán hàng rong trong hệ thống pháp luật hiện hành.
“Hiện nay, các hoạt động bán hàng rong không hoàn toàn bị cấm trên tất cả các tuyến đường. Các hoạt động ấy nếu vẫn đảm bảo không vi phạm luật giao thông, không gây ra các hiện tượng mất trật tự, cảnh quan đô thị thì cũng cần tạo điều kiện để các chủ thể kinh doanh làm ăn, mưu sinh” - LS Lê Cao nói.
Người giao hàng bằng xe máy cần chú ý gì?
Theo LS Lê Quang Vũ - phó trưởng Văn phòng luật sư Người nghèo, hiện nay các hoạt động mua bán, sử dụng dịch vụ giao hàng tận nơi bằng môtô, xe máy rất phổ biến vì tính tiện lợi.
Có thể xác định dịch vụ giao nhận hàng bằng môtô, xe máy không phải là loại buôn bán hàng rong, nhưng hoạt động này vẫn chịu sự chi phối của Luật giao thông đường bộ và quyết định 74/2008 của UBND TP.HCM về quản lý và sử dụng lòng đường, vỉa hè trên địa bàn TP.HCM.
LS Lê Quang Vũ cũng dẫn chứng một số điều luật mà người giao nhận hàng bằng xe máy cần phải lưu ý:
Theo điều 6.6 quyết định 74, một số tuyến đường chỉ cho phép người dân để xe hai bánh tự quản trước cửa nhà (chỉ phục vụ cho xe của gia đình và xe của khách hàng).
Theo nghị định 46/2016 của Chính phủ và thông tư 07/2010/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải, việc chở hàng hóa cồng kềnh và dừng xe, đỗ xe không đúng quy định khi giao nhận hàng thì có thể bị chính quyền địa phương, cảnh sát giao thông xử phạt.
Những người thực hiện dịch vụ giao nhận hàng bằng motô, xe máy cần lưu ý không được xếp hàng hóa vượt quá bề rộng giá đèo hàng theo thiết kế của nhà sản xuất về mỗi bên 0,3m, vượt quá phía sau giá đèo hàng là 0,5m. Chiều cao xếp hàng hóa tính từ mặt đường xe chạy là 2m.
Tại các địa điểm giao hàng thì nên đỗ xe trên vỉa hè trước nhà, trong khuôn viên nhà, cơ quan, chỉ dừng xe, đỗ xe trên những tuyến đường cho phép và phải bật tín hiệu đèn phù hợp.
Bổ sung thêm, LS Lê Cao cho biết nhân viên giao nhận hàng không được đậu đỗ nơi có biển cấm đỗ xe, không được cản trở hoạt động giao thông của người khác, tuân thủ các quy định về việc điều khiển, sử dụng phương tiện giao thông đường bộ…
Nhà hàng, quán ăn có dịch vụ giao nhận, đăng ký kinh doanh ra sao?
Trường hợp công ty chuyên về chuyển phát nhanh thì khi đăng ký kinh doanh, họ có thể nói rõ là đăng ký kinh doanh dịch vụ giao nhận hàng.
Còn trường hợp nhà hàng, quán ăn, shop quần áo... có dịch vụ giao nhận hàng tận nơi phải đăng ký kinh doanh thế nào? LS Lê Cao cho rằng các nhà hàng, quán ăn, tiệm buôn bán có hoạt động giao nhận hàng thì việc giao nhận đó là tự thân xuất phát từ hoạt động kinh doanh đã đăng ký và không buộc phải đăng ký kinh doanh mới cho phép hoạt động.
“Luật pháp không có quy định về việc phải đăng ký hoạt động giao nhận hàng hóa cho hoạt động kinh doanh. Và vì vậy, người kinh doanh có thể vận chuyển hàng hóa cho khách hàng tại nơi họ yêu cầu.
Nếu cản trở việc giao nhận hàng thì doanh nghiệp không thể phát triển bền vững, bởi đó là hoạt động tất yếu buộc phải thực hiện trong kinh doanh.
Hoạt động này mang tính chất thường xuyên, nếu không vi phạm các điều cấm của pháp luật thì cần được hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển lành mạnh” - LS Lê Cao nhận xét.
Có được phép sử dụng lòng, lề đường cho mục đích khác hay không? Quyết định 74/2008 về quản lý và sử dụng lòng đường, vỉa hè trên địa bàn TP.HCM có nêu rõ một vài trường hợp được phép sử dụng lòng lề đường cho mục đích phi giao thông. Theo đó, việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố không vào mục đích giao thông không được gây mất trật tự, an toàn giao thông. Một số trường hợp được phép sử dụng tạm thời một phần hè phố không vào mục đích giao thông như tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; tổ chức đám tang, đám cưới và trông, giữ xe phục vụ đám tang, đám cưới; trông, giữ xe phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội; điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng để phục vụ thi công công trình của hộ gia đình. Một số trường hợp được sử dụng tạm thời một phần lòng đường không vào mục đích giao thông là trông, giữ ôtô phục vụ các hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội và làm điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt của doanh nghiệp vệ sinh môi trường đô thị. Lòng, lề đường trong tất cả các trường hợp này đều phải đảm bảo đáp ứng được về mặt kỹ thuật cho tất cả các hoạt động và còn chừa lại một phần tối thiểu cho người sử dụng với mục đích giao thông. Ngoài ra, các hoạt động phi giao thông trên cũng chỉ được thực hiện trong khoảng thời gian quy định. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận