12/08/2016 11:30 GMT+7

Bán bắp nướng, điện thoại cùi, đăng ký kinh doanh ra sao?

VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN - MAI NGUYỄN
VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN - MAI NGUYỄN

TTO - Chuyện một người đàn ông sửa chữa điện thoại tại nhà vướng vào những rắc rối pháp lý vì chưa đăng ký kinh doanh làm nhiều người bức xúc và đặt câu hỏi: Bán vài trái bắp, vài bịch yaourt, điện thoại cùi bắp có phải đăng ký?

Anh Tiến lo lắng trước khả năng bị Công an Q.10 xử lý hành vi kinh doanh trái phép điện thoại cũ - Ảnh: A.NHÂN

Anh Tiến lo lắng trước khả năng bị Công an Q.10 xử lý hành vi kinh doanh trái phép điện thoại cũ - Ảnh: A.NHÂN

Làm thế nào để tránh rơi vào tình trạng này? Buôn bán nhỏ lẻ vài trái bắp, vài bịch yaourt tại nhà thì cần đăng ký kinh doanh thế nào?

Khi nào không phải đăng ký kinh doanh?

 

Theo tiến sĩ, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch, các trường hợp không phải đăng ký kinh doanh căn cứ theo nghị định số 39/2007/NĐ-CP gồm nhiều hoạt động như buôn bán rong, buôn bán vặt, nhỏ lẻ, không có địa điểm cố định hoặc thực hiện các dịch vụ như đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh…

Bên cạnh đó, các hoạt động thương mại một cách độc lập, th­ường xuyên không phải đăng ký kinh doanh khác cũng được xếp vào loại không phải đăng ký kinh doanh. Như vậy, không phải tất cả các cá nhân hoạt động thương mại đều phải đăng ký kinh doanh.

LS Nguyễn Hữu Thế Trạch cho rằng nhìn chung người dân hiện nay chưa được phổ biến để nắm rõ các quy định pháp luật về trường hợp phải đăng ký kinh doanh, không phải đăng ký kinh doanh.

Đồng tình, LS Nguyễn Đức Chánh nêu quan điểm để quy định pháp luật đi vào cuộc sống, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật quan trọng không kém việc ban hành pháp luật.

“Để tồn tại thực trạng người dân không nắm rõ những quy định pháp luật có một phần lỗi của cơ quan chức năng. Vì vậy, nếu quả thực người dân không biết quy định pháp luật mà vi phạm thì khi xử lý cũng cần giảm nhẹ trách nhiệm cho họ, vì chế tài của pháp luật không chỉ mang tính trừng phạt mà còn mang tính giáo dục”, ông Chánh thẳng thắn.

Xử phạt hành chính cũng cần cân nhắc

LS Lê Quang Vũ (phó trưởng VP Luật Sư Người Nghèo) cho rằng trong trường hợp mua bán điện thoại của anh Dương Trọng Tiến và những trường hợp tương tự khác, chính quyền địa phương có thể kiểm tra hành chính. Nếu phát hiện có vi phạt thì lập biên bản nhắc nhở hoặc xử phạt hành chính, không nên tổ chức một lượng công an cài người rồi ập vào khám xét thu giữ hàng hóa như đi bắt tội phạm.

Theo LS Nguyễn Đức Chánh, việc áp dụng hình thức xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người dân cũng cần cân nhắc kỹ càng. Vì đây là những chế tài nặng nhất áp dụng đối với những người có hành vi vi phạm pháp luật.

Những chế tài này có thể gây ra hậu quả về kinh tế, về quyền tự do thân thể và gánh chịu nhiều hệ lụy khác đối với một con người. Vì vậy, cần xử lý một cách “thấu tình, đạt lý” chứ không nên chỉ nhắm vào những vi phạm cũng như chế tài mà giải quyết.

Bên cạnh đó, LS Nguyễn Hữu Thế Trạch nhấn mạnh những người có thẩm quyền không được lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm các hành động làm đe dọa, ép người vi phạm thực hiện hành vi theo yêu cầu của mình để nhằm đạt được lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác.

“Cần phải có sự khách quan, áp dụng đúng quy định pháp luật trong các trường hợp như nhau, không có sự phân biệt vì bất kỳ lý do nào”- TS.LS Nguyễn Hữu Thế Trạch nói.

Nên tư vấn pháp lý cho dân

Theo TS.LS Nguyễn Hữu Thế Trạch, vụ việc xảy ra đối với người sửa chữa điện thoại nói riêng, và rất nhiều trường hợp tương tự được nêu ra trong thời gian qua là một hồi chuông đối với các cá nhân đang thực hiện hoạt động tương tự.

Người dân nên liên hệ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và cơ quan trợ giúp pháp lý để được tư vấn, hỗ trợ về các thủ tục pháp lý liên quan.

Qua đó, người dân sẽ nắm được cơ bản các quy định của pháp luật, bảo đảm pháp luật được áp dụng vào đời sống của người dân.

Bán hàng qua Facebook không đăng ký kinh doanh có bị phạt?

Hiện nay việc bán hàng qua Facebook khá phổ biến và nhiều người băn khoản không biết bán hàng như thế có vi phạm pháp luật không?

Theo pháp luật hiện hành, Facebook không phải là website thương mại điện tử nên người lập ra trang Facebook của mình không phải thông báo cho Bộ Công thương và cung cấp thông tin như việc lập ra website thương mại điện tử.

Facebook chỉ để quảng cáo hàng hóa dịch vụ, còn việc mua bán, giao hàng, thu tiền vẫn diễn ra như một giao dịch mua bán bình thường nên chịu sự chi phối của luật pháp về kinh doanh thương mại.

Một số trường hợp bị phát hiện từ việc bán hàng qua Facebook rồi bị xử phạt không phải vì bán hàng qua Facebook mà có thể vì không có đăng ký kinh doanh, hàng hóa mua bán là hàng giả, hàng lậu không có hóa đơn chứng từ… 

Luật sư LÊ QUANG VŨ

 

VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN - MAI NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục