08/07/2016 11:10 GMT+7

Tại sao công an phải vào cuộc vụ clip chế nhạo?

VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN - MAI NGUYỄN
VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN - MAI NGUYỄN

TTO - Nhóm các bạn trẻ làm video có nội dung chế nhạo kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia gây xôn xao dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng các học sinh chỉ làm clip hài cho vui.

Một người nữ được giới thiệu là học sinh một trường THPT của Huế vừa thi xong - Ảnh: Cắt từ clip

Một người nữ được giới thiệu là học sinh một trường THPT của Huế vừa thi xong - Ảnh: Cắt từ clip

Vụ nhóm các bạn trẻ làm video có nội dung chế nhạo kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia gây xôn xao dư luận. Dù các bạn đã làm lại ngay clip xin lỗi nhưng vụ việc đã được chuyển sang Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế để điều tra.

Nên để nhà trường và xã hội điều chỉnh?

Sau khi xem đoạn clip chế nhạo kỳ thi THPT quốc gia 2016 của các bạn tại Huế, bạn Huỳnh Ngọc Phương Loan (sinh viên năm 3 Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia TP.HCM) cho rằng mục đích của các bạn trẻ khi làm clip nói trên không phải là công kích ai hay có mục đích xấu gì mà chỉ nghĩ đơn giản là làm để giải trí.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2016 vừa qua là kỳ thi mang tính quốc gia, rất quan trọng đối với ngành giáo dục, đối với các bạn học sinh lớp 12 trên cả nước.

Việc các bạn trẻ thực hiện clip (có kịch bản dàn dựng và diễn viên đóng vai) với những nội dung và lời thoại như vậy phải khẳng định là không đúng, không phù hợp.

Sự phát triển của khoa học kỹ thuật đã giúp cho quá trình truyền thông được thông suốt và nhanh nhạy hơn.

Tuy vậy, chính truyền thông qua Internet, mạng xã hội nhiều lúc lại làm cho con người không kiểm soát được thông tin, dẫn đến những hậu quả như sự việc vừa rồi.

Các bạn trẻ trước khi chuyển tải thông điệp gì qua mạng xã hội cần chú ý đến những hậu quả tiêu cực mang tính lan truyền xã hội của những thông điệp ấy.

Đừng vì thỏa mãn sự vui đùa cá nhân, nhất thời mà ảnh hưởng tới người khác.

TS Cao Xuân Liễu

(Học viện Quản lý giáo dục)

“Mình thấy các bạn làm clip không mang tính chất phá rối, cho nên không cần đến mức phải mời công an xử lý vụ việc. Nếu xử lý thì nên có những cách khác mang tính giáo dục cao hơn, ví dụ liên hệ với nhà trường để có những hình thức răn đe, nhắc nhở trong nội bộ chứ không nên làm ầm ĩ, không hay cho bộ mặt của ngành giáo dục tại Huế” - bạn Phương Loan nói.

Theo Phương Loan, các bạn trẻ cũng nên cẩn thận hơn, không nên chế giễu với những đề tài nhạy cảm hay dùng những từ ngữ thô tục quá trớn.

Tiến sĩ Lê Nguyên Thanh - trưởng bộ môn tội phạm học, khoa luật hình sự Trường đại học Luật TP.HCM - cho rằng rất khó để kiểm soát và xử phạt việc đăng clip có nội dung chế giễu lên mạng, trừ khi nó xâm phạm đến một lợi ích cụ thể nào đó mà pháp luật có quy định.

“Những việc làm đề cập đến các vấn đề xã hội và mang tính đạo đức như thế này nên để nhà trường và xã hội điều chỉnh. Hành vi của các bạn thực chất cũng là thiếu nghiêm túc và trêu đùa thái quá, nhưng chưa đến mức nguy hiểm cho xã hội, chỉ nên nhắc nhở để các bạn trẻ này rút kinh nghiệm” - TS Lê Nguyên Thanh nói.

Luật sư Lê Quang Vũ, phó trưởng Văn phòng luật sư người nghèo, nhận định các bạn chỉ làm clip hài hước đùa cho vui. Về hình thức, cách làm thì không sai nhưng về nội dung có một số chỗ không phù hợp, gây phản cảm.

"Vụ việc này không khó để xác định các đối tượng tham gia nên không cần phải nhờ đến công an để điều tra, mà các trường, các cơ quan của ngành giáo dục có thể phối hợp xác minh xử lý với mức độ nhắc nhở hoặc cảnh cáo là phù hợp", LS Lê Quang Vũ nói. 

Bài học cho các bạn trẻ

Theo TS Lê Nguyên Thanh, vụ việc này cũng là để cho các bạn trẻ nhận thấy rằng không phải mình đùa tùy tiện kiểu gì cũng được, về nội dung gì cũng được.

Có những vấn đề xã hội đang rất quan tâm và nghiêm túc, nỗ lực thực hiện như kỳ thi THPT quốc gia thì các bạn trẻ không nên trêu đùa.

Theo LS Lê Quang Vũ, vì clip này lan trên mạng xã hội và nhận được nhiều chia sẻ nên việc kết quả xử lý này cần công khai trên các phương tiện truyền thông để tuyên truyền giáo dục người dân, đặc biệt là các bạn trẻ để các bạn biết rằng mình có quyền sáng tạo các clip và nên hướng đến các nội dung lành mạnh, có giá trị về văn hóa, nghệ thuật. Nếu nội dung không phù hợp thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật thì sẽ bị xử lý.

Theo thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An - ủy viên BCH T.Ư Hội Tâm lý học xã hội VN, giới trẻ là những người rất sáng tạo, thông minh, biết nắm bắt nhanh chóng các xu hướng và những thông tin, tin tức thời sự.

Bên cạnh đó, các bạn cũng có nhu cầu muốn thể hiện quan điểm của bản thân, khẳng định cái tôi, khẳng định giá trị bản thân, mong muốn được người khác chú ý và tôn trọng mình. Từ đó các bạn bắt đầu có những cách thể hiện gây sự thu hút và chú ý từ phía cộng đồng.

“Việc quay video clip giúp các bạn truyền đạt thông điệp của bản thân thông qua cả kênh hình và kênh tiếng, nhằm mục đích thu hút sự chú ý của cộng đồng xung quanh. Tuy nhiên các bạn đôi khi còn quá ngây thơ và có nhận thức chưa sâu sắc, cứ nghĩ là mình làm như vậy cho vui thôi mà không nghĩ rằng hành động của mình có thể gây ảnh hưởng đến bản thân và xã hội” - ThS Đào Lê Hòa An nhận định.

Theo ông An , việc các bạn trẻ tìm cách thể hiện chính kiến, thái độ và suy nghĩ của mình là việc hoàn toàn bình thường. Tuy vậy, do việc chia sẻ chính kiến lên mạng xã hội và Internet quá dễ dàng mà không được kiểm duyệt khiến các bạn trở nên bất cẩn. Đôi khi sản phẩm các bạn làm ra gây hiệu ứng trái chiều.

Hơn thế nữa, khi đã đăng tải thông tin lên mạng, các bạn cũng mất đi quyền kiểm soát thông tin ấy, đoạn clip đó có thể bị nhiều người sử dụng với nhiều mục đích khác nhau mà các bạn không thể kiểm soát được.

Th.S Đào Lê Hòa An cho rằng các bạn trẻ trước khi muốn đăng tải nội dung gì lên mạng cần suy nghĩ hết sức thận trọng, tránh nói tục, chửi thề hoặc dùng những từ ngữ không phù hợp.

Theo các chuyên gia, đã đến lúc cần giáo dục cho giới trẻ về những quy tắc ứng xử trên Internet và mạng xã hội, sao cho vừa thể hiện được quan điểm của bản thân, vừa tuân thủ những quy tắc giao tiếp và ứng xử có văn hóa.

“Đùa thôi chứ có gì mà ghê gớm!”

Xung quanh vụ việc này có rất nhiều ý kiến trái chiều từ phía các bạn đọc.

Nhiều ý kiến cho rằng đoạn clip của các học sinh tại Huế chỉ mang tính chất vui đùa chứ không có ý xúc phạm, quấy phá. Một bạn đọc nói: “Riêng tôi thấy clip chỉ mang tính hài hước, giải trí. Thậm chí nó không lố bịch như các clip hài trên nhiều phương tiện truyền thông”.

Các bạn đọc chỉ ra những câu nói của các em trong đoạn clip có đầy trong những mẩu chuyện tiếu lâm đăng trên mạng xã hội hay thậm chí trên báo đài.

Do đó việc điều tra của công an trong tình huống này là không có cơ sở, hơn nữa, các học sinh trên đã sửa sai bằng cách nhận lỗi và đăng cả clip xin lỗi.

“Xem cái clip đó rồi thấy có gì đâu mà kêu công an điều tra? Lời lẽ bọn trẻ còn hiền hơn chỗ mấy... quán nhậu. Công an còn nhiều việc phải làm lắm” - bạn đọc Linh Lan nói.

Tuy vậy, nhiều ý kiến trái chiều cũng cho rằng đúng là clip chỉ làm với mục đích đùa cho vui nhưng các bạn trẻ cũng phải biết dừng đúng lúc.

Mời bạn đọc các phát biểu trong bài: 

>> Bạn Huỳnh Ngọc Phương Loan:

>> ThS Đào Lê Hòa An: 

VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN - MAI NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục