05/07/2016 07:30 GMT+7

Làm sao để người ta không quen người chết vẫn cúi chào

VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN - MAI NGUYỄN
VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN - MAI NGUYỄN

TTO - Ngày nay, nhiều cử chỉ đẹp như cúi chào người chết khi đám tang đi qua dần trở nên xa lạ. Nhiều người tiếc nuối, ước ao giá như những nét đẹp đầy nhân văn ấy được nhân rộng...

Một tiết dạy môn giáo dục công dân cho học sinh lớp 6 tại TP.HCM - Ảnh: Như Hùng

Một tiết dạy môn giáo dục công dân cho học sinh lớp 6 tại TP.HCM - Ảnh: Như Hùng

Câu chuyện về người cúi chào cúi chào người chết khi đám tang đi qua bị hỏi thăm: “quen với người chết hay sao mà cúi đầu chào tiễn?” khiến nhiều người phải suy ngẫm.

Chỉ một hành động nhỏ nhưng đằng sau đó là cả một bài học lớn về tình người, về nghĩa cử cao đẹp ở đời. 

Những bài đạo đức ngày xưa

Trước câu hỏi “quen với người chết hay sao mà cúi đầu chào tiễn?”, nhiều người lý giải rằng không nhất thiết phải quen biết hay thân thuộc mới cúi đầu chào mà đó đơn giản là hành động thể hiện sự chia buồn.

"Dù gấp đến mấy khi gặp xe tang, đám tang cũng nên dừng xe lại, tấp vô lề cúi đầu chào. Bởi vì đó đơn giản là hành động nhường đường cho họ, để họ đi nốt đoạn đường cuối cùng", bạn đọc Lê Xuân Nuôi nêu quan điểm. 

Ý kiến được nhiều bạn đọc yêu thích nhất cho rằng những người ở lứa tuổi trên 50 trở lên đều được học bài giáo dục công dân này từ ngày tiểu học. Bài học đó trở thành hành động quen thuộc trong cuộc sống thường nhật, chứ không phải là vì quen biết với người quá cố.

“Những bài học thời xưa giáo dục rất kĩ rằng sự tôn trọng người qua đời cũng là sự tôn trọng chính phẩm giá con người của mình. Phàm những gì thuộc về nhân phẩm của con người đều không của riêng ai, mà tất cả chúng ta đều phải có bổn phận tôn trọng và gìn giữ, cho mình và cho nhau” - độc giả Đức Minh nói. 

Một số ý kiến chia sẻ họ thường xuyên ngả mũ trước đám tang, cúi đầu chào người lớn,… nhưng dường như những hành động này đang dần trở nên hiếm đến mức... xa lạ.

"Nhân cách con người hình thành từ những nghĩa cử nhỏ. Việc giáo dục rất là quan trọng. Thấy tình trạng học sinh bây giờ gặp người lớn không chào, thấy đám tang không đứng lại, tôi thấy buồn quá" - một bạn đọc bày tỏ. 

Ngả mũ chào đám tang: hành động nhỏ, nhân cách lớn

Theo GS.TS Kiều Thu Hoạch, một nhà nghiên cứu về văn hóa dân gian cho rằng hành động lặng lẽ nhường đường cho đám tang đi trước và cúi đầu là hành vi tôn trọng người đã khuất.

GS.TS Đỗ Quang Hưng (Trường ĐH KHXHNV - ĐHQG Hà Nội) cho rằng chẳng cần phải quen biết hay là ruột thịt của người đã khuất thì mới bày tỏ những hành động tiễn đưa, bởi vì đó là một nét đẹp của văn minh đô thị, của văn hóa cộng đồng.

“Tính cộng đồng của hành vi ấy không chỉ là tiễn biệt người đã khuất mà cao hơn thế, nó chính là biểu hiện của chủ nghĩa nhân văn” - GS.TS Đỗ Quang Hưng bàn luận.

"Người dạy đạo đức cũng đóng vai trò rất quan trọng. Thầy cô muốn học sinh noi theo phải là người có phong thái, phải biết cách làm cho học sinh nể phục.

Việc dạy đạo đức cho học sinh không dễ. Chỉ thuộc bài, nắm giáo án và lên lớp là chưa đủ. Người thầy phải trở thành một hình tượng để học trò noi theo.

Ngày xưa chúng tôi đi học cũng như vậy, thầy giáo không chỉ dạy chữ mà còn dạy cách làm người, cách đối nhân xử thế. Đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ những người thầy cấp 1 của mình dù thời gian đã trôi qua rất lâu" - GS.TS Đỗ Quang Hưng nhớ lại. 

Những bài học thực tiễn hiệu quả hơn lý thuyết suông

TS Nguyễn Ngọc Thơ - Trưởng phòng quản lý khoa học - dự án (Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM) cho rằng phương pháp dạy các môn học xã hội - trong đó có môn đạo đức trong trường phổ thông cần phải được thay đổi, phải gắn liền với thực tiễn chứ không chỉ là lý thuyết suông.

Theo TS Nguyễn Ngọc Thơ, dường như giáo viên hiện nay đang chịu áp lực của việc chạy đúng tiến độ chương trình, do vậy chỉ tập trung dạy cho xong lý thuyết, khiến các học sinh không cảm nhận được bài học bằng trái tim của mình.

Trong khi đối với những môn như giáo dục công dân, giáo dục đạo đức, việc học sinh học bằng cảm xúc là rất quan trọng.

Đáng buồn là nhiều học sinh bây giờ chỉ học cốt để có điểm cao, những hành động đạo đức đẹp chỉ còn nằm trên giấy, chỉ mang ý nghĩa là bài học để lấy điểm.

Vì vậy, các giáo viên nên lồng vào bài giảng đạo đức những câu chuyện thực tế, không sáo rỗng, không lý thuyết để khơi gợi suy nghĩ và cảm xúc của chính các học sinh.

“Dạy lý thuyết đối với giáo dục đạo đức vừa khó nhớ lại vừa dễ quên, hơn thế nữa lại không hiệu quả vì đạo đức phải bắt đầu từ cảm xúc thực tế. Nên dạy đạo đức bằng cách kể những câu chuyện thực tế, chẳng hạn như câu chuyện ngã mũ chào đám tang. 

Nên tổ chức những hoạt động cho các em đóng kịch hay làm video clip về các tình huống đạo đức, tự các em làm, tự các em sẽ cảm nhận được những bài học về đạo đức bằng chính cảm xúc của mình” - TS Nguyễn Ngọc Thơ nói.

Theo TS Nguyễn Ngọc Thơ, từ các hoạt động và bài giảng gắn liền với thực tiễn, những hành vi đạo đức sẽ dần hình thành trong tâm thức của các học sinh.  

Mời bạn đọc nghe các phát biểu trong bài:

>> TS Đỗ Quang Hưng: 

>> TS Nguyễn Ngọc Thơ: 

VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN - MAI NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục