03/11/2015 06:00 GMT+7

Học sinh cần lên facebook xin lỗi giáo viên

ĐẶNG TƯƠI - AN NHIÊN - MAI NGUYỄN
ĐẶNG TƯƠI - AN NHIÊN - MAI NGUYỄN

TTO - Dùng mạng xã hội để xúc phạm người khác là câu chuyện không mới nhưng nếu xảy ra trong môi trường giáo dục, liệu cách xử sự nào là hợp tình, hợp lẽ nhất?

Sử dụng Facebook thế nào cho có văn hóa

Trao đổi với một nhân viên bộ phận thường trực của trường THPT Lê Lợi - nơi buộc thôi học 10 ngày đối với một học sinh có hành vi xúc phạm cô giáo chủ nhiệm trên Facebook thì được biết hình thức kỷ luật được quy định rõ trong nội quy nhà trường và mức kỷ luật có sự đồng thuận của nhà trường, hội phụ huynh và học sinh.

Các thầy cô giáo, chuyên gia giáo dục, nhà tâm lý và luật sư bàn luận thế nào về vấn đề này?

Hợp lý không?

Thầy Trương Quang Ngọc, hiệu trưởng trường THCS-THPT dân lập Hồng Bàng (TP.HCM) cho rằng dù học trò có thực hiện hành vi xúc phạm thầy cô giáo ở đâu, khi nào, bằng phương tiện gì thì nhà trường cũng phải chiếu theo quy định mà xử lý.

“Mọi hình thức kỷ luật đều mang tính chất răn đe học sinh. Sau khi kỷ luật nhẹ mà học sinh không có chiều hướng thay đổi thì cũng phải sử dụng các biện pháp nặng hơn. Buộc thôi học là biện pháp rất nặng nhưng trong trường hợp cần thiết thì nhà trường vẫn phải mạnh tay”, ông Ngọc nêu ý kiến.

“Nhà trường phải tìm hiểu kỹ vấn đề, xem mức độ như thế nào rồi mới đưa ra các biện pháp xử lý cụ thể. Trong một vài trường hợp biện pháp đuổi học cũng có thể được áp dụng”, PGS. TS Văn Như Cương - chủ tịch Hội đồng quản trị trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) - bày tỏ.

Bà Ngô Thị Tuyên, phó giám đốc trung tâm Công nghệ Giáo dục và Xuất bản giáo dục Việt Nam lại tỏ ý kiến không đồng tình với biện pháp xử lý buộc thôi học 10 ngày đối với học sinh vi phạm.

“Những học sinh vi phạm rất cần sự dạy dỗ của nhà trường. Nếu buộc thôi học tức là đã tước mất của học sinh sự uốn nắn cần thiết đó. Như thế là phản giáo dục. Hình thức xử phạt này mang tính răn đe đối với những học sinh khác nhưng có thể không có đủ sức thuyết phục đối với chính học sinh vi phạm. Học sinh đó không những bị mất kiến thức trong suốt khoảng thời gian bị cho thôi học mà còn có thể trở nên phản kháng, khó dạy dỗ và đề phòng đối với người lớn”, bà Tuyên phân tích.

TS Nguyễn Tùng Lâm, chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng người giáo viên trong trường hợp này sẽ chịu những ảnh hưởng nhất định về mặt tâm lý.

“Phải chấm dứt việc học sinh đưa giáo viên lên Facebook để xúc phạm. Dân chủ thì dân chủ, học sinh còn nhiều chỗ để nói lên những bất bình của mình chứ không phải là cứ đăng lên mạng xã hội như thế. Nếu có ý kiến thì có thể trao đổi với ban giám hiệu hoặc nói chuyện với chính giáo viên để giải quyết vấn đề", ông Lâm thằng thắn.

Theo TS Lâm, việc học sinh vô lễ với giáo viên không phải là chuyện hiếm, nhưng hiện nay xuất hiện thêm một hình thức mới đó là dùng Facebook để chia sẻ thông tin được rộng rãi hơn vậy nên có tác dụng mạnh mẽ hơn.

“Quan điểm của tôi là phải để học sinh tự kiểm điểm đánh giá. Chính học sinh đó phải tự lên Facebook để đính chính, xin lỗi giáo viên. Điều đó sẽ có hiệu quả giáo dục hơn là đình chỉ học. Phải tập trung vào việc giáo dục học sinh chứ không thể lấy kỷ luật để răn đe”, ông Lâm nêu ý kiến.

Luật quy định ra sao?

Những điều "cấm kỵ" khi lên Facebook dành cho học sinh trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội)

Theo LS Huỳnh Phước Hiệp, luật chỉ quy định về việc xúc phạm người khác chứ không nói cụ thể là trên Facebook. Theo quy định tại điều 66, nghị định 174 năm 2013 quy định là xử phạt từ 10 đến 20 triệu đồng đối với hành xúc phạm danh dự nhân phẩm uy tín của người khác.

Cũng theo ông Hiệp, việc học sinh lên Facebook xúc phạm giáo viên có thể xử lý bằng pháp luật. Nhưng trong trường hợp là học sinh thì biện pháp xử phạt còn tùy theo độ tuổi. Đối với đối tượng học sinh chưa thành niên thì có thể xử lý theo nội quy nhà trường.

Luật sư Lê Quang Vũ, Phó trưởng Văn phòng luật sư Người Nghèo cho biết chế tài đối với hành vi xúc phạm, danh dự, nhân phẩm người khác đã được quy định trong pháp luật dân sự, hình sự, hành chính hiện hành.

Theo luật sư Vũ, riêng chế tài đối với học sinh vi phạm kỷ luật thì được quy định tại Thông tư 08 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) ban hành ngày 21-3-1988 vẫn còn hiệu lực, mặc dù đã lạc hậu như còn quy định việc học sinh tham gia lao động của trường, không cập nhật như hành vi sử dụng phương tiện thông tin như internet, email, Faccebook… .  Thông tư 08/1988 quy định chế tài nặng nhất đối với học sinh vi phạm kỷ luật là đuổi học một năm ghi vào sổ học bạ. 

"Em Nguyễn Q. đã có hành vi xúc phạm cô giáo chủ nhiệm thể hiện trên Facebook, Q. đã thừa nhận lỗi và viết kiểm điểm xin lỗi cô giáo. Do đó, hình thức kỷ luật buộc thôi học 10 ngày đối với em Q. là mức cao nhất của nội quy nhà trường, theo tôi là quá nặng, không cần thiết, không phù hợp với tiêu chí giáo dục học sinh phạm lỗi, gây khó khăn cho em Q. cũng như giáo viên bộ môn vì mất bài học 10 ngày" - luật sư Vũ bày tỏ.

Theo LS Lê Quang Vũ nên áp dụng hình thức kỷ luật cảnh cáo trước toàn trường (ghi vào học bạ) đối với em Q. là phù hợp, thông qua đó giáo dục, nhắc nhở học sinh toàn trường biết hành xử đúng mực và tôn trọng mọi người nói chung và thầy cô nó riêng.

Sẽ có lớp dạy kỹ năng ứng xử truyền thông

Một khi chúng ta còn lăn tăn đặt câu hỏi rằng tại sao lại xử lý học trò vì mỗi chuyện lên Facebook nói gì đó thì có thể chúng ta đã quá chủ quan và khinh suất trong nhận thức về tác động của Facebook nói riêng, của đời sống mạng nói chung đối với cuộc sống đời thực.

Xúc phạm một ai đó trên Facebook không giống như bạn xúc phạm ai đó trong một giấc mơ. Facebook đã trở thành một phần của đời sống thực, nó không hề “ảo”. Bất kỳ ai xúc phạm người khác đều phải chịu các trách nhiệm liên quan.

Trong trường hợp này, là chịu trách nhiệm của một học trò trong ứng xử với thầy cô giáo của mình. Nhất là khi, điều đó đã được ghi rõ trong nội quy nhà trường.

Điều thứ hai cần nói trong câu chuyện này nữa là, cái án phạt “buộc thôi học 10 ngày” cho thấy các thầy cô vẫn lấy tình thương và trách nhiệm với học trò làm cốt lõi ứng xử, chứ không phải là sự đáp trả cho hả giận. Án phạt đó là một thông điệp đủ hiệu lực giúp điều chỉnh nhận thức của học trò, hoàn toàn không phải là một trừng phạt phản giáo dục.

Điều thứ ba, tôi cho đáng nói nhất, là đã đến lúc phải bắt tay vào thực hiện một chương trình giáo dục về ứng xử truyền thông càng sớm càng tốt cho học trò trung học.

Lứa tuổi này có mức độ tham gia đời sống mạng rất nhiều, rất sâu, nhưng lại hầu như không được nhận những dẫn dắt cần thiết về kỹ năng xử lý thông tin và các chuẩn mực ứng xử.

Khoa Báo chí và Truyền thông chúng tôi đã sẵn sàng một chương trình giáo dục truyền thông dành cho học sinh trung học để phối hợp với các sở giáo dục, các trường trung học thực hiện. Chúng tôi hy vọng những cách làm như thế sẽ hữu ích hơn để giúp các em không mắc sai lầm không đáng có do thiếu kỹ năng ứng xử truyền thông.

TS Huỳnh Văn Thông

Mời bạn đọc nghe các phát biểu trong bài:

>> PGS Văn Như Cương

>> TS Ngô Thị Tuyên

>> Thầy Trương Quang Ngọc

>> TS Nguyễn Tùng Lâm

>> LS Huỳnh Phước Hiệp

>> LS Lê Quang Vũ

 

ĐẶNG TƯƠI - AN NHIÊN - MAI NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục