24/08/2015 13:02 GMT+7

Dù tôi không học đại học chính quy...

BLUEBELL
BLUEBELL

TTO - Nhân dịp phụ huynh, học sinh cả nước quay cuồng với việc thi đại học, tôi viết ra những dòng này để mong được chia sẻ với những người không may mắn có cơ hội được học đại học chính quy... giống như tôi.

Tranh minh họa

Mỗi năm đến kỳ thi đại học tôi lại nhớ về buổi chiều muộn năm nào, một cô gái 17 tuổi, khuôn mặt đẫm nước mắt, nằm im trong bóng tối dần buông nuối tiếc vì đã trượt đại học.

Và bây giờ vẫn vậy, tôi vẫn tiếc chưa thật sự được trải qua quãng đời sinh viên. Nhưng được học đại học chính quy không là cánh cửa duy nhất mở ra tương lai của một con người.

Ngoài sự trân quý tình cảm cha mẹ dành cho mình, các bạn học sinh cần có cơ hội được tìm cho mình con đường đi riêng.

Con đường ấy có thể không trải hoa hồng nhưng là những bước đệm để các bạn ấy có thể tự lo cho tương lai của chính mình, đặc biệt nếu chẳng may tương lai ấy không qua cánh cửa đại học chính quy.

Tôi tin là như vậy!

Năm 1997 tôi học xong cấp III và 17 tuổi. Tôi đi học từ năm lên 5 và 12 năm tôi học cùng lớp với chị mình. Trượt đại học, gia đình cũng xảy ra biến cố phải về quê bố, mãi đến năm 1999 tôi và mọi người mới quay lại thành phố nơi gia đình tôi sinh sống.

Trong suốt các năm từ 1999 đến đầu 2003, mấy chị em tôi cứ đi lang thang làm công việc tiếp thị. Giai đoạn đó mỹ phẩm Hàn Quốc Debon, đồ lót Triump bắt đầu vào Việt Nam.

Mấy chị em lân la đi từng nhà giới thiệu. Sản phẩm bán không được nhiều nhưng bán được thì phần trăm cũng tạm ổn. Thi thoảng tôi đi kèm tiếng Anh vài buổi cho con người quen. Tiền công thì bữa đực bữa cái. Trong đầu lúc nào cũng thường trực nỗi lo về tiền thuê nhà và các chi phí khác.

Lo lắng về việc học hành của tôi, mẹ luôn giục tôi đi học đại học tại chức. Nghe lời mẹ tôi đăng ký ôn thi vào đại học tại chức tiếng Anh khóa học 2001-2004.

Bốn năm sau khi rời cấp III, kiến thức trong đầu tôi ngoài chút tiếng Anh, chẳng còn gì. Hai năm sau đó tôi vẫn vừa đi làm thêm lặt vặt vừa đi học, tích cóp từng 2.000 đồng lẻ để ra quán dùng máy tính, vừa chat chit vừa gõ văn bản. Tôi cũng học thêm tiếng Trung như một môn ngoại ngữ hai.

Tháng 6-2003 tôi may mắn xin được việc trong một nhà máy giày Đài Loan. Công việc chỉ là bưng bê nước và giao tiếp với một số đại diện khách hàng nói tiếng Anh của công ty. Gọi là giao tiếp cho sang chứ như chân sai vặt, họ hỏi gì thì thưa nấy. Giữa môi trường toàn tiếng Trung thì cái thứ tiếng Anh non dại của tôi hồi đó cũng có đất dùng.

Không có chỗ ngồi làm việc, tôi ngồi luôn trong phòng để máy photo và chỗ rửa cốc. Ngồi gần máy photo, tôi nhặt nhạnh mấy loại tài liệu mà mọi người photo thừa hay vứt bỏ và mày mò học thêm từ tiếng Trung. Tài liệu chủ yếu là các "lệnh sản xuất" nên từ lặp đi lặp lại cũng dễ nhớ. Cứ tranh thủ rỗi việc là tôi học.

Không biết từ bao giờ một chị quản lý người Trung Quốc ở đó đã để ý tôi và bất ngờ một ngày chị ấy nhận tôi vào làm cho nhóm chị ấy. Tôi chuyển từ nhân viên bê nước sang nhân viên văn phòng, có một chiếc bàn và máy tính riêng trong văn phòng chung.

Công việc nhiều hơn và tôi được sử dụng máy tính nhiều hơn, bắt đầu chủ động hơn trong việc lên danh mục công việc phải làm. Tôi cũng học được cách đánh máy những từ tiếng Trung chuyên dùng trong công việc. Thời gian này có lương ổn định 750.000 đồng/tháng giúp tôi đỡ đần được chuyện tiền nong cho gia đình.

Sau đó một thời gian chị quản lý về nước. Một người khác quản lý tôi, rồi bất đồng về chuyện tăng lương, tôi quyết định xin nghỉ việc sau một năm làm ở đó. Hai tháng thất nghiệp tôi đã lo lắng rất nhiều về tương lai. Nộp mấy hồ sơ xin việc và dài cổ chờ đợi.

May mắn cuối cùng cũng đến khi tháng 9-2004 tôi thi vào được một vị trí trong phòng quản lý chất lượng cho một công ty của Nhật. Mức lương có 1,2 triệu đồng/tháng nhưng với tôi thế là quý lắm rồi. Tôi phải nói rõ với nhà tuyển dụng là mình đã tốt nghiệp đại học nhưng chưa được nhận bằng, tôi xin nộp lại sau.

Công việc chính của tôi là soạn giấy tờ văn bản và dịch các hướng dẫn sản xuất ngắn gọn. Thời gian ở công ty này tôi học được nhiều về tin học văn phòng từ các đồng nghiệp trong phòng. Công việc cũng rèn cho tôi tính kỷ luật, đi đến nơi về đến chốn, nghiêm túc khi làm việc. Một thời gian dài sau khi chuyển sang công việc thứ ba tôi vẫn giữ thói quen ít nói và không la cà buôn bán trong giờ làm việc.

Tháng 10-2004 tôi kết thúc khóa học tại chức với số điểm cao thứ hai trong lớp. Vì một việc đột xuất tôi lỡ mất dịp đến nhận bằng và không được mặc áo cử nhân chụp ảnh. Nhưng dù sao cầm tấm bằng tại chức tôi cũng thấy mình thật may mắn. Tôi rất biết ơn mẹ vì đã động viên, khuyến khích tôi đi học lại.

Năm 2005, qua một người bạn tôi bắt đầu nghe về các chương trình phát triển và dự án xóa đói giảm nghèo. Tôi đăng ký chương trình dạy tiếng Anh miễn phí cho nhóm đối tượng thiệt thòi. Tiếp xúc với họ, tôi truyền cho họ cảm hứng và sự chia sẻ, và tôi cũng học hỏi ở họ rất nhiều về nghị lực sống phi thường, về niềm hi vọng. Năm 2006 tôi quyết định thi chuyển sang lĩnh vực phát triển, lĩnh vực mà tôi vẫn đang theo đuổi đến ngày hôm nay.

Công việc mới đem đến cho tôi những trải nghiệm mới, những cung đường mới đến các tỉnh thành khác nhau của Tổ quốc, rồi chuyến bay đầu tiên trong đời và tiếp nữa. Tôi cũng có cơ hội tham gia các khóa học ngắn ngày ở một vài nước châu Á khác.

Từ tiền tiết kiệm, vay mượn họ hàng, 29 tuổi tôi có tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và một hợp đồng tín dụng với ngân hàng. Chúng tôi xây nhà và không phải đi ở nhà thuê nữa. Mơ ước của tôi từ tuổi 17, 12 năm và 11 lần chuyển nhà mới thành hiện thực. Mãi đến năm 2014 tôi mới hoàn trả hết nợ ngân hàng được.

Câu chuyện là chia sẻ của bạn đọc Bluebell. Bạn có đồng cảm và muốn chia sẻ điều gì cùng chuyên mục Tâm sự của Tuổi Trẻ Online. Hãy gửi email đến tto@tuoitre.com.vn hoặc phần Ý kiến bạn đọc dưới bài viết.

 

BLUEBELL
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên