10/12/2014 12:07 GMT+7

Đạo chích trên xe buýt và sự lặng im đáng sợ

ĐỖ THỊ DIỆU NGỌC
ĐỖ THỊ DIỆU NGỌC

TTO - Buổi sáng nọ, một sinh viên của tôi đến lớp muộn hơn một tiếng đồng hồ. Nhìn nét mặt thất thần và chiếc ba lô tơi tả trên tay em, tôi hiểu ngay nguyên nhân em đến lớp muộn.

Giang hồ "kim tiêm" trấn lột tiền trên xe buýt - Ảnh: TTO

Chiếc laptop, tài sản có giá trị nhất của một sinh viên và là món quà có ý nghĩa nhất đối với em do bố mẹ em chắt chiu để mua cho con ngày vào đại học, đã lặng lẽ chia tay em trên chuyến xe buýt đến trường.

Một vài người đồng hành cùng em trên chuyến xe buýt ấy cũng thể hiện sự đồng cảm với em một cách lặng lẽ bằng vài lời chia buồn và ánh mắt cảm thông.

Một số người khác lại dửng dưng vì họ đã quá quen với cảnh tượng này.

Điều khiến tôi phải suy ngẫm là lời em kể rằng có vài người bảo họ đã nhìn thấy lúc ba lô em bị rạch, nhưng họ đã phải im lặng như không thấy gì.

Họ sợ.

Nỗi sợ ấy quá lớn đến nỗi nó có khả năng biến một người biết đúng sai  thành một con người hèn nhát khi phải đối diện với cái xấu.

Khủng khiếp hơn, nỗi sợ ấy ăn sâu vào tiềm thức, khiến chúng ta dửng dưng hay thản nhiên chấp nhận cái xấu là một phần tất yếu của cuộc sống.

Tôi rất lấy làm thắc mắc: trong số những hành khách trên xe buýt, những người đàn ông, thanh niên trai trẻ cũng sợ?

Tôi hỏi một em sinh viên nam của tôi liệu em có tri hô và tham gia trấn áp những kẻ trộm cắp trên xe buýt hay không. Ngập ngừng nhưng trung thực, em trả lời tôi: “Cô ơi, em cũng sợ, vì bọn chúng luôn thủ sẵn hung khí trong người. Không ai muốn mình là người được chọn cả.”

Tôi lại hỏi: “Em đã thấy hung khí của bọn chúng chưa?”

Em trả lời: “Dạ chưa. Nhưng ai cũng bảo vậy. Em nghe rằng bọn chúng manh động lắm, và bọn chúng chắc chắn sẽ trả thù nên những người đi xe buýt thường xuyên chẳng dám làm gì.”

Tôi đem câu hỏi này hỏi thêm những người khác. Câu trả lời cũng na ná như vậy.

Trong hầu hết những trường hợp mà tôi tìm hiểu, những đạo chích xe buýt thường đứng lẫn vào đám đông hành khách chứ không phải cầm sẵn hung khí trên tay để nhảy lên xe buýt cướp bóc.

Vậy nên tôi nghĩ rằng nếu ai đó phát hiện và tri hô để những người khác cùng một lúc ra tay trấn áp bằng sức mạnh và bằng cả tiếng la hét thì kẻ trộm sẽ bị đám đông vô hiệu hóa.

Đáng tiếc thay, đám đông đã bị nỗi sợ chế ngự. Theo thời gian, nỗi sợ đã làm tê liệt cả ý thức cần phải lên tiếng hay hành động để đấu tranh chống lại cái xấu.

Tôi đoán biết căn nguyên của nỗi sợ ấy, đó là tâm lý đám đông.

Khi nghe cụm từ này, ta thường nghĩ đến những hành xử mang tính a dua khi những cá nhân có ý thức trở thành một đám đông vô thức hành động theo sự hướng dẫn của một kẻ khởi xướng nào đó.

Thời gian vừa qua, chúng ta đã chứng kiến sức mạnh đáng sợ của tâm lý đám đông khi nó biến những người đi đường chưa có tiền sử xấu thành kẻ hôi của đáng chê trách, những người nông dân chất phác thành kẻ hành hung đáng sợ trong những vụ trộm chó náo loạn cả làng quê yên tĩnh...

Tại sao chúng ta không xây dựng một ý thức đấu tranh vì lẽ phải thay vì bồi đắp thêm cho nỗi sợ cái xấu, cái ác trong xã hội mình đang sống? Những người đàn ông, thanh niên sẽ đấu tranh bằng sức mạnh thể chất và phụ nữ có thể đấu tranh bằng tiếng la hét để góp phần trấn áp những kẻ trộm cắp kia?

Tại sao chúng ta không thay đổi trong tư duy của mình bằng cách nghĩ mình nên là một người khởi xướng dũng cảm để tận dụng sức mạnh của số đông thay vì sợ rằng mình sẽ là một cá thể được chọn?

Câu trả lời cũng không khó lắm: chúng ta không muốn làm bởi vẫn còn thiếu một sự phối hợp và hậu thuẫn từ phía chính quyền.

Từ rất nhiều bài báo tôi đã đọc, tôi vẫn thấy có những nạn nhân đã dám đấu tranh đơn lẻ, có những người chứng kiến quá bức xúc đã lên tiếng đề nghị chính quyền đưa ra những biện pháp cụ thể và họ sẵn sàng hỗ trợ, có cả luật sư lên tiếng về những quy định của luật pháp làm khó việc bắt giữ và xử lý tội phạm nếu tài sản trộm cắp chưa đạt đến hai triệu đồng… .

Tuy nhiên, tôi cũng đọc được những vướng mắc mà các cơ quan chức năng đã dẫn: lực lượng mỏng, không có quy định tạm giữ đối tượng trong thời gian xác định giá tài sản trộm cắp (ít nhất từ 3-5 tuần!) nên bắt buộc phải… tạm tha hoặc chỉ xử phạt hành chính rồi thôi.

Tôi, cũng như rất nhiều những người dân khác, hết sức mong chờ một giải pháp triệt để, đồng bộ và bền vững từ phía chính quyền để nhổ bật gốc rễ vấn nạn này. 

Các đối tượng có vấn đề trên cũng cần được sàng lọc càng sớm càng tốt để có hướng xử lý theo pháp luật, hoặc giúp họ tái hòa nhập cộng đồng với những kỹ năng nghề nghiệp để họ không phải trở lại con đường cũ.

Theo bạn, vì sao đám đông không dám ra tay khi chứng kiến cảnh trộm cắp, nạn "xin đểu"? Nếu bạn chứng kiến những tệ nạn này, bạn sẽ làm gì? Cơ quan chức năng cần làm gì để xóa sổ tình trạng này?

Hãy chia sẻ cùng Tuổi Trẻ Online qua địa chỉ tto@tuoitre.com.vn hoặc phần Ý kiến bạn đọc ngay dưới bài viết.

 

ĐỖ THỊ DIỆU NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên