11/10/2011 00:50 GMT+7

Cây xanh đô thị ở Đà Nẵng: Chưa kịp xanh đã... chặt

HỮU KHÁ
HỮU KHÁ

TT - Việc thiếu quy hoạch cộng với sự triển khai không đồng bộ các dự án hạ tầng đã khiến nhiều tuyến đường ở Đà Nẵng vắng bóng cây xanh. Có nơi cây xanh mới trồng đã chặt bỏ... để trồng loại cây khác gây lãng phí lớn.

2BJuIF9T.jpgPhóng to

Hàng cây hoa sữa bị chặt trụi, nhổ bỏ trên đường Nguyễn Văn Linh - Ảnh: Hữu Khá

Người dân tại nhiều khu dân cư ở Đà Nẵng liên tục phản ảnh họ phải sống trong cảnh thiếu bóng cây xanh.

Vừa thiếu vừa tạp nham

Các tuyến đường ở khu dân cư mới tại các quận Sơn Trà, Liên Chiểu, Cẩm Lệ... hoàn thành đã mấy năm nay nhưng vẫn trong cảnh vắng bóng cây xanh. Tại khu dân cư Vũng Thùng, Đại Địa Bảo (thuộc phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) trên các tuyến đường như Trần Nhân Tông, Trần Thánh Tông, Vân Đồn... chỉ lác đác vài ba cây xanh do dân tự trồng. Số cây xanh do các dự án trồng thì chết gần hết, cây sống thì èo uột.

Tương tự, các tuyến đường ở các khu dân cư phường Thọ Quang (quận Sơn Trà), Hòa An, Hòa Thọ Đông (quận Cẩm Lệ) đã hoàn thành mấy năm nay nhưng vẫn trong tình cảnh “trắng” cây xanh.

Tại các tuyến đường khu vực trung tâm thành phố, việc quy hoạch trồng cây xanh hết sức tạp nham, lộn xộn. Như tuyến đường Trần Phú, Đống Đa, Lê Lợi, Phan Châu Trinh, Nguyễn Chí Thanh là sự hỗn tạp của đủ loại cây như lim xẹt, bằng lăng, giáng hương, bàng, phượng... Có nơi người ta còn trồng cả cây trứng cá, xoài và các loại cây gỗ tạp khác.

Tất cả các tuyến đường này không được quy hoạch trồng chính là loại cây gì. Vì vậy, cứ mỗi cây sau khi chết đi hoặc bị ngã đổ mùa bão, đơn vị quản lý cây xanh thích loại cây gì thì “nhét” vào cây ấy. Thành phố lại chưa có quy định nghiêm ngặt nên nhiều gia đình có cây xanh trước mặt nhà mà thấy không hợp thì tìm cách làm cho cây chết rồi trồng lại theo ý mình.

Đại biểu HĐND TP Đà Nẵng Nguyễn Thị Anh Đào cho rằng hiện việc quy hoạch phát triển cây xanh ở Đà Nẵng còn nhiều điểm bất hợp lý. Để tạo ra nét đặc trưng, tránh lãng phí, cần có một quy hoạch bản đồ cây xanh.

Cần công khai cho các công ty tư nhân đấu thầu cạnh tranh trong việc trồng, chăm sóc, bảo quản lâu dài. Việc giao cho một đơn vị nhà nước như hiện nay trồng và quản lý sẽ làm mất đi tính cạnh tranh, dẫn tới hiệu quả không cao.

Theo kết quả công bố mới đây của Sở Xây dựng Đà Nẵng, tính đến năm 2011 thành phố có 348.000 cây xanh đô thị các loại. Tuy nhiên, thực tế số lượng cây xanh và diện tích phủ xanh chiếm phần lớn là cây xanh trong nhà và vườn của người dân.

Trong 348.000 cây xanh đô thị được kiểm đếm có đến hơn 243.000 cây xanh trong nhà và vườn của người dân, chiếm 65,81% cây xanh đô thị. Sở Xây dựng cũng cho biết diện tích cây xanh đường phố chỉ chiếm 19,24% tổng diện tích đô thị.

Trồng rồi lại nhổ

Không chỉ vắng cây xanh, các tuyến đường còn có tình trạng trồng cây xanh thiếu quy hoạch gây lãng phí lớn. Nhiều tuyến đường cây mới trồng chưa kịp tạo khoảng xanh thì buộc phải nhổ để mở rộng đường sá hoặc cây không phù hợp buộc phải thay thế.

Ngày 7-10, người dân trên đường Nguyễn Văn Linh hết sức bất ngờ khi hàng trăm cây hoa sữa lớn hơn chục năm tuổi bị chặt hạ. Trước đây khi mở rộng tuyến đường Nguyễn Văn Linh, cây hoa sữa được ồ ạt đem về trồng dày đặc. Sau một thời gian cây hoa sữa ra hoa, người dân kêu trời vì mùi hoa đậm đặc khó chịu. Tháng 9-2011, thành phố đã có quyết định nhổ hết tất cả cây hoa sữa trên tuyến đường này để trồng lại loại cây mới.

Ông Đặng Đức Thứ, giám đốc Công ty Công viên cây xanh TP Đà Nẵng, giải thích việc nhổ toàn bộ cây hoa sữa trên tuyến đường Nguyễn Văn Linh là phục vụ việc làm mới vỉa hè và phục vụ quá trình làm đẹp đô thị...

Đường Phan Đình Phùng cũng đang bị chặt hết cây xanh, kể cả cây cổ thụ, để chỉnh trang vỉa hè. Ông Thứ cho biết riêng đường Trần Phú, đơn vị cố gắng giữ lại, hạn chế di dời các cây cổ thụ, còn lại các tuyến đường khác khi mở rộng hoặc cải tạo vỉa hè đành phải chặt cây rất nhiều. Theo ông Thứ, tại các tuyến đường trồng lại cây mới phải một thời gian rất dài cây xanh mới có thể cho bóng mát trở lại.

Không chỉ trong nội thành mà tại các tuyến đường ven biển như Nguyễn Tất Thành, Hoàng Sa - Trường Sa được trồng dừa nên chỉ sau một mùa bão thì bị gió đánh trụi như chiếc chổi cùn dựng ngược rất xấu xí. Tại các tuyến đường này, người ta bắt đầu thay thế dừa bằng một vài loại cây khác.

HỮU KHÁ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên