Anh Toại giới thiệu về loài ốc tuổi thọ hàng trăm năm được mang về từ Hoàng Sa, Trường Sa - Ảnh ĐOÀN NHẠN |
Dù sở hữu bộ sưu tập vỏ ốc biển đồ sộ nhưng khi nhiều người chơi ốc ở các nước trên thế giới ngỏ lời mua một vài con ốc nhỏ, anh Toại cũng quyết không bán; bởi với anh, việc sở hữu những chiếc vỏ ốc không chỉ là đam mê, sở thích mà còn với mong muốn nhắc nhở về nguồn cội.
Xuất phát từ lòng tự tôn dân tộc
Chúng tôi đến gặp anh Phan Thanh Toại ở Trung tâm bơi lặn TP Đà Nẵng. Vừa bước vào căn phòng làm việc của anh, đập vào mắt chúng tôi là những chiếc tủ kính trưng bày vô số con ốc biển đẹp hút hồn khiến căn phòng như một đại dương thu nhỏ.
Anh vừa trở về từ chuyến công tác ở Quảng Bình và khoe một chú ốc đặc biệt là thành quả sau cả ngày trời lang thang trên các bãi biển Nhơn Trạch. “So với mọi năm, ngư dân đánh bắt xa bờ nay thưa thớt, họ không bám biển với những chuyến khơi xa như trước nữa nên cũng không có nhiều ốc lạ” - anh Toại nói và cho biết dù với anh, việc không có những con ốc lạ là điều khiến anh buồn nhưng nó không đáng buồn bằng chuyện ngư dân dần bỏ biển.
Nhắc đến biển, ký ức của Phan Thanh Toại như chợt ùa về. Tuổi thơ anh gắn liền với những ngày dầm nắng trên biển, nhặt nhạnh từng vỏ ốc nhỏ cùng chúng bạn. Sau này lớn lên, trở thành huấn luyện viên bơi lặn và sinh sống ở Đà Nẵng, chuyện về những chiếc vỏ ốc dần đi vào quên lãng.
Cho đến một ngày giữa năm 2004, trong chuyến tập huấn tại Trung Quốc, thấy nhiều người dân nước này bày bán những loại ốc không mấy đặc biệt về hình dáng nhưng anh Toại bị cuốn hút bởi cách họ xem những chú ốc như những viên ngọc từ biển đảo của nước họ.
Một đồng nghiệp bản xứ đã tặng anh cuốn sách nhan đề “Ốc Trung Quốc” mà trong đó có nhiều loài vẫn đang hiện diện ở Việt Nam. Anh đặt ra câu hỏi tại sao Trung Quốc lại khẳng định đó là ốc của họ. Và Toại quyết tâm phải tự mình sưu tầm bằng được những con ốc từ chính biển đảo quê hương mình.
Sau khi về nước, anh Toại bắt đầu hành trình sưu tầm ốc biển. Hơn 12 năm qua, anh đã đi khắp các vùng biển từ Đà Nẵng vào đến đất mũi Cà Mau, ra tậncác bãi biển Hải Phòng, Quảng Ninh… để tìm nhặt và mua những loài ốc biển quý hiếm.
Yêu ốc là tình yêu biển đảo
Trong hơn 1.000 loài ốc anh Toại sở hữu, có hai hóa thạch ốc anh vũ quý hiếm, tuổi thọ khoảng 240 năm . Đây cũng được xem là “hóa thạch sống” bởi hình dạng không thay đổi nhiều so với tổ tiên sống cách đây 200-400 triệu năm.
Ngoài ra, anh còn có rất nhiều loại ốc lạ tại các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa, từ những con bé như móng tay, đến ốc tai Phật (Lý Sơn) kích thước 42 cm được cho là lớn nhất nhì ở Việt Nam. Trong bộ sưu tập của anh, không ngạc nhiên khi có những chú ốc hình chiếc lá, chiếc loa, tai Phật, bàn tay, bình trà…
Đặc biệt, anh Toại còn sở hữu một bộ hóa thạch cua đá hơn 40 con với nhiều kích cỡ, kiểu dáng khác nhau. Theo anh, hiện Viện bảo tàng Hạ Long cũng có trưng bày cua hóa thạch nhưng chỉ có 4 con. Những hóa thạch cua đá này, anh Toại tích góp được trong những lần kéo giã cào cùng ngư dân ở biển Đà Nẵng, ra đến tận đảo Cù Lao Chàm (Quảng Nam). Đây được xem là “hóa thạch sống của thế giới động vật”.
Càng dành thời gian nghiên cứu về các loài ốc biển, anh Phan Thanh Toại càng thấy nhiều cái hay từ chúng. Trong bộ sưu tập ốc biển của anh có loài chiếm đến gần 50 con với nhiều kích cỡ, kiểu dáng khác nhau. Với những chú ốc được mang về từ nhiều vùng biển trong hơn chục năm nhưng khi có ai hỏi đến anh đều giới thiệu chi tiết, rành mạch về tuổi đời, lí lịch và đặc điểm của từng con một.
Anh nói: “Sách Trung Quốc khẳng định có 500 loài ốc đẹp, nhưng ở đây tôi có cả ngàn loài. Việc sưu tầm sẽ không bao giờ dừng lại vì tôi còn muốn tìm kiếm nhiều hơn nữa”.
Với anh Toại, việc nâng niu những con ốc biển quý hiếm được người dân đánh bắt từ vùng biển đảo thiêng liêng của tổ quốc hay hóa thạch của chúng từ hàng trăm năm nay giúp anh hiểu và yêu thêm thiên nhiên, biển đảo nước mình.
Đến nay, khi trong tay anh đã có bộ sưu tập ốc biển khá đa dạng, anh Toại mong muốn ngày càng nhiều người trẻ đặc biệt là trẻ em được tiếp cận với bộ sưu tập ốc này. Qua đó, các em hiểu thêm về các vùng biển, đảo Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận