Anh Nguyễn Thế Trung (trái) hỗ trợ nông dân thu hoạch rau tại vườn sinh thái gia đình - Ảnh ĐOÀN NHẠN |
Gần ba năm nay dự án vườn sinh thái này đã mang lại hiệu quả cao cho hộ nông dân anh Mạc Trang (48 tuổi) đồng thời giúp người tiêu dùng trên địa bàn thành phố tiếp cận nguồn thực phẩm sạch an toàn.
Một dự án tưởng… bỏ đi!
Hơn 8 giờ sáng, anh Nguyễn Thế Trung đưa chúng tôi đến tham quan vườn rau hữu cơ của anh Mạc Trang và vợ là chị Phùng Thị Lan ở làng Túy Loan. Nhìn cánh đồng rau trong mái vòm rộng 0,5 hecta của gia đình anh Trang do anh Trung thiết kế, khó tin đây là dự án đưa cuộc sống gia đình anh Trang lên một bước tiến mới.
Người nông dân dáng khắc khổ nhưng phong thái toát lên vẻ tự tin đưa chúng tôi đi tham quan vườn rau xanh mướt. “Trước đây tui cũng rụt rè lắm, từ ngày làm dự án mới, lắm khách lui tới tham quan, tui vừa làm nông dân vừa là hướng dẫn viên nghiệp dư nên giao tiếp, nói năng nó tự tin hơn nhiều” - anh Trang nói
Đầu năm 2015, kỹ sư Trung đến làng Túy Loan gặp các hộ dân và đặt vấn đề lập nhóm sản xuất theo dự án vườn rau hữu cơ do anh thiết kế nhưng ai nấy đều lắc đầu. Riêng hai vợ chồng anh Trang đồng ý. Lâu nay đất quen được hỗ trợ bởi các chế phẩm hóa học nên khi chuyển sang trồng rau bằng phương pháp hữu cơ, tình trạng “sốc đất” khiến hầu hết các luống rau bị chết hoặc sâu bệnh.
Anh Trung và các bạn trẻ trong dự án đã giải thích và động viên anh Trang kiên trì tìm cách khắc phục. Suốt thời gian đầu, cả nhóm tìm mọi cách như bón phân xanh, tưới phân từ xác đậu phộng đã ép dầu… để cải tạo đất.
Những vụ tiếp theo, nhiều khách hàng từ chối do rau quả hầu hết bị sâu, các thành viên trong dự án phải trực tiếp mang rau ra chợ bán. Ra chợ, người mua lại lắc đầu ngao ngán nhìn mớ rau “xấu mặt lá, giá lại cao”.
Thế rồi bằng khả năng thuyết phục khách hàng của mình, các bạn đã giúp nông dân thoát cảnh thua lỗ ban đầu nhưng suốt gần một năm trời dự án không đem lại lợi nhuận. “Lúc ấy bà con xung quanh nhìn vợ chồng tui bám trụ mà ngao ngán. Ai cũng khuyên bỏ dự án, quay về trồng rau quanh năm phân, thuốc như trước cho dễ bán, nhưng nghĩ đến những cái lợi mà dự án mang lại, tui quyết không bỏ” - anh Mạc Trang nói.
Cho lợi ích nhiều mặt
Sau gần một năm thực hiện dự án, đất bắt đầu thích nghi dần với phương pháp hữu cơ, Trung với vai trò là chuyên viên đã tìm được nhiều phương pháp sinh học khắc phục nhược điểm của phương pháp trồng rau mới này. Mô hình vườn rau gia đình bắt đầu cho sản phẩm thuyết phục khách hàng. Ngày càng có nhiều đơn đặt hàng.
Trung bình mỗi tháng, nhóm gồm nông dân là hai vợ chồng anh Trang cùng với 3 thành viên dự án thu về hơn chục triệu đồng và con số đó đang ngày càng tăng. Tới đây, với sự thích nghi và mở rộng thị trường, lượng rau trên 0,5 hecta dự kiến mang lại lợi nhuận gấp đôi, có thể gấp ba hiện tại.
Dự án “Vườn sinh thái gia đình” là sự kết hợp giữa vườn rau hữu cơ mang lợi ích kinh tế và phát triển du lịch sinh thái do chính hộ gia đình thực hiện. Theo đó, một hộ gia đình sẽ sử dụng số đất đang có của mình trồng xen kẻ nhiều loại rau bằng phương pháp hữu cơ theo đơn đặt hàng của người mua từ trước.
Nhóm của Trung có nhiệm vụ tìm khách hàng là các cơ quan, trường học, cửa hàng thực phẩm sạch và các hộ gia đình có nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch… ký hợp đồng cung cấp rau hữu cơ theo nhu cầu của họ. Mỗi tháng, khách hàng sẽ đóng tiền trước và có thể lựa chọn đa dạng loại rau trong giỏ rau theo nhu cầu.
Nhóm của Trung sẽ đến tận vườn lấy rau và giao tận nơi. Giá rau tại vườn nông dân bán ra là 25 nghìn đồng/kg cho tất cả các loại và đến tay khách hàng mỗi giỏ rau 3 kg có giá 100 nghìn đồng và giá bán lẻ là 35 nghìn đồng/kg.
Hàng tuần, nhóm sẽ liên hệ nhiều đoàn khách, trường học… đến tham quan vườn rau, thực hành trồng rau hữu cơ, tạo cơ hội giới thiệu mô hình rau sạch đến mọi người và kết hợp bán rau sạch tại vườn.
Hiện tại, nhóm Eco Farm đang tập huấn kỹ thuật cho gần chục hộ dân làng Túy Loan đang chuẩn bị đưa mô hình vườn sinh thái gia đình vào áp dụng. Cùng với đó, anh Trung chuẩn bị liên kết với nhóm Eco Farm ở Đà Lạt và Hội An để đa dạng các loại rau, đồng thời trao đổi, học hỏi thêm kỹ thuật nhằm mở rộng thị trường và phát triển rộng hơn dự án.
Anh Trung chia sẻ: “Tôi luôn đặt lợi ích khách hàng lên trên hết, lợi ích của nông dân sẽ gắn kết với lợi ích của khách hàng và từ đó tạo nên một dự án hiệu quả”.
Dự án “Vườn sinh thái gia đình” là sự kết hợp giữa vườn rau hữu cơ mang lợi ích kinh tế và phát triển du lịch sinh thái do chính hộ gia đình thực hiện. Theo đó, một hộ gia đình sẽ sử dụng số đất đang có của mình trồng xen kẻ nhiều loại rau bằng phương pháp hữu cơ theo đơn đặt hàng của người mua từ trước. Nhóm của Trung có nhiệm vụ tìm khách hàng là các cơ quan, trường học, cửa hàng thực phẩm sạch và các hộ gia đình có nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch… ký hợp đồng cung cấp rau hữu cơ theo nhu cầu của họ. Mỗi tháng, khách hàng sẽ đóng tiền trước và có thể lựa chọn đa dạng loại rau trong giỏ rau theo nhu cầu. Nhóm của Trung sẽ đến tận vườn lấy rau và giao tận nơi. Giá rau tại vườn nông dân bán ra là 25 nghìn đồng/kg cho tất cả các loại và đến tay khách hàng mỗi giỏ rau 3 kg có giá 100 nghìn đồng và giá bán lẻ là 35 nghìn đồng/kg. Hàng tuần, nhóm sẽ liên hệ nhiều đoàn khách, trường học… đến tham quan vườn rau, thực hành trồng rau hữu cơ, tạo cơ hội giới thiệu mô hình rau sạch đến mọi người và kết hợp bán rau sạch tại vườn. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận