04/05/2017 08:17 GMT+7

Mở đường trên cao ở sân bay chỉ là giải pháp tạm thời

THU DUNG ghi
THU DUNG ghi

TTO - Bàn về dự án “Mở đường trên cao “giải cứu” Tân Sơn Nhất”, GS Nguyễn Lê Ninh - ủy viên Ủy ban MTTQ TP.HCM - cho rằng đây chỉ là một giải pháp tạm thời, không có tác dụng lâu dài.

Đường Hoàng Văn Thụ hướng từ cầu vượt Lăng Cha Cả về trung tâm thành phố thường xuyên bị kẹt xe - Ảnh: HỮU KHOA
Đường Hoàng Văn Thụ hướng từ cầu vượt Lăng Cha Cả về trung tâm thành phố thường xuyên bị kẹt xe - Ảnh: HỮU KHOA

Trên thực tế, giao thông khu vực cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất (Q.Tân Bình) đã quá tải từ lâu. Số người đi lại “dồn” vào một số tuyến đường như Trường Sơn, Hoàng Văn Thụ... dẫn đến kẹt xe liên tục. Vào giờ cao điểm thì xe cộ không nhúc nhích được.

Do vậy, việc mở đường trên cao kết nối vào sân bay Tân Sơn Nhất để giải quyết kẹt xe cũng chỉ là một giải pháp tạm thời, không có tác dụng lâu dài. Với đà phát triển của TP.HCM như hiện nay, chỉ một thời gian ngắn, cửa ngõ sân bay lại tiếp tục kẹt thôi. Tới đó, chúng ta sẽ tiếp tục xây dựng thêm những dự án nào nữa?

Phương án giải bài toán kẹt xe quanh sân bay hiệu quả nhất chính là xây dựng các trạm trung chuyển hành khách rải rác ở nhiều nơi trên địa bàn TP.HCM. Hành khách sẽ có mặt ở trạm trung chuyển gần nơi họ sống nhất thay vì di chuyển đến sân bay.

Ví dụ khách sống ở Q.Thủ Đức sẽ có mặt tại trạm Thủ Đức, khách ở Q.Bình Tân thì đến trạm Bình Tân... Sau đó, các xe buýt chuyên dụng của hàng không sẽ đến rước hành khách đưa tới sân bay trước giờ khởi hành. Mỗi xe buýt như vậy có thể vận chuyển tầm 40 người khách.

Như vậy, đa số hành khách đều đi lại bằng phương tiện công cộng, TP giảm đi một lượng lớn phương tiện cá nhân đi vào khu vực cửa ngõ sân bay.

Về các tuyến đường trên cao từ số 1 đến số 5, Sở GTVT cần nghiên cứu thật kỹ trước khi triển khai, tránh trường hợp di chuyển vị trí kẹt xe từ điểm này qua điểm khác. Bên cạnh đó, 5 tuyến đường này phải liên kết chặt chẽ với nhau tạo điều kiện cho người dân đi lại mới giải quyết được ách tắc giao thông.

TP.HCM hiện có hơn 74% dân số sử dụng phương tiện cá nhân để đi làm. Vậy tại sao TP không thúc đẩy phát triển các khu đô thị vệ tinh khác, xây dựng những khu dân cư với đầy đủ điều kiện để người dân sinh sống, làm việc?

Trong mỗi khu, bắt buộc có trường học, bệnh viện... đồng thời tạo điều kiện cho người dân tìm kiếm được việc làm trong chính khu dân cư mà mình sinh sống. Có như vậy, họ tự hạn chế đi ra ngoài, lượng phương tiện cá nhân theo đó giảm xuống, tình trạng kẹt xe cũng được giải quyết dễ dàng hơn.

Ông Nguyễn Lê Ninh - Ảnh: T.Đạm
Ông Nguyễn Lê Ninh - Ảnh: T.Đạm

Nghiên cứu thêm giải pháp khác

Trong hơn 120 ý kiến phản hồi của bạn đọc đã có sự trái chiều về việc có nên xây dựng đường trên cao để “giải cứu” sân bay Tân Sơn Nhất và đề xuất thêm các giải pháp khác.

- Theo tôi, đây là ý tưởng hay. Hiện tại TP có nhiều giải pháp nhưng chung quy vẫn loanh quanh đưa lưu lượng xe về đường Trường Sơn. Cách này sẽ đẩy lượng xe từ sân bay thoát hẳn ra phía ngoài. Tất nhiên, việc thực hiện dự án cần phải xem xét thêm việc kết nối với các dự án khác phía ngoài công viên Hoàng Văn Thụ. Nhưng tôi thấy ý tưởng của dự án rất khả thi và đột phá, khối lượng giải tỏa mặt bằng, ảnh hưởng đến nhà dân có thể là rất ít.

Hoang Trung Kien (trungkien81@...)

- Sân bay Tân Sơn Nhất đã quá tải so với nhu cầu phát triển đi lại bằng hàng không của nhân dân. Tôi ủng hộ ý kiến của PGS.TS Bích Hằng và theo tôi, không nên mở rộng hay làm thêm đường trên không hay đường hầm vì chỉ khiến cho sự việc càng thêm tồi tệ, tốn tiền vô ích. Hãy để nguồn vốn đó góp vào đầu tư xây dựng sân bay quốc tế Long Thành, còn Tân Sơn Nhất là sân bay nội địa. Đó cũng là học tập theo xu hướng của các nước phát triển.

Ngân (bachngan400@...)

- Xây đường trên cao thế này là cách chắp vá, sẽ làm ảnh hưởng đến đường trên cao số 1 trong tương lai. Muốn làm đường thoát cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất thì xây hầm từ đường Trường Sơn luồn xuống công viên ra đường Nguyễn Văn Trỗi cho xe hơi, để giảm tải cho nút Lăng Cha Cả... Còn cầu cạn này thì nối vào đường trên cao số 1 làm nhánh ra sân bay Tân Sơn Nhất...

Huy Nguyễn (nhat_thang88@...)

- Phát triển hạ tầng giao thông là tất yếu và cần thiết theo sự phát triển chung của bất kỳ quốc gia nào. Tuy nhiên cần phải rút kinh nghiệm, bệnh thâm niên của ngành giao thông là cứ chăm chăm mở đường, xây đường mới, mà quên mất sứ mạng chính của giao thông vận tải là đi trước tổ chức giao thông, nghiên cứu loại hình vận tải... Tôi đồng ý với ý kiến cho rằng cứ thấy xe nhiều thì xây bãi đỗ xe, kẹt xe thì mở đường trên cao... mà không lo tổ chức, sắp xếp hình thức giao thông thì khó “giải cứu” thành công.

Thu Trần (thu280875@...)

- Tại sao cứ loay hoay bám riết đường Trường Sơn, trong khi sân bay Tân Sơn Nhất có nhiều hướng tiếp cận khác: đường Hoàng Hoa Thám, Trường Chinh, Phạm Văn Bạch, Tân Sơn, Quang Trung? Nên xây dựng tuyến đường vòng quanh sân bay và sau đó tổ chức tuyến xe buýt vòng quanh sân bay và mở các cửa đón trả khách ở phía tây (đường Tân Sơn, Phạm Văn Bạch), phía bắc (đường Quang Trung) thì sẽ giải quyết được kẹt xe hiện nay ở đường Trường Sơn, Cộng Hòa, Hoàng Văn Thụ.

Dương - Hà

- Phải giải quyết từ cái gốc. Đi đâu cũng thấy nhan nhản tiệm bán - buôn xe máy, cũ mới, giá bao nhiêu cũng có, trả góp cũng có. Rẻ tới độ nhà nào cũng có số xe nhiều hơn số người, xe đi làm riêng, xe đi chơi lại khác... Hãy giảm bớt nhập xe, buôn bán xe, sẽ giảm ùn tắc. Và thêm vấn đề là ý thức của người dân cũng phải thay đổi, đừng cứ ra khỏi nhà là nhảy lên xe, bất kể xa gần...

Giang (songdai61@...)

THU DUNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên