29/03/2017 10:16 GMT+7

Liên kết vùng để xử lý rác

TRẦN HỮU HIỆP (Ban chỉ đạo Tây Nam bộ)
TRẦN HỮU HIỆP (Ban chỉ đạo Tây Nam bộ)

TTO - Câu chuyện “Đồng bằng sông Cửu Long loay hoay với rác” (Tuổi Trẻ ngày 26-3) đòi hỏi cần giải bài toán căn cơ hơn cho vấn đề rác thải ở khu vực này.

Rác đang là bài toán nan giải đối với nhiều tỉnh thành ở ĐBSCL. Trong ảnh: Nhà máy xử lý rác thải Tâm Sinh Nghĩa (Long An) - Ảnh: An Long
Rác đang là bài toán nan giải đối với nhiều tỉnh thành ở ĐBSCL. Trong ảnh: Nhà máy xử lý rác thải Tâm Sinh Nghĩa (Long An) - Ảnh: An Long
Yêu cầu “xây dựng và ban hành luật tái chế, coi chất thải trong nước là tài nguyên” đã được xác định trong chiến lược quốc gia tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Nhưng con đường đưa rác thải của vùng ĐBSCL từ gánh nặng môi trường trở thành tài nguyên của xã hội cần nhiều nỗ lực và giải pháp đồng bộ hơn nữa

Nhìn ở cấp độ vùng, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện chưa có quy hoạch hệ thống xử lý rác thải. Giải quyết vấn đề môi trường vốn không phụ thuộc vào “ranh giới hành chính tỉnh” nhưng thực tế vừa qua, mỗi tỉnh tự lo kêu gọi, đầu tư cho riêng mình, thiếu phối hợp liên tỉnh.

Đây lại là lĩnh vực đầu tư kém hấp dẫn, khó thu hút dự án, trong khi nguồn lực địa phương hạn hẹp nên xử lý rác thải trở thành gánh nặng ngân sách.

Ngay cả khi đã có quy hoạch xử lý rác thải theo tiểu vùng thì việc triển khai thực hiện cũng chậm, nhiều bất cập. Quyết định số 1873/QĐ-TTg ngày 11-10-2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch xây dựng khu xử lý chất thải rắn vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL đến năm 2020 đã đặt mục tiêu là đến năm 2015 có 90%, đến năm 2020 có 100% chất thải rắn phát sinh tại các đô thị, khu công nghiệp thuộc vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL (Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang và Cà Mau) được thu gom và xử lý.

Tuy nhiên, kết quả là đến nay Cần Thơ và An Giang chưa triển khai được dự án xử lý rác nào, Kiên Giang quy hoạch 4 được 1, Cà Mau có nhà máy xử lý rác nhưng mới chỉ xử lý được khoảng 140 tấn rác/ngày.

Trong khi đó, ước tính lượng chất thải rắn chỉ riêng 4 địa phương này hiện nay đã lên đến khoảng 5.000 tấn/ngày, dự báo đến năm 2020, tổng khối lượng chất thải rắn phát sinh khoảng 7.550 tấn/ngày, đang là vấn đề bức xúc và nan giải.

Xử lý rác thải được xác định là nhu cầu bức xúc chung của vùng, nhưng trong danh mục dự án ưu tiên của Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL năm 2017 và những năm tiếp theo không tìm thấy dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư xử lý rác, hoặc được xác định thành danh mục ưu tiên bố trí vốn đầu tư từ ngân sách.

Phải chăng đã có tâm lý phó thác cho chủ trương xã hội hóa kêu gọi đầu tư dự án xử lý chất thải? Thực tiễn cho thấy không thể “xã hội hóa thả nổi” cho một vấn đề mang tính cấp thiết về môi trường và phát triển bền vững như vậy.

Việc xây dựng các khu xử lý rác thải liên tỉnh theo quy hoạch cần được cụ thể hóa bằng các cơ chế, chính sách của trung ương trên cơ sở hài hòa chi phí - lợi ích giữa các bên, chứ không thể phó mặc cho các địa phương tự lo. Xử lý rác thải, đảm bảo môi trường phải là một trong những nội dung của liên kết vùng, phối hợp liên tỉnh trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, việc phát triển năng lượng tái tạo, điện sinh khối và các nguồn năng lượng sạch của vùng ĐBSCL gắn với sản xuất sạch hơn cần được lồng ghép vấn đề xử lý rác và bảo vệ môi trường.

Một trong những mục tiêu quan trọng của Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành kèm theo quyết định 1393/QĐ-TTg ngày 25-9-2012 là xanh hóa sản xuất, lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn tài nguyên.

Để giảm áp lực cho vấn đề xử lý rác thải nói riêng và môi trường nói chung, cần lồng ghép nhiều chương trình mục tiêu, trong đó có yêu cầu áp dụng các tiêu chuẩn xanh trong phát triển các ngành sản xuất, công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ, cũng như xây dựng một hệ sinh thái tiêu dùng xanh.

TRẦN HỮU HIỆP (Ban chỉ đạo Tây Nam bộ)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên