05/01/2017 10:34 GMT+7

Phải giải quyết ba “nhân tai” ở miền Trung

GS NGUYỄN NGỌC TRÂN
GS NGUYỄN NGỌC TRÂN

TTO - Cần kiên quyết thực hiện chỉ thị đóng cửa rừng của Thủ tướng Chính phủ, trồng lại rừng đầu nguồn và rừng phòng hộ ven biển, và quy hoạch phát triển đô thị không xâm hại đến vùng cửa sông để hạn chế tối đa các “nhân tai”.

Đợt lũ lụt miền Trung tháng 12-2016 đã gây ra những tổn thất nặng nề. Giúp đỡ người dân sớm ổn định cuộc sống, tổ chức lại sản xuất là những việc cấp bách phải tiến hành. Nhưng cấp bách không kém là chuẩn bị ứng phó với những đợt lũ lụt sắp tới.

“Tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới ở các tỉnh duyên hải miền Trung muốn thành công phải tính đến việc ứng phó với biến đổi khí hậu và bão lũ, trước tiên và cụ thể là giải quyết ba “nhân tai” ở đây

Có nguyên nhân từ biến đổi khí hậu, thiên tai này được dự báo sẽ xảy ra thường xuyên hơn với cường độ ngày càng mạnh. Mùa bão đổ bộ vào nước ta sẽ kéo dài sang đầu năm với các cơn bão đi về phía tây nam với áp thấp nhiệt đới/bão phát sinh từ Biển Đông đi thẳng vào bờ biển Việt Nam nhiều hơn.

Lũ lụt ở miền Trung còn từ “nhân tai”. Vấn đề xả lũ của các hồ đập trữ nước và các đập thủy điện là “nhân tai” thứ nhất. Cần kiểm điểm, đánh giá sâu sắc để đi đến quy tắc xả lũ ít tác hại nhất có thể. Công tác duy tu đập và nạo vét lòng hồ phải thường xuyên để dung tích thực tế của các hồ đập sát với dung tích thiết kế.

Xa hơn, chấm dứt việc xây dựng các đập thủy điện nhỏ ở các tỉnh miền Trung, giám sát chặt chẽ các nhà máy đang được xây dựng, loại bỏ nếu phát hiện lợi bất cập hại.

Nạn phá rừng đầu nguồn và vùng cửa sông thu hẹp ở các tỉnh duyên hải miền Trung là hai “nhân tai” khác, ít được đề cập nhưng đã tăng nặng sự tàn phá của lũ lụt.

Theo số liệu của Niên giám thống kê, độ che phủ của các tỉnh duyên hải miền Trung đều tăng. Theo Bộ NN&PTNT, tính đến ngày 31-12-2015, diện tích rừng để tính độ che phủ toàn quốc là hơn 13.520 triệu hecta (độ che phủ 40,84%).

Thế nhưng ảnh vệ tinh từ năm 1984 đến năm 2015 cho thấy độ che phủ của thảm thực vật ở các tỉnh duyên hải miền Trung nhìn chung giảm, và thảm thực vật có sinh khối thấp. Sự khác biệt là do rừng thưa và rừng mới được trồng từ 3 năm trở lên được tính vào tỉ lệ che phủ giống như rừng giàu và rừng trung bình.

Mất rừng dẫn đến lớp phủ thổ nhưỡng bị rửa trôi, lòng hồ đập bị nâng cao, các dòng sông nhỏ bị lấp đầy, đáy lòng sông chính bị nâng cao, các cửa sông bị thu hẹp sau mỗi mùa lũ, thậm chí sau mỗi trận/đợt lũ lớn. Ảnh vệ tinh thể hiện rất rõ các tình trạng này ở tất cả các tỉnh duyên hải miền Trung.

Nước mưa, nhất là những trận mưa to, hầu như tức thì chảy về các vùng trũng của châu thổ sông, làm ngập, làm sập và cuốn trôi nhà dân, phá hỏng hạ tầng đường sá và cầu cống. Màu nước đục màu bùn cát chứng tỏ cường độ nước xói mòn mặt đất.

Các cửa sông, lối thoát ra biển của nước lũ bị thu hẹp do trầm tích từ trên cao đổ về đọng lại dưới tác động của thủy triều, sẽ kéo dài thời gian ngập lũ, nhất là vào lúc triều cường. Vùng cửa sông thoát ra Biển Đông bị thu hẹp còn do phát triển đô thị.

Sau mỗi trận lũ lụt, nhiều người trắng tay, số hộ nghèo gia tăng, sản xuất nông nghiệp bị xáo trộn, cơ sở hạ tầng bị tổn thất. Không thể có phát triển bền vững được nếu không xác định những vị trí an toàn kết hợp với kế sinh nhai, để người dân an cư.

Cần kiên quyết thực hiện chỉ thị đóng cửa rừng của Thủ tướng Chính phủ, trồng lại rừng đầu nguồn và rừng phòng hộ ven biển, và quy hoạch phát triển đô thị không xâm hại đến vùng cửa sông để hạn chế tối đa các “nhân tai”.

GS NGUYỄN NGỌC TRÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên