02/11/2016 09:41 GMT+7

Đừng vô tình dạy trẻ sợ hãi

LÊ HỒNG MẬN (Đà Nẵng)
LÊ HỒNG MẬN (Đà Nẵng)

TTO - Cha mẹ nào cũng muốn con mình lớn lên dũng cảm, can trường. Thế nhưng mỗi ngày trong cuộc sống, nhiều bậc cha mẹ đã vô tình gieo rắc vào tâm lý con trẻ những nỗi sợ hãi vô hình ngay từ tấm bé.

Cạnh nhà tôi có một người mẹ trẻ, để giải quyết tình huống đứa con 4 tuổi biếng ăn, mỗi buổi chiều chị thường hay dắt bé đi quanh xóm để bón cơm và cũng thường xuyên dọa con rằng “ăn đi, ăn nhanh không chú công an bắt”.

Một người chị của tôi chia sẻ rằng vì bé gái 3 tuổi của chị buổi tối thường quấy khóc vòi vĩnh đủ thứ, từ ngày chị dọa “sẽ cho ở lại trường, không đón về nữa, cho cô giáo phạt” thì em bé có vẻ “biết nghe lời” hơn. Chị còn không quên nhắc tôi “cần nhanh nhanh cho bé đi học để biết sợ và ngoan hơn”.

Ngoài những câu dọa nạt phổ thông ấy, các ông bố bà mẹ ngày nay có đến cả hàng trăm câu dọa nạt con mình - cốt chỉ để con “sợ” mà ngoan. Và dĩ nhiên là không chỉ có trẻ nhỏ, khi các con lớn lên, bố mẹ cũng tìm cách “dọa đủ thứ” để con vâng lời như dọa không đỗ trường này trường kia thì bố mẹ đeo mo ra đường, dọa không học ngành này thì mai này thất nghiệp đừng trách...

Các ông bố, bà mẹ vô tình quên mất rằng giữa việc “sợ” và “ý thức” là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Việc dọa như vậy chỉ làm những đứa trẻ lớn lên với sự sợ hãi mơ hồ như sợ cô giáo, sợ công an, sợ bác bảo vệ...; khi lớn hơn thì sợ rớt đại học, học đại học lại sợ ra trường thất nghiệp...

Cũng chính sự sợ hãi đó đã vô tình bóp nghẹt sự tự tin, sáng tạo cũng như tự quyết định tương lai của mình. Và không ai khác, chính phụ huynh và những đứa con là người đầu tiên phải chịu những hậu quả của sự sợ hãi ấy.

Như đứa bé cạnh nhà tôi, trong một lần đi công viên chơi bị lạc mẹ, tìm quanh không thấy nhưng lại thấy ngay một anh công an khu vực, thay vì nhờ chú công an tìm giúp thì bé lại khóc ré lên rồi ba chân bốn cẳng chạy trốn.

Còn bạn bè tôi có những người phải học đại học ở cái ngành mà cha mẹ cho là không sợ thất nghiệp thì cuối cùng cũng vẫn thất nghiệp. Bởi vào trường một phần vì không đam mê, phần lại thụ động, chủ quan vì nghĩ chắc chắn cha mẹ đã có chỗ “gửi gắm” nên các bạn ấy chỉ chăm chăm học lý thuyết để có tấm bằng, mọi kỹ năng mềm gần như không có.

Thiết nghĩ dạy con là một hành trình dài, mà trong đó chính cha mẹ là người phải học nhiều hơn cả, kiên trì nhiều hơn cả. Để một đứa trẻ có được thói quen ăn uống, học, chơi... cần ở cha mẹ sự lắng nghe và thấu hiểu, bao dung và nghiêm khắc.

Đừng vì dọa nạt con cái có thể sẽ được việc ngay lúc ấy mà khiến con cái trở nên nhút nhát hơn, sợ hãi hơn khi còn nhỏ, dẫn đến tình trạng thiếu tự tin, ỷ lại và thụ động khi lớn lên, làm ảnh hưởng đến cả một sức trẻ đáng lẽ phải dấn thân và dũng cảm.

LÊ HỒNG MẬN (Đà Nẵng)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên