13/08/2016 08:09 GMT+7

Giảm sức “chịu đựng” tham nhũng

KTS LÊ CÔNG SĨ
KTS LÊ CÔNG SĨ

TTO - Câu chuyện mức độ “chịu đựng” tham nhũng của người dân VN tăng, theo kết quả khảo sát của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), đã thu hút sự quan tâm của nhiều bạn đọc bàn cách làm sao để giảm sức “chịu đựng” này.

UBND Q.8 (TP.HCM) đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng phục vụ và tạo sự gần gũi, thân thiện, công khai minh bạch để người dân dễ dàng thực hiện các thủ tục giấy tờ hành chính. Trong ảnh: người dân làm thủ tục hồ sơ nhà đất tại UBND Q.8 - Ảnh: TỰ TRUNG
UBND Q.8 (TP.HCM) đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng phục vụ và tạo sự gần gũi, thân thiện, công khai minh bạch để người dân dễ dàng thực hiện các thủ tục giấy tờ hành chính. Trong ảnh: người dân làm thủ tục hồ sơ nhà đất tại UBND Q.8 - Ảnh: TỰ TRUNG

Chi phí “lót tay” cho cán bộ khi làm sổ đỏ, xin phép xây dựng và các dịch vụ công khác ngày càng tăng; mức tiền hối lộ dẫn đến việc người dân phải đứng ra tố cáo hành vi đòi hối lộ ngày càng tăng dần, trong khi tỉ lệ người bị vòi vĩnh tố cáo tham nhũng giảm dần theo thời gian... là những thông tin từ kết quả khảo sát của UNDP vừa công bố ngày 10-8.

Điều này cho thấy một thực trạng đáng báo động: tệ nhũng nhiễu đã “thập diện mai phục” trên mọi lĩnh vực và người dân xem đó là bình thường, đã sống chung cùng nó với sức chịu đựng ngày càng cao.

Có rất nhiều lý do để nhũng nhiễu lên ngôi như quy định, thủ tục ở các lĩnh vực còn nhập nhằng dẫn đến tình trạng có thể hiểu hoặc suy diễn khác nhau, tạo cơ hội tốt cho cán bộ thoái hóa biến chất trục lợi; bộ máy công quyền chưa thật sự liêm chính khi còn tình trạng bổ nhiệm “cửa sau”; người dân vì muốn nhanh chóng được việc và yên thân nên sẵn sàng móc hầu bao nuôi dưỡng sự sai trái của công bộc bằng nhiều hình thức... Sự nhũng nhiễu tuy có nhiều nguyên do, song cốt lõi vẫn ở con người.

Tôi đồng tình với nhận định của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến khi cho rằng người dân cần cộng đồng trách nhiệm trong công cuộc chống tham nhũng. Khi tiếp cận dịch vụ công, người dân lẽ ra cần trang bị cho mình những hiểu biết nhất định về quy trình, thủ tục thì ngược lại nhiều người mang tâm lý phải đút lót, nhờ vả, chạy chọt mới xong việc.

Rõ ràng chính tâm lý này hình thành thói quen và dần trở nên quán tính đút lót vốn là đất sống tốt và mau chóng sinh sôi, nảy nở của tệ nhũng nhiễu xấu xí. Tuy nhiên, tôi tin rằng người dân dù có thỏa hiệp với tiêu cực để mua sự yên thân thì vẫn với tâm thế không bao giờ gọi là dễ chịu.

Họ có lý do để chấp nhận sống chung với tiêu cực bởi lẽ không ít trường hợp người dân phản ứng, không bắt tay thỏa hiệp với sai trái đã bị hoạnh họe, thậm chí bị trả thù. Sự đối kháng với tiêu cực, nhũng nhiễu dễ bị coi là lập dị, đơn độc.

Sức chịu đựng của người dân đối với tham nhũng ngày càng cao đồng nghĩa sức đề kháng của bộ máy công quyền đang yếu dần và đó là thực trạng nguy hiểm cho xã hội. Để giảm sức chịu đựng trước tham nhũng và dần đến triệt tiêu tệ nạn này, người dân cần thay đổi tư duy, nhận thức, tức thể hiện vai trò cộng đồng trách nhiệm trong việc chống nhũng nhiễu.

Nhưng để người dân làm được điều này, trước hết lãnh đạo chính quyền các cấp cần phát tín hiệu rõ ràng và mạnh mẽ hơn nữa nói không với vòi vĩnh, nhũng nhiễu nhằm tạo niềm tin để người dân cảm thấy mình không đơn độc trong cuộc chiến và sẵn sàng được pháp luật bảo vệ thông qua những cá nhân lãnh đạo liêm chính.

Chẳng ai vui khi phải “chịu đựng”...

Hơn 250 phản hồi của bạn đọc có nhiều ý kiến cho rằng người dân bắt buộc phải “sống chung với tham nhũng” và sự chịu đựng này cũng có giới hạn, nên Chính phủ phải giải quyết nghiêm túc vấn đề tham nhũng.

Chẳng ai vui khi phải “chịu đựng” tham nhũng, nhưng tham nhũng thì tràn lan: học thì phải chạy trường, học hành có bằng cấp nhưng lo xem có việc làm không; nhà mình xây thì hết ban này ngành nọ kiểm tra tưởng như là để bảo vệ quy hoạch cho thành phố ngày càng đẹp hơn, nhưng nhìn chung mỹ quan đô thị vẫn không đẹp và vẫn tồn tại nhiều công trình trái phép... Không chịu đựng thì sao đây, kêu ai đây? Thôi thì... đành giật giải là dân “chịu đựng” tham nhũng giỏi!

Quang Thành (quangthanh.info@...)

* Nếu tất cả công dân thượng tôn pháp luật thì sẽ không có tham nhũng. Tiếc rằng ở nước ta có luật nhưng luật pháp chưa bao phủ toàn xã hội, nên còn nhiều người đứng trên luật pháp và lợi dụng quyền lực để vòi vĩnh người dân, còn người dân chỉ biết cúi đầu cam chịu.

Huy Hoàng (huyhoangphamdt@...)

* Với cơ chế chưa minh bạch, thiếu đối trọng giám sát nhau một cách thực chất trong các cơ quan công quyền, khó quy được trách nhiệm cá nhân... thì người dân muốn hay không cũng phải chấp nhận tham nhũng và sống chung với nó. Người dân nào mà không muốn sống trong sạch, ngặt cái họ hết cách nên phải sống chung với tham nhũng. Các cán bộ, công chức đang sống bằng tiền dân hãy tự trách mình trước.

Công Minh (cminh58@...)

* Vì cuộc sống mưu sinh nên người dân không còn cách nào phải chấp nhận “lót tay” cho mau lẹ, nếu không là hồ sơ bị ngâm mấy tháng trời thì tâm trí đâu mà làm ăn nữa. Cho nên Chính phủ cần lên tiếng với các cơ quan chức năng phải làm các thủ tục giấy tờ cho dân trong thời gian sớm nhất, cụ thể là mấy ngày có kết quả... Nếu cơ quan nào vi phạm phải xử lý nghiêm để tránh nhũng nhiễu, “lót tay”.

Quốc Cường (lequoccuonglqc@...)

* Người dân chịu đựng có giới hạn đấy, mong Quốc hội, Chính phủ... nhìn nhận thẳng thắn và đứng ra giải quyết nghiêm túc vấn đề tham nhũng. Tham nhũng là một tệ nạn gây mất lòng tin của người dân, ảnh hưởng đến uy tín đất nước, uy tín của cơ quan quản lý, là nguồn phá hoại còn khủng khiếp hơn thế lực chống phá bên ngoài. Ai cũng biết điều này nên đừng ngó lơ, đừng thiếu trách nhiệm với người dân nữa.

Tân Nguyễn (nicktan28@...)

KTS LÊ CÔNG SĨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên