Hằng ngày Phạm Thị Yến chăm sóc người cha suy thận nặng nhưng không có tiền chữa trị - Ảnh: HÀ ĐỒNG |
Gia đình Yến trú ngụ trong một ngôi nhà cấp bốn chật chội, đã xuống cấp ở làng Mới, xã Đồng Thịnh, huyện miền núi Ngọc Lặc, Thanh Hóa.
Lúc chúng tôi đến, mẹ của Yến là chị Phạm Thị Dương cứ ngơ ngơ ngác ngác nhìn mọi người, rồi ú ớ chẳng rõ lời.
Bà Phạm Thị Liên (58 tuổi, bà nội của Yến) nói như chực khóc: “Khổ thân cái Yến, sinh ra được gần hai tuổi thì mẹ mắc bệnh tâm thần. Thương vợ con, cách đây hơn 5 năm, bố của Yến phải vào tận trong Nam để kiếm tiền lo thuốc thang cho vợ, nuôi con ăn học”.
Làm thuê được một thời gian, anh Phạm Văn Điệu, cha của Yến, đổ bệnh suy thận, phải bỏ việc về quê chạy chữa. Hai năm nay chung sống với căn bệnh suy thận, do không có tiền đến bệnh viện điều trị thường xuyên nên bệnh của anh Điệu ngày càng nặng, nằm liệt ở nhà.
Bây giờ gia đình chỉ còn biết lấy cây lá thuốc nam cho anh uống để kéo dài sự sống. Anh Điệu giờ chỉ còn da bọc xương, nằm bất động trên giường, đôi mắt lúc nào cũng đượm buồn.
Dù sinh ra, lớn lên trong gia đình có hoàn cảnh hết sức khó khăn, thiếu thốn mọi bề, nhưng suốt bốn năm qua Yến luôn là học sinh giỏi của Trường tiểu học xã Đồng Thịnh. Năm học tới, Yến sẽ lên lớp 5. Con đường đến trường của Yến dường như ngày càng gập ghềnh, khó khăn hơn.
Bà Liên cho biết: “Để chuẩn bị cho Yến bước vào năm học mới, tôi đã dành ba con gà để bán lấy tiền mua sách vở, bút mực, cặp sách. Còn sức khỏe ngày nào, tôi sẽ cố gắng làm lụng, lo cho cháu ăn học để cháu thực hiện được ước mơ trở thành cô giáo của bản làng Mường sau này”.
Anh Bùi Văn Thảo, bí thư Đoàn xã Đồng Thịnh, cho biết gia đình Yến thuộc diện hộ nghèo, khó khăn nhất xã. Bố mẹ Yến ốm đau triền miên, mất sức lao động. Bà nội của Yến xấp xỉ 60 tuổi là lao động chính của gia đình, làm 5 sào ruộng để lấy gạo nuôi cả gia đình.
Ngoài giờ học ở trường, Yến về nhà giúp bà nội chăn trâu, cắt cỏ, chăm đàn gia cầm, nấu cơm nước. Dù bà cháu Yến đã gồng mình, căng sức với công việc đồng áng, chăn nuôi, nhưng hằng năm đến mùa giáp hạt vẫn thiếu gạo ăn.
“Nhiều năm qua, đoàn viên thanh niên địa phương thường giúp gia đình cháu Yến lúc thu hoạch mùa màng, lúc sửa sang lại nhà cửa, hỗ trợ phương tiện học tập, tặng quà… để động viên Yến nỗ lực vượt qua khó khăn, nhưng cũng chỉ được phần nào”, anh Thảo cho biết thêm.
Chuyên mục “Nhịp cầu nhân ái” của báo Tuổi Trẻ đăng tải các địa chỉ, hoàn cảnh cần giúp đỡ và thông tin phản hồi về sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm. Bạn đọc có thể giới thiệu các hoàn cảnh không may, khốn khó, bệnh tật, tai nạn bất ngờ... không còn khả năng tự giải quyết được để báo Tuổi Trẻ xác minh và đăng tải trên chuyên mục này. Thông tin giới thiệu gửi qua email: nhipcaunhanai@tuoitre.com.vn hoặc ban công tác xã hội báo Tuổi Trẻ theo địa chỉ: 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM. “Nhịp cầu nhân ái” mong nhận được sự chia sẻ từ quý bạn đọc. Mọi sự giúp đỡ xin gửi về báo Tuổi Trẻ, “Nhịp cầu nhân ái” sẽ công khai sự giúp đỡ và cam kết trao tận tay người cần được giúp đỡ. Địa chỉ: 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM. Điện thoại: (08) 39973838. Số tài khoản: * VND: 102010000118248, Ngân hàng Công thương chi nhánh 3 TP.HCM; chủ tài khoản: báo Tuổi Trẻ. * USD: 007.137.0195.845 * EUR: 007.114.0373.054. Vui lòng ghi rõ: Nhịp cầu nhân ái - mã số 74, giúp đỡ hai bà cháu Liên - Yến. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận