26/07/2016 10:11 GMT+7

Chặt đứt những đường dây bảo kê

KTS LÊ CÔNG SĨ (TRà VINH)
KTS LÊ CÔNG SĨ (TRà VINH)

TTO - Từ vụ việc ba thanh tra giao thông (TTGT) ở Cần Thơ bị bắt về hành vi cưỡng bức các doanh nghiệp vận tải phải nộp tiền tháng, dư luận đòi hỏi phải ngăn chặn cho được việc cán bộ công chức lợi dụng chức quyền để trục lợi.

Ba TTGT TP Cần Thơ vừa bị bắt do có hành vi vòi vĩnh doanh nghiệp. Bằng cách thu “hụi chết” hằng tháng từ hơn 60 doanh nghiệp kinh doanh các loại trên khắp các tỉnh miền Tây, những cán bộ thoái hóa biến chất trên đã tư túi số tiền lên đến gần 3,5 tỉ đồng!

Thật ra chuyện cán bộ TTGT nhận tiền bảo kê, vòi vĩnh tiền doanh nghiệp bằng nhiều cách không phải mới và câu chuyện vừa xảy ra ở Cần Thơ càng không phải duy nhất. Trước đó, nhiều địa phương khác như Thanh Hóa, Đắk Nông... từng “trảm” các TTGT với những sai phạm tương tự.

Tuy vậy, câu chuyện ở Cần Thơ gây ngạc nhiên cho dư luận bởi thủ đoạn tinh vi, số doanh nghiệp bị vòi vĩnh lên đến con số khoảng 60, đặc biệt số tiền thu bất chính thuộc hàng “khủng” so với mức lương công vụ - những 3,5 tỉ đồng!

Xưa nay, tình trạng cán bộ công chức trong quá trình thực thi công vụ đã mang quyền lực ra để “kinh doanh” là không mới. Quyền lực được trao lẽ ra nhằm mục đích đảm bảo pháp luật trong lĩnh vực phụ trách, nhằm mang lại lợi ích cho xã hội thì những cán bộ thoái hóa biến chất đã mang ra trao đổi hoặc cưỡng bức doanh nghiệp để thu lợi ích cho mình.

“Sản phẩm quyền lực” của họ được các doanh nghiệp “mua” và biến nó thành lá bùa hộ mệnh trong hoạt động kinh doanh.

“Hoạt động kinh doanh” của những “con sâu” nói trên được khoác vỏ bọc bằng nhiều hình thức, trong đó rõ nhất là quan hệ thiết thân với doanh nghiệp hoặc tự nguyện, hoặc cưỡng bức và trong mọi trường hợp thường được cho là đôi bên cùng có lợi.

Gọi là tự nguyện hoặc cưỡng bức bởi lẽ được yên ổn làm ăn suy cho cùng là nhu cầu chính đáng của mọi doanh nghiệp, do vậy để không bị hoạnh họe, doanh nghiệp dễ dàng “đi đêm” với những cán bộ này.

Trong số 60 doanh nghiệp đã bị các TTGT Cần Thơ nói trên vòi vĩnh, hẳn có doanh nghiệp (muốn) tố cáo những cán bộ TTGT mục ruỗng ấy, xong chắc hẳn cũng có doanh nghiệp không (hoặc chưa) muốn đường dây này bị chặt đứt bởi như đã nói, cả hai vẫn còn giá trị lợi dụng nhau (!).

Hệ quả của những “giao dịch đen” nói trên thế nào ai cũng rõ: hàng loạt xe ben, xe tải chở hàng hóa lặc lè như những hung thần cày nát đường phố và đe dọa sự an toàn cho người tham gia giao thông.

Chặt đứt đường dây bảo kê, chấm dứt “giao dịch đen” - vốn là biểu hiện của tình trạng kinh doanh quyền lực - là đòi hỏi của xã hội phát triển. Muốn vậy, những sai phạm được phát hiện dứt khoát phải xử lý nghiêm.

Ngoài ra cần có cơ chế kiểm soát, giám sát chặt chẽ, hiệu quả hơn như thiết lập nhiều đường dây nóng để người dân và doanh nghiệp làm ăn chân chính kịp thời phản ảnh, đồng thời một sự cam kết về trách nhiệm của người đứng đầu trong từng lĩnh vực mình phụ trách cũng vô cùng quan trọng.

Phải ngăn chặn chuyện “bán đường”

Ngoài sự phẫn nộ, trong hơn 500 phản hồi của bạn đọc còn nhiều ý kiến đề nghị phải loại ra khỏi bộ máy nhà nước những “con sâu” đang nhũng nhiễu người dân.

Hoan nghênh Công an TP Cần Thơ đã phá vụ án này! Những người như thế này ẩn mình trong bộ máy nhà nước chính là những sâu dân, mọt nước. Dư luận cho rằng chuyện bảo kê cho phương tiện như thế này không chỉ có ở Cần Thơ và không chỉ trong lực lượng TTGT.

Sông Trẹm

Nhà nước bỏ ngân sách, dân bỏ tiền ra xây cầu cống, đường giao thông để rồi không ít kẻ có quyền trong lĩnh vực này lợi dụng chức vụ, quyền hạn “bán đường” để thu nhiều tỉ đồng. Tình trạng này nghe nói phổ biến khắp mọi nơi, không riêng gì ở Cần Thơ, nên cần phải có biện pháp ngăn chặn.
 

Công Lý (duyhatct@...)

Doanh nghiệp làm ăn kiếm từng đồng từng cắc, để rồi phải chung chi, lo lót đủ thứ, làm sao doanh nghiệp sống nổi? Đất nước mình nghèo hoài là bởi các “con mọt” này đây. 

Hoàng Thy

Đây là tin vui cho các doanh nghiệp mà thời gian qua đành phải thắt lưng buộc bụng chung chi để yên ổn làm ăn. Chúc mừng các doanh nghiệp.

Minh Lợi

Tham nhũng và lãng phí chính là giặc nội xâm, là đại họa của dân tộc. Mặc dù trong chúng ta ai cũng biết điều này, nhưng không ít người vẫn chấp nhận sống chung với nó. Muốn đất nước phát triển giàu mạnh, chúng ta cần phải mạnh tay loại bỏ những “con sâu” này và phải làm kiên quyết đến cùng.

Quang Minh

 Tất cả cần một nền hành chính công minh bạch, một sự giám sát rộng rãi của người dân, một sự công khai tài sản của tất cả quan chức trên trang web của từng ngành thì cuộc đấu tranh chống tham nhũng trong bộ máy nhà nước mới có kết quả.

Đặng Minh Châu

KTS LÊ CÔNG SĨ (TRà VINH)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên