24/07/2016 07:55 GMT+7

Đậu xe hơi trước hàng quán: sao cho vừa lòng nhau?

ÁI NHÂN - KIM ANH - TẤN LỰC ghi
ÁI NHÂN - KIM ANH - TẤN LỰC ghi

TTO - Việc đậu xe dưới lòng đường trong khu vực cho phép nhưng làm nhiều chủ hàng quán bức xúc vì cho rằng bị che hết mặt tiền, nhiều người dân cũng không hài lòng vì bị cản trở đi lại.

Xe hơi nối đuôi nhau đậu dưới lòng đường, trước các hàng quán trên đường Trần Phú khu vực gần chợ Hàn, Đà Nẵng - Ảnh: TẤN LỰC
Xe hơi nối đuôi nhau đậu dưới lòng đường, trước các hàng quán trên đường Trần Phú khu vực gần chợ Hàn, Đà Nẵng - Ảnh: TẤN LỰC

Giải quyết vấn đề này ra sao?

Câu chuyện xe đậu trước hàng quán làm chủ quán bức xúc dán giấy “đậu ngu” lên xe tuần qua ở Đà Nẵng đã tạo ra tranh cãi về việc đậu xe không chỉ ở riêng thành phố bên sông Hàn. Tuổi Trẻ ghi nhận sau đây các ý kiến theo nhiều quan điểm khác nhau, tòa soạn mong nhận góp ý của bạn đọc để tìm giải pháp đang rất được người dân quan tâm này.

* Ông Nguyễn Bật Hận (phó chánh thanh tra Sở GTVT TP.HCM):

Quyền sử dụng của hộ kinh doanh tính từ mặt tiền vào

Thanh tra giao thông thường xuyên kiểm tra, xử phạt với các trường hợp ôtô cũng như các loại xe khác đậu không đúng nơi quy định dưới lòng đường. Nếu tuyến đường có biển báo cấm đậu, cấm dừng ôtô dưới lòng đường mà người sử dụng xe đậu thì lực lượng sẽ xử lý vi phạm ngay.

Nếu tuyến đường cho phép ôtô đậu theo giờ, theo ngày chẵn lẻ..., đương nhiên việc đậu dưới lòng đường ở góc độ nào đó có thể choán tầm nhìn, mặt tiền của các hộ kinh doanh và cũng có thể có người phản ứng.

Nhưng quyền sử dụng của hộ kinh doanh chỉ tính theo diện tích nhà đất của họ từ mặt tiền trở vào. Còn lề đường, lòng đường là không gian công cộng thì người khác được sử dụng phù hợp với quy định.

Dẫu sao việc cho phép ôtô đậu dưới lòng đường vẫn là giải pháp tình thế trong điều kiện thiếu các bến bãi, khu vực đậu xe, đặc biệt là nhiều tuyến đường ở khu vực trung tâm. Sở GTVT đang tham mưu cho UBND TP.HCM ban hành quy định mới về sử dụng lòng lề đường trên cơ sở tham khảo ý kiến rộng rãi của các quận huyện cho phù hợp hơn.

Ông HUỲNH VĂN RÂN (đội trưởng Đội kiểm tra quy tắc đô thị quận Hải Châu, Đà Nẵng):

Rất khó xử lý

Xung đột quyền lợi giữa người đi ôtô và hàng quán là chuyện có thật, nhưng chỉ xảy ra trong chớp nhoáng. Nếu anh đậu xe nơi không cấm là đúng, không ai bắt bẻ anh được. Hành vi này thuộc về tâm lý, tùy vào nhận thức mỗi người, luật pháp không quy định nên không thể xử lý được.

Mọi hoạt động trên đường thuộc quản lý nhà nước, người dân không nên tùy tiện có hành vi ngăn cản. Trong trường hợp vì bức xúc mà chủ quán viết vẽ, dán bậy hay đập phá ôtô mà bị bắt quả tang có thể bị xử phạt vi phạm hành chính vì hành vi xâm phạm, hủy hoại tài sản. Tuy nhiên, bắt quả tang để xử lý trường hợp này không phải dễ.

Mỗi người có mỗi cách suy nghĩ và hành xử khác nhau. Gặp lúc buôn bán ế ẩm, quẫn bách về kinh tế thì con người dễ nảy sinh tâm lý bực dọc, gặp cái ôtô đậu chình ình trước cửa họ điên tiết, cho rằng đó là nguyên nhân “ám” mình nên có những hành vi lệch lạc. Điều này thuộc về văn hóa ứng xử của mỗi người, nên tuyên truyền giáo dục để họ điều chỉnh hành vi là chính.

Ông Trần Minh Vũ (chủ tịch UBND P.6, Q.Tân Bình, TP.HCM):

Muốn nhắc cũng không biết nhắc ai

Thỉnh thoảng tôi có nghe người dân phàn nàn về việc xe hơi đậu trước cửa nhà, choán hết lối đi khiến họ không đẩy xe máy ra được. Tuy nhiên, thẩm quyền xử lý các vi phạm về đậu xe hơi thuộc về Sở GTVT, nên cán bộ UBND phường thấy xe nào đậu bừa bãi thì chỉ nhắc nhở. Nhưng có nhiều người đậu xe đó rồi bỏ đi đâu mất, thành ra muốn nhắc ngay cũng không biết nhắc ai. Trước tình hình như vậy, phường có báo cáo và phối hợp với bên giao thông công chánh.

Luật sư Hứa Thị Thảo (Đoàn luật sư TP.HCM):

Được bên này, thiệt bên kia

Hạ tầng cơ sở của TP.HCM cũng như các đô thị phát triển nói chung không theo kịp với tốc độ phát triển của xã hội. Xe cộ ngày một nhiều lên, trong khi quy hoạch không theo kịp. Công dân có quyền tự do đi lại, Nhà nước phải bảo đảm quyền đó cho họ. Như vậy nhu cầu giao thương, đi lại, mua sắm, hoạt động giải trí, vui chơi... tại các khu vực trung tâm là nhu cầu thiết yếu, hằng ngày.

Trong khi người dân sử dụng xe vào các khu vực này thì có nhu cầu đậu, song các bến bãi tại trung tâm quá thiếu so với nhu cầu. Vì thế cơ quan nhà nước phải quy định cho đậu dưới lòng đường, lề đường là giải pháp tình thế.

Giải pháp tình thế như vậy ở góc độ nào đó là có gây cản trở nhu cầu đi lại, lưu thông của các xe, cá nhân khác. Việc đậu xe dưới lòng, lề đường được chính quyền cho phép nhưng vô hình trung cũng gây choán, che khuất tầm nhìn mặt tiền của hộ kinh doanh.

Thêm nữa, việc đó cũng gây bất tiện về sự di chuyển cho khách hàng bằng các phương tiện khác khi ra vào cửa hàng, cửa hiệu. Điều đó khiến các chủ cửa hàng, cửa hiệu cũng chịu thiệt hại và họ khó chịu là điều dễ hiểu.

Về lâu dài, Nhà nước cần có quy hoạch, xây dựng thêm nhiều bến bãi, khu vực đậu đỗ xe hợp lý, bảo đảm nhu cầu và hài hòa các lợi ích của nhiều người dân chứ không chỉ giải quyết tình thế, được bên này, thiệt bên kia.

Bà LẠI THỊ MỸ LINH (P.Hải Châu 1, Q.Hải Châu, Đà Nẵng)

Người đi ôtô cũng có nỗi niềm

Người đi ôtô bí bách không có chỗ đậu mới phải đậu nhờ trước hàng quán nhà dân. Tôi đã nhiều lần gặp tình huống xe đậu đỗ trước cửa hàng, bị chủ cửa hàng ra mắng chửi, thậm chí đập phá xe mặc dù tuyến đường đó không cấm ôtô đậu. Những bạn bè tôi cũng cho biết nhiều lần gặp tình cảnh tương tự, phải nhờ công an giải quyết mới xong.

Như tôi nhiều lúc đưa đón con đi học hay ghé đâu đó mua chút đồ cố gắng chỉ đậu đỗ chừng 15-20 phút rồi đi. Người đi ôtô cũng có nỗi niềm khó nói, mọi người nên chia sẻ và thông cảm cho họ.

Người dân, chủ xe, chủ quán nói gì?

Bà Nguyễn Hồng Nhung (đường Tô Hiến Thành, Q.10, TP.HCM):

Không còn chỗ đi

Có lần đi mua sắm tại một cửa hàng ở khu Phú Mỹ Hưng, Q.7, lúc đẩy xe máy xuống thì không còn chỗ, chỗ trống quá nhỏ do có chiếc xe hơi đậu trên lề đường ngay trước cửa hàng.

Tôi chưa kịp nhờ tài xế lái xe nhích lên một chút để tôi đẩy xe ra thì liền bị họ nói tôi làm trầy xe của họ. May mà lúc đó có bảo vệ cửa hàng nói “anh đậu xe như vậy thì ráng chịu, chủ tiệm đang lu bu chưa ra nhắc anh thì thôi, anh còn trách người ta”, anh tài xế đó mới thôi.

Ông Nguyễn Tiến Dũng (quận 12, TP.HCM):

Khổ đủ đường

Ngay cả khi đậu xe đúng tuyến đường cho phép theo giờ và theo ngày chẵn lẻ vẫn vô cùng bất tiện. Đó là thường xuyên bị chủ các cửa hàng, cửa hiệu chửi bới, đuổi đi vì che chắn trước cửa hàng của họ. Đó là chưa kể các hàng quán bán vỉa hè, lề đường cũng phản ứng với mình. Rồi những người đi bộ, xe máy, khuân vác hàng hóa cũng bị cản trở do vỉa hè đã bị chiếm hết.

Không chỉ riêng tôi mà ai có ôtô phải vào trung tâm đều khó khăn vậy. Thiệt khổ đủ đường.

Bà NGUYỄN THỊ HOA (kinh doanh tạp hóa trên đường Trần Phú, Đà Nẵng):

Cần phải cấm ôtô đậu dưới lòng đường

Đậu xe trước hàng quán, người kinh doanh bị thiệt hại là đương nhiên. Khách muốn ghé cửa hàng mua sắm mà nhìn thấy ôtô đậu trước mặt thì tâm lý rất ngại vào nên thường đi luôn, tìm hàng quán khác. Những người có ý thức thì chỉ cần nhắc nhở nhẹ là tự đánh xe đi, người vô ý thức bị nhắc nhở còn cự cãi lại rất phiền, họ không hiểu làm vậy là người kinh doanh bị ảnh hưởng rất lớn.

Theo tôi, chính quyền nên cấm ôtô đậu đỗ dưới mặt đường bởi đường là để đi. Đậu xe trên đường ngoài ảnh hưởng việc kinh doanh còn gây nguy hiểm cho xe cộ trên đường. Thay vào đó, có thể mở những bãi đỗ xe trong thành phố cho ôtô có chỗ đậu tập trung, lại vừa đảm bảo mỹ quan đô thị.

Bà A.H. (chủ một cửa hàng thời trang trên đường Trần Huy Liệu, Q.Phú Nhuận, TP.HCM):

Tùy trường hợp mà ứng xử

Cửa hàng tôi gần quán bán đồ ăn sáng, lâu lâu mở cửa ra thấy nguyên chiếc xe hơi đậu chình ình trước cửa là biết của khách ghé ăn sáng. Mặc dù trong lòng khó chịu nhưng chỗ hàng xóm với nhau, mình cũng là người kinh doanh nên đành qua nói nhỏ nhẹ với chủ quán kêu khách đậu xe chỗ khác hoặc đậu theo kiểu 50/50 - đầu xe bên quán kia, đuôi xe bên cửa hàng mình.

Mấy chuyện đậu xe bừa bãi khiến mình bực bội thật nhưng đường sá nhỏ, cửa hàng san sát nhau nên cũng tùy trường hợp mà ứng xử, chứ mình làm khó nhà kế bên thì đến khi mình có khách đi xe hơi tới mua đồ, người ta sẽ làm khó lại.

Ông Nguyễn Văn Tài (chủ quán cà phê trên đường Cống Quỳnh, Q.1, TP.HCM):

Làm căng với nhau không giải quyết được gì

Nhiều người đi xe hơi, taxi nhưng đậu xe không ngó trước ngó sau, đậu tùm lum, tôi buôn bán lu bu mà hở chút phải chạy ra nhắc họ kiếm chỗ khác đậu. Biết là họ cũng khó khăn tìm chỗ đậu xe, nên thỉnh thoảng bác tài nào xin cho đậu nhờ chút mình cũng thông cảm.

Nhưng xe đậu trước quán như vậy, khách ra về lấy xe hay khách muốn ghé vào quán cũng khó vì không có lối lên. Vấn đề này tôi nghĩ tùy thuộc vào quy hoạch bãi đậu xe của thành phố. Mình làm căng với nhau không giải quyết được gì, ai cũng có cái khó riêng.

ÁI NHÂN - KIM ANH - TẤN LỰC ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên