12/03/2016 18:08 GMT+7

"Bác sĩ chúng tôi mất 40% thời gian cho vở sạch chữ đẹp"

BS TĂNG HÀ NAM ANH
BS TĂNG HÀ NAM ANH

TTO - Ở nước ngoài, bác sĩ đều có lực lượng thư ký y khoa giúp từ thủ tục giấy tờ bệnh án, bảo hiểm y tế đến liên hệ đồng nghiệp. Tại Việt Nam, bác sĩ chúng tôi làm ráo trọi.

Một bác sĩ ở New Zealand đang tuyển người làm phụ lương gần 6 tỉ đồng/năm nhưng không ai nhận - Ảnh: medicaldaily.com
Một bác sĩ ở New Zealand đang tuyển người làm phụ, lương gần 6 tỉ đồng/năm nhưng không ai nhận - Ảnh: medicaldaily.com

​Y tế đang có những vấn đề nổi cộm như quá tải, thuốc men, trình độ chuyên môn… Bác sĩ bị "đứng mũi chịu sào" nhưng ai đã biết sự thật ra sao....Thật vậy, hãy xét từng vấn đề một chúng ta sẽ thấy vai trò của bác sĩ trong từng trường hợp là hết sức mờ nhạt, nếu không muốn nói là không phải trách nhiệm của bác sĩ.

Ai cũng biết bác sĩ là người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân. Công việc hằng ngày của một bác sĩ là làm sao điều trị cho bệnh nhân mau hết bệnh hoặc làm giảm nhẹ nỗi đau bệnh tật cho người bệnh.

Với mục tiêu tối thượng như vậy, người bác sĩ phải vận dụng hết kiến thức đã học hỏi hằng ngày qua sách vở, thầy cô, đồng nghiệp, vận dụng mọi nguồn lực họ có bao gồm thuốc men, vật tư trang thiết bị y khoa... vào công việc cứu chữa người bệnh. Việc bệnh nhân quá tải ở các bệnh viện là vấn đề tầm nhìn của các lãnh đạo.

Mỗi bác sĩ tự họ không chịu trách nhiệm về việc bệnh viện bị quá tải do người bệnh tín nhiệm đổ về điều trị. Sự quá tải dẫn đến người bệnh phải chờ lâu và được khám nhanh, nằm ghép đó là do những sai lầm về chính sách đã không được nhìn nhận nghiêm túc theo thời gian. Tự mỗi bản thân bác sĩ không ai muốn quá tải để phải làm quá nhiều mà việc này có ảnh hưởng đến chất lượng điều trị.

Những giải pháp như bắt tăng giờ làm của nhân viên y tế chỉ gây ra nguy cơ tiềm ẩn về biến chứng điều trị do nhân viên y tế bị quá tải mà về lâu dài không giải quyết được vấn đề quá tải.

Xét đến góc độ sử dụng thuốc hay vật tư tiêu hao, dường như việc sử dụng thuốc biệt dược hay dụng cụ tiêu hao đắt tiền lại được quy kết cho bác sĩ. Người bác sĩ như một người lính, khi xung trận họ cần có vũ khí tốt nhất để nắm chắc phần thắng nhằm giành giật mạng sống cho bệnh nhân từ tay tử thần.

Họ cần những loại thuốc tốt nhất đã được chứng minh trên các nghiên cứu trên người, những loại thuốc mà hiệu quả đã được chứng minh một cách khoa học theo thời gian, những dụng cụ tiêu hao đã được các cơ quan thẩm quyền uy tín nhất trên thế giới này công nhận.

Việc một bệnh nhân không đủ tiền sử dụng thuốc hay dụng cụ để chữa bệnh là vai trò của nhà nước. Làm sao để cung cấp hay cho lưu hành thuốc đủ chất lượng điều trị với giá hợp lý để bác sĩ kê toa là việc của các cơ quan có thẩm quyền.

Trong một thế giới phẳng như hiện nay thì các công ty dược hay dụng cụ đa quốc gia không bao giờ dám có chiết khấu cho bác sĩ vì họ sẽ bị đối thủ cạnh tranh kiện đến sạt nghiệp như chơi. Mặt khác, nếu không có những nghiên cứu sáng chế ra các thuốc mới, dụng cụ mới của các công ty dược đa quốc gia thì cũng chẳng bao giờ có được hàng nhái để dùng.

Những hội nghị khoa học để các bác sĩ đến học hỏi chia sẻ kinh nghiệm điều trị sẽ chẳng bao giờ có thể được tổ chức. Việc người nghèo làm sao được dùng thuốc để điều trị hết bệnh là vai trò của nhà nước và bảo hiểm xã hội. Không nên đánh đồng vai trò điều trị của bác sĩ với sự giàu nghèo của bệnh nhân vì điều đó sẽ làm đào sâu hố ngăn cách trong mối quan hệ bác sĩ - bệnh nhân.

Ở những nước phát triển, bệnh nhân nghèo sẽ được nhà nước miễn phí điều trị các bệnh nặng, bệnh càng nặng thì mức độ miễn phí càng cao. Tiền thuế của dân sẽ được dùng vào việc này.

40% thời gian của bác sĩ VN để trau chuốt bệnh án, bảo hiểm 

Công việc ở bệnh viện của bác sĩ là điều trị bệnh nhân. Các công việc hành chính khác bao gồm việc trau chuốt bệnh án theo kiểu vở sạch chữ đẹp là vai trò của thư ký y khoa.

Ở nước ngoài hay các bệnh viện có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam, tất cả các trưởng phó khoa hay bác sĩ đều có lực lượng thư ký y khoa giúp họ thực hiện các thủ tục giấy tờ liên quan đến bệnh án, đến bảo hiểm y tế, đến các đồng nghiệp có liên quan.

Tại Việt Nam, các bác sĩ làm hết. Ước chừng 40% thời gian của bác sĩ là để làm hành chính thay vì dành thời gian đó cho bệnh nhân. Lỗi này cũng không phải do bác sĩ. Từ lâu các nước khác đã nhận ra điều đó và họ đã có lực lượng thư ký y khoa. Ở Việt Nam, chỉ mới một vài bệnh viện tư nhân hay nhà nước làm được chuyện này. Lỗi này một lần nữa không phải của bác sĩ.

Những phân tích trên đây nhằm mục đích giúp cho mọi người hiểu rõ vai trò của từng người trong quy trình điều trị cho bệnh nhân. Chúng ta cần tránh thái độ việc gì sai cũng quy kết cho bác sĩ. Điều này vô hình trung tạo hố ngăn cách giữa thầy thuốc và bệnh nhân và hệ quả là người dân sẽ mất lòng tin vào bác sĩ. Một khi lòng tin đã mất thì việc điều trị khó mà thành công và nó sẽ tạo thành vòng luẩn quẩn không lối ra.

BS TĂNG HÀ NAM ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên