09/03/2016 10:29 GMT+7

Tạo “phản xạ mang tính luật pháp”

LÊ MINH TIẾN
LÊ MINH TIẾN

TT - Chuyện chỉ có một số ít bạn trẻ cho rằng cần chủ động nắm luật (như khảo sát “Đụng chuyện mới tìm hiểu luật” trên Tuổi Trẻ ngày 7-3) là điều bình thường trong bối cảnh xã hội mà chúng ta đang sống.

Trước hết, cần phải xem các bộ luật mà chúng ta ban hành đã được viết như thế nào, liệu chúng có dễ hiểu với mọi tầng lớp dân chúng hay không và liệu từng điều khoản trong luật có cùng một cách hiểu hay nhiều cách hiểu khác nhau...

Khi tìm hiểu về những vấn đề này, chúng ta sẽ thấy thật khó để người dân bình thường có thể chủ động tìm hiểu để nắm rõ luật, bởi hiện nay đang tồn tại một sự thật là cùng một điều luật nhưng lại có nhiều cách hiểu, cách suy diễn khác nhau tùy từng địa phương hay từng vụ việc. Như vậy, làm sao người dân có thể tự mình tìm hiểu và vận dụng luật và có gì đảm bảo rằng cách hiểu của họ là đúng?

Mặt khác, trong xã hội của chúng ta hiện nay khi gặp bất cứ một vấn đề nào thì hình như giải pháp đầu tiên là người dân nhờ đến các mối quan hệ xã hội, mà cụ thể là nhờ vào sự quen biết để giải quyết các vấn đề mà mình gặp phải chứ không phải là luật.

Tại sao như vậy? Bởi khi dùng các mối quan hệ xã hội thì các vấn đề được giải quyết nhanh hơn, hiệu quả hơn, ít tốn chi phí hơn là dùng đến các thủ tục pháp lý. Hệ quả là người dân dần dần không dùng đến luật pháp nữa mà dùng đến các kiểu quan hệ xã hội để giải quyết các vấn đề của mình.

Một xã hội mà các mối quan hệ xã hội có hiệu năng hơn các thủ tục pháp lý thì việc không cần tìm hiểu luật lệ và ứng xử theo luật là điều không có gì khó hiểu cả. Một xã hội mà người ta còn giải quyết vấn đề chỉ cần qua thư tay hay các cuộc gọi điện thoại thì việc sử dụng luật lệ là không cần thiết.

Cuối cùng, chúng ta đang thấy có quá nhiều sự việc làm sai luật lệ nhưng vẫn không bị xử lý hoặc xử lý theo kiểu “phạt cho tồn tại” mà điển hình là những sai phạm trong lĩnh vực xây dựng. Khi phạt cho tồn tại những hành vi vi phạm pháp luật thì điều này đã làm xói mòn lòng tin vào hiệu lực của pháp luật, và khi ấy người ta cũng thấy không còn cần thiết phải hiểu, làm theo luật lệ nữa.

Thế nên, điều quan trọng không phải là người dân có chủ động tìm hiểu luật hay không mà quan trọng là làm sao cho người dân có “phản xạ mang tính luật pháp” mới là quan trọng, tức là xã hội phải thiết kế sao cho khi gặp bất cứ vấn đề gì thì suy nghĩ đầu tiên của người dân là phải nghĩ đến luật pháp trước chứ không phải là sự thân quen hay tiền bạc và quyền lực.

Chỉ khi nào ta tạo được cái phản xạ đó thì may ra mới có một xã hội sống và làm việc theo pháp luật được.

LÊ MINH TIẾN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên