26/02/2016 08:58 GMT+7

Chặn phá rừng nhờ... Facebook

HỮU KHÁ - TRƯỜNG TRUNG
HỮU KHÁ - TRƯỜNG TRUNG

TT - Chỉ đến khi các thành viên của tổ chức bảo vệ voọc trên bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) lên tiếng trên Facebook thì sự việc mới vỡ lở.

Đến chiều 25-2, lán trại xây dựng trái phép ở tiểu khu 62, bán đảo Sơn Trà (TP Đà Nẵng) đã được tháo dỡ - Ảnh: Trường Trung
Đến chiều 25-2, lán trại xây dựng trái phép ở tiểu khu 62, bán đảo Sơn Trà (TP Đà Nẵng) đã được tháo dỡ - Ảnh: Trường Trung

“Để vụ việc xảy ra có một phần trách nhiệm của chúng tôi nhưng cũng có một phần trách nhiệm của kiểm lâm quản lý địa bàn. Qua vụ việc này, tôi đã kiến nghị làm rõ, xử lý trách nhiệm của ông Phan Văn Khoa (kiểm lâm địa bàn) không kiểm tra, giám sát để xảy ra vụ việc

Ông Võ Đình Công (chủ tịch UBND P.Thọ Quang, Q.Sơn Trà, TP Đà Nẵng)

Sau khi kiểm tra vụ xâm hại rừng Sơn Trà, chính quyền Đà Nẵng đã cho tháo dỡ lán trại, xử lý vi phạm và cam kết sẽ không có trường hợp tương tự tái diễn vì đây là khu vực nhạy cảm do có đàn voọc quý hiếm sinh sống.

Vụ phá rừng làm đường trái phép tại bán đảo Sơn Trà, P.Thọ Quang, Q.Sơn Trà (TP Đà Nẵng) được phát hiện ngày 25-2. Điều đáng nói, khu vực bị phá cách trạm kiểm lâm không xa nhưng lực lượng này vẫn không hề hay biết. Chỉ đến khi các thành viên của tổ chức bảo vệ voọc trên bán đảo Sơn Trà lên tiếng trên Facebook thì sự việc mới vỡ lở.

Mở đường vào rừng, kiểm lâm không biết

Ngày 25-2, chúng tôi có mặt tại khu vực rừng bị chặt phá thuộc tiểu khu 62, bán đảo Sơn Trà. Đây là khu vực rừng được giao cho ông Nguyễn Văn Tâm (P.Thọ Quang) quản lý. Từ con đường bêtông vòng quanh đảo, một con đường rộng khoảng 1,7m được mở xuống phía dưới kéo dài khoảng 300m. Xung quanh con đường này, khoảng 4ha rừng bị phát các dây leo và cây nhỏ.

Riêng khu vực lán trại rộng khoảng 50m2 ở cuối đường, các loại cây được chặt để làm một trại lợp tôn cho công nhân ở. Khu vực trại này còn có đường ống dẫn nước suối và khu nấu ăn cho công nhân phát rẫy.

Ông M.N.H. (xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam), một người phát rừng ở đây, cho biết ông và bảy người cùng quê khác được người ta thuê xuống đây dọn các bụi cây rừng đã được phát khô. “Chúng tôi xuống đây ngày 23-2 thì thấy đã có đường và cái lán này rồi. Chủ thuê bảo bọn tôi dọn hết các bụi dây leo khô rồi chất thành đống chứ không được đốt vì đây là khu vực rừng phòng hộ. Chúng tôi không biết họ phát khi nào, chủ nói dọn sạch rồi đào hố trồng cây” - ông H. cho biết.

Đến chiều 25-2, lán trại này đã được tháo dỡ. Toàn bộ khu vực bị phát quang đã được trồng khoảng 300 loại cây huỳnh đàn và mít. Có mặt tại hiện trường, ông Nguyễn Điểu, giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường TP Đà Nẵng, nhìn nhận để phá đá, mở được con đường dài hơn 300m này ít nhất phải mất hơn một tháng.

“Khu vực này gần đường lớn nhưng không bị phát hiện là do họ để nguyên các bụi, lùm phía trước che mắt. Ngoài ra, việc mở đường được thực hiện thủ công chứ không dùng máy móc nên khó phát hiện” - ông Điểu nói.

Cũng trong chiều 25-2, Hạt kiểm lâm Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn đã tổ chức cuộc họp để làm rõ trách nhiệm của cá nhân liên quan và họ đã thừa nhận để xảy ra vụ việc là do kiểm lâm địa bàn thiếu kiểm tra, không quản lý sát sao địa bàn.

Không để tái diễn

Chiều 25-2, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Võ Đình Công - chủ tịch UBND P.Thọ Quang (Q.Sơn Trà) - cho biết ngày 25-2 có hàng chục cơ quan của TP như các sở Tài nguyên - môi trường, Xây dựng, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Văn phòng Thành ủy... đã đến hiện trường để xác minh vụ việc.

Theo ông Công, diện tích rừng bị xâm hại là của ông Nguyễn Văn Tâm (trú tại P.Thọ Quang) quản lý. Đây là diện tích rừng sản xuất. Trước đây, diện tích đất rừng này thuộc sự quản lý của Hạt kiểm lâm Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn.

Tuy nhiên, từ cuối năm 2015, theo quy định của Chính phủ, diện tích đất đó được bàn giao cho phường quản lý theo thẩm quyền. Đến nay, số diện tích đất rừng ở Sơn Trà, phường nhận bàn giao từ kiểm lâm là 1.027ha.

“Nhưng hiện nay chúng tôi mới nhận bàn giao tổng thể đất chứ chưa nhận bàn giao hiện trạng đất của từng hộ. Theo quy định, nếu hộ dân tiến hành sản xuất hay làm gì ở trên đất rừng thì phải làm báo cáo để phường biết rồi trình lên kiểm lâm phê duyệt. Tuy nhiên, ở đây người dân lại tự ý thuê người vào rừng dựng lán trại rồi xâm hại đến rừng mà không xin phép. Chúng tôi cam kết sẽ không để vụ việc tương tự tái diễn” - ông Công nói.

Theo ông Công, khi kiểm tra khu vực vi phạm đã phát hiện người dân dựng lên một lán trại trên khu đất. “Họ còn chặt một số cây nhỏ và cây dây leo, mở rộng đường mòn thành một con đường có chiều dài khoảng 300m.

Sau khi kiểm tra, chúng tôi đã cho tháo dỡ ngay lán trại, yêu cầu công nhân rời khỏi hiện trường. Đồng thời yêu cầu cá nhân vi phạm phải trồng lại số cây đã bị chặt phá, xử lý hành vi xâm hại rừng, nếu trong vòng 15 ngày cá nhân vi phạm không hoàn thành các cam kết sẽ đề nghị UBND quận ra quyết định thu hồi toàn bộ đất đã giao khoán” - ông Công nói.

Theo ông Công, nếu nói khu vực trên có voọc chà vá ở thì không hoàn toàn chính xác. “Bởi loại voọc có tính di chuyển thường xuyên, nơi nào có thức ăn thì nó thường hay lui tới. Đặc biệt là các khu vực người dân trồng cây ăn trái thì voọc thường tới ăn”.

Ông Công cho biết sắp tới sẽ kiến nghị với TP để có hướng dẫn cho người dân khi tham gia sản xuất trên khu vực đất rừng đã được giao khoán. Ngoài ra, nên quy định một số loại cây trồng trên rừng Sơn Trà cho phù hợp, chứ hiện nay người dân trồng rất nhiều cây bạch đàn, keo - những loại cây này không tốt vì nó hút hết nước, ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh sống của các loài thú quý hiếm.

HỮU KHÁ - TRƯỜNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên