14/02/2016 17:46 GMT+7

Khi ly rượu mừng thành ly rượu độc

Q.KHẢI - M.HOA - X.DIỆU ghi
Q.KHẢI - M.HOA - X.DIỆU ghi

TT - Mỗi độ tết đến, xuân về là dịp bạn bè, người thân, hàng xóm nâng ly chúc tụng nhau. Ly rượu mừng khi quá đà dễ thành ly rượu độc. Làm sao giữ mình trước vấn nạn lạm dụng rượu bia? Tuổi Trẻ trích đăng một số ý kiến.

* Ông Cao V.H. (cha bệnh nhân Cao T.V., 20 tuổi, quê Bến Tre, đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy):

Làm khổ cả nhà

Con tôi làm công nhân tại Mỹ Tho, 28 tết mới về. Hôm mùng 5 nó với mấy người bạn ngồi nhậu ở nhà. Tới tối, nó lấy xe xin ra ngoài chơi. Mình nghĩ thương con, đi làm vất vả cả năm được mấy ngày tết cũng nên đi chơi cho thoải mái.

Biết là nó có uống chút rượu rồi, nhưng nhắm thấy nó cũng còn tỉnh táo nên tui mới đồng ý cho đi. Lúc sau thì có người điện báo nó đụng trúng một bà đi bộ, người ta đang đưa cả hai đi cấp cứu rồi.

Nó bị chấn thương sọ não, cứ nằm yên như thế từ lúc nhập viện, không nhúc nhích gì. 3g sáng, vợ chồng tui phải thuê xe cứu thương chở nó lên Sài Gòn, vô thẳng Bệnh viện Chợ Rẫy.

Tới giờ này nó vẫn chưa tỉnh. Nó mới đi làm, chưa được đóng bảo hiểm nên từ hôm giờ cũng tốn tiền, vừa ra tết mà vợ chồng tui phải đi vay mượn của bà con mỗi người một ít để lo cho nó.

* TS tâm lý Đinh Phương Duy:

Bản lĩnh là đừng để mình say

Dịp lễ tết khó tránh khỏi chuyện “chén chú chén anh” và trong các cuộc vui như vậy, người ta khích bác, ép nhau “cạn ly cho đong đầy nghĩa tình huynh đệ” hay chứng tỏ “nam vô tửu như kỳ vô phong”.

Uống rượu bia là nét văn hóa trong đời sống người Việt từ nhiều đời, nhưng việc uống đến nỗi không còn biết gì là một thói quen xấu cần thay đổi cho phù hợp.

Trong cuộc vui có mùi rượu bia, người bản lĩnh phải là người nhìn ra giá trị của mình, phải biết ngưỡng giới hạn khả năng rượu bia của mình và từ chối khi bạn bè, đồng nghiệp ép ta vượt qua giới hạn này, chứ không phải bản lĩnh ở chỗ uống nhiều hay ít.

Xét cho cùng rượu bia cũng là chất kích thích, khi người ta lạm dụng, sử dụng vượt quá khả năng cho phép của mỗi người có thể dẫn đến không làm chủ được cảm xúc, bản thân.

Nó không chỉ là nguyên nhân nhiều vụ tai nạn giao thông thương tâm, không chỉ gây mất tình nghĩa bạn bè, đồng nghiệp mà có thể là bi kịch tù tội với những người thân thiết trong gia đình.

Vấn đề này không phải mới, ai cũng biết nhưng không phải ai cũng “giữ mình” được trước cám dỗ “ma men”, đặc biệt là giới trẻ - dễ bốc đồng, nổi loạn.

Để thói quen, nét văn hóa chưa hay này thay đổi không chỉ dựa vào việc tuyên truyền, mà cần có sự định hướng quyết liệt hơn bằng quy định cụ thể. Cần những quy định ở cấp nhà nước, cấm cán bộ, công chức uống rượu bia trong giờ làm việc, buổi trưa...

Thậm chí có thể chỉ cho phép bán rượu bia vào một số ngày nhất định trong tuần. Việc này khó, nhưng tôi tin với mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng và nhiều vấn đề khác thì chủ trương ban hành quy định về chống lạm dụng bia rượu sẽ nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân.

* Ông Nguyễn Ngọc Tường (phó Ban an toàn giao thông TP.HCM):

Đừng tỉ thí kiểu “chơi tới bến”

Trong các dịp lễ tết, tỉ lệ tai nạn giao thông do rượu bia chiếm 60-70%. Cũng vì do uống rượu bia nhiều, không làm chủ được chính mình nên nhiều người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm tốc độ, vượt đèn đỏ, lấn làn...

Nhiều người sau khi uống rượu bia cho rằng mình không say nên vẫn ôm vô lăng, vẫn chạy xe máy.

Bản thân tôi trong dịp tết về quê thăm hỏi bạn bè, họ hàng... cũng cảm nhận được tình trạng lạm dụng rượu bia có chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn rất nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, vẫn bốc đồng, vào các cuộc vui thường hay ép nhau, khiêu khích nhau uống rượu bia theo kiểu “chơi phải tới bến”.

Tôi nghĩ trong các cuộc vui mỗi người cần tự nhìn lại để hành xử cho đúng, đừng để sau cuộc vui là nỗi buồn cho chính mình, cho người thân, gia đình và người khác.

Q.KHẢI - M.HOA - X.DIỆU ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên