Ông Nguyễn Sĩ Dũng - Ảnh: V.D.
|
Vậy đâu là lực đẩy cho cỗ xe đổi mới đất nước tiếp tục lăn bánh? Báo Tuổi Trẻ đã phỏng vấn ba chuyên gia Lê Quốc Lý (phó giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), Nguyễn Sĩ Dũng (phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội) và Đậu Anh Tuấn (trưởng ban pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp VN).
* Đất nước đang trong giai đoạn chuyển giao nhiệm kỳ. Điều gì khiến ông quan tâm nhất trong đời sống chính trị đất nước vào thời điểm này?
- TS Nguyễn Sĩ Dũng: Tôi quan tâm nhất là những đột phá về tư duy xuất hiện trong các dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng XII. Đây quả thật là những cánh én đầu mùa báo hiệu một thời kỳ phát triển mới đang đến với đất nước ta.
Tư tưởng coi kinh tế tư nhân là động lực để phát triển quả thật là một sự đột phá. Nó sẽ là kim chỉ nam cho những cố gắng cải cách và chấn hưng đất nước của những nhà lãnh đạo thế hệ mới. (Thế hệ mới thì không nhất thiết phải là trẻ, mà nhất thiết phải có tư duy đổi mới). Định hướng đúng chắc chắn sẽ dẫn đến thành công. Tất nhiên, chúng ta hiểu, những khó khăn, thử thách trên con đường biến kinh tế tư nhân trở thành động lực quả thật còn không phải là ít.
* Trong quan sát của ông, đâu là tín hiệu đáng mừng, tín hiệu đáng lo?
- Tín hiệu đáng mừng không ít. Trước hết, đó là những đột phá tư duy như đã nói ở trên. Thứ hai là sự cởi mở hơn trong những tranh luận về cải cách và định hướng phát triển. Có vẻ như sự quy kết, sự chụp mũ không còn là một cái gì đó quá nặng nề trong xã hội ta. Ba là, những chuẩn mực của quốc tế được chấp nhận ngày càng nhiều hơn. Ví dụ, chúng ta có cả một chương về quyền con người trong Hiến pháp năm 2013. Mới đây, quyền của công nhân thành lập tổ chức của mình cũng đã được công nhận...
Tín hiệu đáng lo lắng, rất tiếc, cũng không phải là ít. Trước hết, đó là sự bất cập của nền quản trị quốc gia so với những đòi hỏi của thời kỳ hội nhập và cạnh tranh toàn cầu. Chúng ta bị đóng khung trong hệ chuẩn cũ quá lâu, nhiều khi không cho phép chúng ta thiết kế một chương trình cải cách mạch lạc, thông suốt. Hậu quả là chúng ta đang vươn ra biển lớn trên một con tàu mà nhiều máy móc, thiết bị được mua sắm đã từ rất lâu trong thế kỷ trước.
* Một trong những thành tố của chủ đề Đại hội XII là “đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới”. Theo ông, “lực đẩy” cho công cuộc đổi mới giai đoạn tới sẽ là gì?
- Lực đẩy cho công cuộc đổi mới trước hết là ước vọng của trên 90 triệu người dân Việt Nam đang có cuộc sống ngày một khấm khá hơn, đang được hưởng các quyền tự do ngày một nhiều hơn. Sau đó, áp lực của hội nhập, của những cam kết quốc tế cũng là một nguồn lực đẩy rất quan trọng. Một nguồn lực đẩy khác cũng quan trọng không kém là sự dấn thân của những nhà lãnh đạo có tư duy cải cách ở trong Đảng và Nhà nước ta.
* Bên cạnh những thành tựu của 30 năm đổi mới, một trong những hạn chế thường được các nhà lý luận nêu ra là “đổi mới hệ thống chính trị chưa đồng bộ với đổi mới kinh tế”. Vậy theo ông, lực cản của đổi mới có phải là tư duy cũ, là “nhóm lợi ích” hay là những nguyên nhân nào khác?
- Hỏi cũng chính là trả lời. Câu hỏi của bạn đã cung cấp hai loại lực cản chủ yếu. Đó là tư duy cũ và “lợi ích nhóm”. Còn một lực cản khác nữa là sự thiếu hụt về năng lực để đổi mới, thiếu hụt động lực phục vụ nhân dân... Nếu chúng ta chỉ biết xào nấu lại lý luận xưa cũ thì không thể đổi mới được. Để đổi mới, chúng ta cần phải có tư tưởng mới, tri thức mới.
Ông Đậu Anh Tuấn - Ảnh: D.A.
|
* Ông Đậu Anh Tuấn:
Người lãnh đạo phải truyền được cảm hứng mới
Sự phát triển của một tổ chức từ doanh nghiệp, địa phương, tỉnh thành cho đến quốc gia luôn gắn liền với dấu ấn cá nhân của người đứng đầu, đó là điều không thể khác. Hơn bao giờ hết, quá trình đổi mới ở nước ta đang trông chờ vào những cá nhân lãnh đạo vượt lên được những tư duy cũ, đem đến cách làm mới và truyền được cảm hứng mới.
Tầm nhìn, kỹ năng và trái tim của người đứng đầu đảm bảo vượt qua những khó khăn. Bởi vì bất cứ sự đổi thay nào không thể tránh được có những cái giá phải trả. Quá trình cải cách, thay đổi của nước ta chắc chắn cũng thế, không thể tránh khỏi sự va chạm.
Làm sao có thể cải cách đầu tư công thành công nếu không cắt giảm và thay đổi cách chi tiêu như hiện nay mà không làm rất nhiều người mất lòng? Chắc chắn không thể cải cách hành chính, tạo ra bộ máy hành chính chuyên nghiệp nếu không cắt giảm mạnh biên chế vốn rất cồng kềnh, không hiệu quả và dũng cảm thay đổi cách vận hành nó...
Như cựu thủ tướng Anh Tony Blair có phát biểu tại Việt Nam rằng “cải cách mà không ai phản đối là cải cách tồi”. Nhưng ai là người vượt qua được các rào cản này nếu không phải là những cá nhân người đứng đầu có đủ quyền lực, bản lĩnh, sự dấn thân và dám chịu rủi ro.
Tôi cho rằng có lẽ điều cản trở nhất cho quá trình thay đổi ở ta là tư duy và hành xử nhiệm kỳ khiến những cá nhân lãnh đạo khó có thể đủ quyền hạn để triển khai trọn vẹn ý tưởng của mình và nhận lãnh trách nhiệm khi thất bại. Môi trường hiện tại dường như không cổ vũ những ai tiên phong, năng động, có sáng kiến. Người được chọn lại là những cá nhân “tròn tròn”, không va chạm và luôn tránh không để mất lòng ai.
Thành quả cải cách ở nước ta đang phụ thuộc nhiều vào sự dấn thân của những nhà lãnh đạo có tư duy cải cách ở trong Đảng và trong bộ máy Nhà nước.
Ông Lê Quốc Lý - Ảnh: V.V.T. |
* PGS.TS Lê Quốc Lý:
Dứt khoát từ bỏ những nếp nghĩ cũ
Ngày hôm nay đi từ thành thị đến đồng quê, ai cũng thấy sau 30 năm đổi mới bộ mặt đất nước đã có những đổi thay ngoạn mục, có ý nghĩa lịch sử. Tuy nhiên, nhìn vào các khó khăn, hạn chế và trong so sánh với các nước xung quanh, chúng ta nhận ra rằng động lực mà những cải cách trước đây tạo ra đã không còn đủ mạnh để thúc đẩy phát triển. Đã đến lúc chúng ta cần có thêm động lực bằng việc “đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới”.
Trong đó, cần đẩy mạnh đổi mới hệ thống chính trị đồng bộ với đổi mới kinh tế, đưa năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị lên ngang tầm nhiệm vụ và thời đại. Đổi mới chính trị ở đây không phải là từ bỏ mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, mà là làm cho chủ nghĩa xã hội được nhận thức đúng đắn, sâu sắc hơn và được xây dựng có hiệu quả hơn.
Trong quá trình này chúng ta phải tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, vận dụng kinh nghiệm quốc tế phù hợp với Việt Nam. Các học giả trên thế giới đã đúc kết rằng đối với sự thành bại của một quốc gia thì yếu tố thể chế đóng vai trò quyết định. Chúng ta phải đổi mới thể chế (thể chế kinh tế và thể chế chính trị) để có một Đảng mạnh, Nhà nước hiệu quả và thị trường năng động, đó chính là con đường đi đến thịnh vượng.
Ngay cả những vấn đề phát sinh trong đời sống hằng ngày, chẳng hạn như những biểu hiện tiêu cực của một số cán bộ trước khi về hưu, những cách bổ nhiệm nhân sự ưu ái cho con em, người thân không đủ chuẩn chất ở nơi này nơi khác... đều phải được ngăn chặn, đẩy lùi bằng thể chế, chính sách, bằng chế tài nghiêm khắc.
Cuộc sống luôn phát triển và đòi hỏi tư duy luôn cần được đổi mới bắt nhịp với cuộc sống. Chúng ta cần đổi mới hơn nữa trong tư duy với phương châm: học mọi cái khôn, cái tốt của nhân loại để dựng xây đất nước. Huy động mọi nguồn lực của nhân loại để làm giàu đất nước. Sử dụng mọi sức mạnh của nhân loại để bảo vệ đất nước.
Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới còn được hiểu là đổi mới mạnh mẽ từ tư duy đến hành động. Đã đến lúc dứt khoát từ bỏ những nếp nghĩ cũ, từ bỏ cách hành xử theo lối mòn để đi trên con đường đổi mới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận