31/10/2015 09:57 GMT+7

Giải mã kẹt xe Sài Gòn: Người dân phản biện chuyên gia

VÕ HƯƠNG
VÕ HƯƠNG

TTO - Nhiều bạn đọc cho rằng câu chuyện các chuyên gia góp ý TP nên huy động các nguồn vốn trong nước, kể cả đi vay để làm khu đô thị mới hay tổ chức nhiều tuyến xe buýt nhanh là tầm nhìn rất xa...

Nâng cao chất lượng phục vụ để thu hút hành khách đi xe buýt - Ảnh: T.T.D.

Nhiều bạn đọc cho rằng câu chuyện các chuyên gia góp ý TP nên huy động các nguồn vốn trong nước, kể cả đi vay, để đầu tư tạo ra ít nhất một trung tâm mới cực kỳ sầm uất, hoành tráng, đủ tạo ra sự đối trọng với trung tâm Sài Gòn hiện hữu nhằm chia sẻ dòng người dồn về trung tâm TP như hiện nay. Và trung tâm đó có thể ở khu đô thị mới Thủ Thiêm chỉ là tầm nhìn vĩ mô của 20-30 năm nữa.

Như vậy xem ra bài toán giải quyết kẹt xe trước mắt vẫn chưa có lối ra.

Có nên phát triển quá nhiều xe buýt nhanh?

Các chuyên gia đề nghị đến trước năm 2020 phải có 20 tuyến xe buýt nhanh, sau năm 2020 thêm năm tuyến.

Có bạn đọc cho rằng trước mắt triển khai trước 4 tuyến BRT theo các hướng đông tây, nam bắc, đông bắc tây nam và đông nam tây bắc nhằm tạo trục giao thông xương sống, liên kết các tiểu vùng của Sài Gòn một cách nhanh nhất.

Chắc chắn là có tốn tiền giải phóng mặt bằng để xây dựng các con đường 12-14 làn xe để đáp ứng khả năng lưu thông, có thể kiếm lại được nhanh hơn chi phí metro. Khi có nhiều tiền hơn sẽ làm metro theo quy hoạch. Các TP phát triển trên thế giới cũng phải giải tỏa nhà để có đường trục rộng hơn.

Tuy nhiên, theo hầu hết bạn đọc về phát triển các tuyến buýt nhanh cũng là tầm nhìn xa, chưa giải quyết được vấn nạn kẹt xe trước mắt.

Các bạn đọc cho rằng ở nước ngoài số lượng dân không nhiều, giao thông quy hoạch chặt chẽ, hợp lý nên họ làm thật nhiều tuyến xe buýt nhanh phù hợp. Còn đường sá Việt Nam quá nhỏ, nếu tăng thêm một nhiều tuyến đường có xe buýt nhanh sẽ chiếm hữu thêm 1/3 chiều rộng mặt đường (vì xe buýt nhanh phải có làn đường ưu tiên), chưa chắc ổn với thực trạng đường sá quá nhỏ, quá chật chội như ở Việt Nam hiện nay.

Ngoài ra, đã có số lượng xe buýt cũ hiện cũng đang ưu tiên, hàng loạt xe cứ chạy nối đuôi nhau, có khi vượt nhau dàn hàng ngang, nhiều tuyến đường bị ùn ứ nghiêm trọng như đường Lê Quang Định, Xô Viết Nghệ Tĩnh đoạn từ ngã tư Hàng Xanh về ngã năm Đài Liệt sĩ… một phần do xe buýt.

Xe buýt ở TP.HCM khó đi lại được, giờ cao điểm thì chật chội, thời gian thì eo hẹp.

Dự án tuyến xe buýt nhanh BRT số 1 chạy giữa đường Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ với tổng chiều dài 23km. Bạn đọc đọc Phạm Hoàng Nam Anh góp ý “Hiện nay đã có tuyến xe buýt số 39 chạy trên tuyến đường này (nhưng chỉ chạy từ quận 1 đến bến xe miền Tây), hành khách rất vắng. Không biết mô hình xe buýt nhanh mới triển khai này có làm lượng hành khách tăng lên không? Còn ý tưởng phát triển mô hình này sang các tuyến khác, theo tôi thì hơi khó vì thành phố đa số đường nhỏ hẹp, đâu có mấy con đường nhiều làn xe như đường Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ để có thể ưu tiên một làn cho xe buýt nhanh”.

“Cái gốc của vấn đề là không gian giao thông đã quá chật hẹp, xe buýt nhanh hay xe buýt truyền thống cũng không bao giờ có thể giải quyết được vấn đề căn cơ bởi vì không còn không gian nữa. Xe buýt cũng không bao giờ chứa đầy khách mà có nhiều chỗ trống. Như vậy là càng gây thêm tắc nghẽn. Hãy nghĩ đến chuyện mở thêm không gian ngầm và đường 2, 3 tầng” - một bạn đọc đề xuất.

Xe cộ kẹt cứng từ cầu vượt ngã tư Thủ Đức kéo dài trên đường Lê Văn Việt (P.Hiệp Phú, Q.9, TP.HCM)

Lắp thêm camera, hệ thống loa ở các ngã tư?

Một số bạn đọc cho rằng chúng ta cần lắp nhiều camera và hệ thống loa ở các ngã tư, lập một trung tâm điều khiển giao thông qua camera và hệ thống loa, điều chỉnh lại hệ thống đèn tín hiệu như giữ nguyên đèn xanh và đỏ như hiện nay, còn đèn vàng thì lắp lùi lại khoảng 5m so với hiện nay.

Khi có dấu hiệu kẹt xe, nhân viên trực camera và loa phát tín hiệu cảnh báo, đồng thời lưu các hình ảnh xe cố tình vi phạm để phạt nguội.

Tất cả các xe vi phạm như cố vượt khi đèn đỏ hoặc dừng không đúng làn đường (trước tiên là ôtô) đều được thông báo cho chủ xe trong vòng một tháng phải tự giác nộp phạt, nếu chậm hoặc không nộp thì tính lãi theo lãi suất ngân hàng.

Khi cảnh sát giao thông kiểm tra sẽ tra theo số đăng ký mà thu cho đủ. Hình thức phạt này cần phải phạt nặng và cộng các chi phí phát sinh như thư báo làm sao đủ sức răn đe làm người dân không dám vi phạm.

Khi mua bán xe thì người dân phải kiểm tra kỹ (kiểm tra số xe trên mạng quản lý xe của công an). Người sử dụng xe cuối cùng phải chịu trách nhiệm tất cả về chiếc xe mình sử dụng bằng bất kỳ hình thức nào.

Cũng có ý kiến cho rằng việc sắp làn giao thông ở VN phải phù hợp cho hai loại phương tiện xe máy và ôtô lưu thông. Hiện nay hai loại phương tiện này luôn xung đột tại các trạm dừng, giao lộ, vòng xoay.

Ngoài ra không ít bạn đọc cho rằng cải cách hành chính một dấu một cửa cũng giúp giảm kẹt xe. Ví dụ: một doanh nghiệp đi nộp thuế, đi làm thủ tục BHXH... hay cá nhân đi nộp phạt vi phạm giao thông, đi làm thủ tục mua bán xe, mua bán nhà đất... tất cả mọi việc được giải quyết một cách tốt nhất có thể thì lượng xe lưu thông trên đường sẽ giảm, sẽ bớt kẹt xe.

Chưa kể phải mạnh tay xử phạt hành vi tham gia giao thông thiếu ý thức, xả rác, lấn chiếm lòng lề đường,...

Bạn đọc cũng đề xuất nên thay đổi "múi giờ". Ví dụ giờ hành chính của khối văn phòng phải lệch với giờ học sinh (đi và về) hay giờ làm việc của công nhân phải lệch với học sinh hoặc khối văn phòng...

Và nên phân theo nhóm đối tượng và thay đổi giờ làm việc cho chênh lệch nhau khoảng 45 phút. Cách này sẽ làm xáo trộn sinh hoạt nhưng khi đã quen thì sẽ giải quyết được tắc nghẽn giao thông.

Xa lộ Hà Nội kẹt xe chín giờ. Kẹt xe ở cả hai làn đường trên cầu Rạch Chiếc

Vào giờ cao điểm, người dân khổ sở trên đường đến chỗ làm
VÕ HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên