03/07/2015 10:09 GMT+7

Thương hiệu gạo Việt nổi tiếng toàn cầu

PHẠM THỊ BIÊN THÙY (31 tuổi)
PHẠM THỊ BIÊN THÙY (31 tuổi)

TTO - Việt Nam sẽ có một đội quân doanh nghiệp mạnh mẽ, ổn định và đứng đầu châu Á về xuất khẩu lương thực thực phẩm.

Làm sao để nông dân trồng lúa không chịu thiệt? Câu hỏi này đến giờ vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng - Ảnh tư liệu

Sinh ra và lớn lên ở đồng bằng sông Cửu Long, tôi may mắn được cơ hội đi du học ở Anh. Tôi còn nhớ như in ngày ra sân bay, ba tôi nói: "Ba mẹ sẽ cố gắng làm việc để nuôi con học hành đến nơi đến chốn, ba mẹ chỉ mong con trở thành người có tài có đức, sau này sẽ quay về đóng góp lại cho đất nước, dân mình còn nghèo lắm". 

Hiện tại tôi đã trở thành công dân Anh với việc làm ổn định ở xứ người. Nhưng tôi vẫn không quên mong ước của cha mẹ tôi và cũng là của tôi.

Tôi thành lập công ty xuất nhập khẩu hàng Việt Nam sang Anh. Sản phẩm đầu tiên của tôi là gạo hữu cơ Hoa Sữa và hiện đang tìm thị trường cho sản phẩm thanh long sấy.

Mục đích kinh doanh của công ty rất rõ ràng: chọn lọc thật kỹ những sản phẩm Việt Nam đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, có tác dụng tốt với sức khỏe để xuất khẩu sang Anh dưới một thương hiệu duy nhất. Công ty sẽ đóng góp lợi nhuận của mình vào phát triển công nghệ sạch, khoa học kỹ thuật và giúp đỡ tạo công ăn việc làm cho địa phương góp phần phát triển xã hội.

Sau nhiều ngày tháng tìm hiểu thị trường khi tham dự các hội chợ, triển lãm lương thực thực phẩm, cho người dân Anh thử sản phẩm, tôi biết rằng tiềm năng của sản phẩm Việt Nam ở Anh là rất lớn. Lý do là sản phẩm được chọn ngon, lạ và có giá trị sức khỏe cao. Ẩm thực Việt Nam ngày càng phổ biến vì số lượng người Anh và châu Âu đi du lịch Việt Nam ngày càng tăng.

Hơn nữa, người Anh cũng rất quan tâm đến nguồn  gốc, lịch sử và văn hóa của sản phẩm. Tôi vô cùng bất ngờ khi nhiều người Anh vui mừng khi biết Việt Nam sản xuất được gạo hữu cơ không sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu và không làm hại môi trường.

Trước mắt, tôi hi vọng sẽ nhận được sự giúp đỡ của Nhà nước để giúp tôi xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam chất lượng cao ở Anh trong năm năm tới, từ đó gây dựng một thương hiệu Việt tại châu Âu trong 10 năm tới.

Kỳ vọng của tôi với đất nước cho 20 năm tới là gì?

Việt Nam sẽ có một đội quân doanh nghiệp mạnh mẽ, ổn định và đứng đầu châu Á về xuất khẩu lương thực thực phẩm.

Những đề xuất của tôi

Về phía các doanh nghiệp, rất nhiều doanh nghiệp Việt chỉ quan tâm đến "lượng" và không cần biết gì đến "chất".

Nếu như gạo giá rẻ $395/tấn đang không bán được thì tại sao Myanmar có thể nhập được cả trăm tấn gạo vào châu Âu? 

Vì châu Âu cần gạo ngon và sạch dù giá bán gần $1.000/tấn.

Các chủ doanh nghiệp nên tìm mọi cách để tăng giá trị gia tăng mặt hàng một cách hiệu quả, kiểm soát chặt chẽ các công đoạn để nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân và từng bước khẳng định vị thế của các mặt hàng VN trên trường quốc tế.

Về phía các hiệp hội doanh nghiệp, hội doanh nhân, theo như nghiên cứu và nhận định của rất nhiều người, doanh nghiệp Việt rất kém về liên kết, chia sẻ kinh tế và kỹ thuật. Rất nhiều người sợ khi liên kết sẽ bị tước quyền hay bị ăn cắp công nghệ.

Nhưng rất ít người nhận ra rằng trong bối cảnh kinh tế hiện nay với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt, nếu công ty của bạn không đủ mạnh thì phá sản là chuyện không sớm thì muộn và công nghệ mà bạn nghĩ là chỉ mình có thì thật sự các nước phát triển đã có hết rồi.

"Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao". Câu ca dao này rất đúng, đặc biệt đối với doanh nhân. Không ai có thể thành công một mình, vấn đề ở đây là lựa chọn đối tác như thế nào để cùng nhau phát triển.

Vì vậy, các hiệp hội nên thường xuyên tập hợp những kiến nghị của doanh nghiệp về pháp luật, về cơ chế chính sách; làm cầu nối phối hợp thúc đẩy liên doanh giữa các hội viên trong việc chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm sản xuất, xúc tiến thương mại; tuyên truyền văn hóa kinh doanh tiến bộ.

Về phía các trường đại họ, các trường đại học như Đại học Nông lâm, Đại học Bách khoa với đội ngũ giảng viên và sinh viên đầy tài năng có thể tham gia nghiên cứu, cập nhật và cải tiến công nghệ về sản xuất, tìm giống mới, bao bì, quảng bá tiếp thị...

 Theo thống kê của Anh thì 56% doanh nghiệp ở nước này thất bại là do ban quản lý yếu kém. Do đó việc đào tạo một lực lượng doanh nhân năng động, đạo đức tốt và giỏi chuyên môn, quản lý là rất cần thiết, đặc biệt ở giai đoạn khởi nghiệp.

Trường đại học Ngoại thương có thể kết hợp với hội doanh nhân để thiết lập chương trình đào tạo doanh nhân một cách bài bản. Để hội nhập nền kinh tế thế giới, các doanh nhân phải là một công dân toàn cầu, là gương mặt của quốc gia và là tấm gương cho các thế hệ trẻ noi theo. Các kiểu kinh doanh chụp giật, bóc lột, bội tín dần sẽ bị đào thải và giảm bớt đi.

Về phía Nhà nước, đã là doanh nhân thì ai cũng biết điệp khúc "đói" vốn. Chính phủ đã có nhiều giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DDNVV) với gói kích cầu 17.000 tỉ đồng năm 2009, nhưng đến nay tác động của gói kích thích kinh tế này đến các doanh nghiệp nói chung và DDNVV nói riêng vẫn chưa được lượng hóa rõ ràng.

Theo tôi, cách thức cho vay vốn có thể được đơn giản hóa lại và minh bạch hơn. Ví dụ như Chính phủ có thể thành lập ba bộ phận chịu trách nhiệm cho vay vốn. Một bộ phận chuyên giải quyết công ty mới khởi nghiệp, một bộ phận chuyên giải quyết cho công ty cần vốn để mở rộng và một bộ phận chuyên về các công ty nhỏ và vừa cần vốn để xuất khẩu.

Nhà nước cũng cần hỗ trợ vốn các doanh nghiệp đi tham gia các hội chợ triển lãm quốc tế để quảng bá sản phẩm cũng như học hỏi kinh nghiệm kinh doanh của các quốc gia khác.

Sau năm năm, Nhà nước có thể khảo sát và đánh giá được bao nhiêu công ty vay vốn đã thành công, những công ty này tạo được bao nhiêu việc làm và đóng góp bao nhiêu cho ngân sách.

Năm 2012, đang trong giai đoạn tìm hiểu về các loại thuế nhập khẩu gạo sang Anh, tôi biết được rằng gạo Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan được miễn thuế nhập khẩu vào Anh nhưng gạo Việt Nam thì không.

Tôi viết thư cho Thủ tướng Anh David Cameron và Bộ trưởng Bộ Công thương của Anh yêu cầu giải trình lý do gạo Việt Nam phải chịu thuế rất cao và xin chính phủ Anh giúp đỡ. Dù nhận được sự trả lời rất nhiệt tình của Chính phủ Anh nhưng yêu cầu của tôi không được đáp ứng.

Tôi rất mong Chính phủ Việt Nam, các nhà ngoại giao, những người có quyền định đoạt kinh tế và sự sống còn của dân tộc sẽ luôn cố gắng thỏa hiệp các hiệp định song phương những mặt hàng mà nước ta có thế mạnh để đẩy mạnh xuất khẩu thông qua các Free Trade Agreement.

“VN không chỉ có đội ngũ lao động chăm chỉ, khéo léo; một đội ngũ doanh nhân nhanh nhạy, sáng tạo mà còn có cả một tiềm lực tài nguyên phong phú “- đây là nhận định chung của hầu hết chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế.

Tôi tin khi những tiềm lực phát triển kinh tế trong người dân được khơi dậy và được sự hỗ trợ của Nhà nước thì kỳ vọng của tôi có khả năng trở thành hiện thực.

Thể lệ cuộc thi viết “Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới”

Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (VN) tổ chức cuộc thi viết “Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới”. 

Chủ đề chính của cuộc thi là những kỳ vọng về sự phát triển của VN, đồng thời phác họa bức tranh đất nước, con người VN trong 20 năm tới.

Cuộc thi dành cho bạn đọc từ 15 tuổi đến 30 tuổi và bạn đọc trên 30 tuổi (Ban tổ chức, ban giám khảo, cán bộ nhân viên báo Tuổi Trẻ và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam không được tham gia cuộc thi).

Theo ban tổ chức, các bài dự thi phải được viết bằng tiếng Việt, thể loại văn xuôi, thể hiện 2 nội dung: Những kỳ vọng hoặc phác họa bức tranh Việt Nam 20 năm tới (tối đa 500 chữ) và nêu những giải pháp để Việt Nam có thể đạt được như ước mơ và những kỳ vọng (tối đa 1.000 chữ).

Bài dự thi phải chưa từng được công bố, đăng tải trên báo đài hay đoạt giải các chương trình, cuộc thi.

Một tác giả có thể gửi tối đa ba tác phẩm dự thi. Dưới bút danh (nếu có) ghi rõ tên thật, tuổi, địa chỉ và số điện thoại liên lạc. Trong trường hợp đoạt giải, mỗi tác giả chỉ nhận được giải thưởng cao nhất.

Báo Tuổi Trẻ sơ loại bài viết đúng chủ đề và đúng yêu cầu của cuộc thi để đăng trong mục cuộc thi "Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới" trên Tuổi Trẻ Online.

Đồng thời, hằng tuần những bài viết hay sẽ được xuất bản trên nhật báo Tuổi Trẻ. Tác giả có bài viết được xuất bản trên nhật báo Tuổi Trẻ sẽ được trả nhuận bút.

Ban giám khảo chọn 10 tác phẩm hay nhất vào vòng chung khảo (gồm 5 tác phẩm của tác giả dự thi ở nhóm từ 15-30 tuổi và 5 tác phẩm ở nhóm người trên 30 tuổi).

Các tác giả có bài được chọn sẽ được tài trợ 3 triệu đồng làm báo cáo chi tiết trình bày trước ban giám khảo để tranh giải (số tiền này sẽ được gửi cho tác giả khi tác giả đến buổi báo cáo trước ban giám khảo).

Ban tổ chức sẽ tài trợ chi phí đi lại và khách sạn để tác giả đến trình bày báo cáo và nhận giải tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM.

Ban tổ chức sẽ trao 10 giải thưởng với tổng giá trị giải thưởng là 120.000.000 đồng, dành cho hai nhóm đối tượng tham gia phân theo độ tuổi, gồm nhóm từ 15-30 tuổi và nhóm trên 30 tuổi. Mỗi nhóm đối tượng sẽ có 5 giải thưởng. Trong đó, mỗi nhóm có:

- 1 giải nhất: 25.000.000 đồng

- 1 giải nhì: 15.000.000 đồng

- 1 giải ba: 10.000.000 đồng

- 2 giải khuyến khích: 5.000.000 đồng/giải

Ban tổ chức nhận bài dự thi từ ngày 18-5-2015 đến 28-6-2015.Vòng chung khảo cuộc thi sẽ tổ chức vào ngày 11-7-2015.

PHẠM THỊ BIÊN THÙY (31 tuổi)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên