Bảo mẫu bạo hành trẻ nhiễm HIV trong bữa ăn - Ảnh trích từ clip |
Một bức hình chụp một bé gái nghiêng mặt cười hồn nhiên trước ống kính.
Một tấm ảnh khác chụp bé trai chừng 5-6 tuổi gầy nhom há miệng ngây thơ, tay cầm quả bóng nhựa, ánh mắt ngó chăm chú cái gì đó phía trước.
Hình khác ghi lại lúc các bé vui vẻ ngồi trong vòng tay các bạn thanh niên, say mê nhìn về một hướng có lẽ là nơi đang diễn ra một tiết mục hấp dẫn.
Tấm ảnh cuối cùng dừng lại khi một em bé cười toe toét ăn từng muỗng đút ân cần của cô bạn gái tóc xoăn.
Xung quanh các em nhỏ khác cũng được đút ăn từ tốn như vậy.
Tôi dừng lại, nhìn mãi tấm hình đó và đâu nghĩ những khoảnh khắc này là giây phút hiếm hoi các em nhỏ ở đây được sống trong niềm vui.
Dòng status của bạn admin diễn đàn đầy vẻ bàng hoàng.
Không ai nghĩ rằng nơi họ từng ghé thăm, từng tổ chức những bữa tình nguyện, thường xuyên đóng góp tiền và vật chất, thường xuyên trao gởi tấm nhân ái, lại là nơi diễn ra các bữa ăn đòn roi.
Nhưng đoạn clip phóng sự trên báo Tuổi Trẻ Online đã ghi lại rõ ràng điều đó.
Khi những đứa trẻ bị đút ăn kèm với những cái đánh không thương tiếc bằng dép vào chân, vào người.
Khi mỗi lần nuốt vào ứ nghẹn của con trẻ kèm với nước mắt nước mũi bởi những cái tát hăm dọa, bằng những cái ngắt véo không chút thương tình.
Khi một bé trai chừng 3-4 tuổi khóc rống lên trong hoảng loạn vì bị phạt đứng chơ vơ trên ghế inox.
Mấy đứa nhỏ nhiễm HIV ấy, những sinh linh tội nghiệp vừa chào đời đã gánh chịu một số phận nghiệt ngã, đáng lẽ phải là những hình hài cần được yêu thương và nâng niu, lại phải trải qua những tháng ngày ngắn ngủi của đời mình trong màn hành hạ nhẫn tâm.
Ngay khi đoạn clip vừa đăng lên các độc giả ai cũng sững sờ, cho dù họ đã sững sờ biết bao nhiêu lần trong các phóng sự điều tra tương tự.
Chúng ta đã tin rằng những số phận bé nhỏ tội nghiệp phải được bù đắp bằng hạnh phúc. Những mất mát phải được bù đắp bằng niềm vui. Nỗi đau tật nguyền phải được chở che ân cần.
Nhưng rồi các clip lần lượt đưa chúng ta đến với nỗi bàng hoàng.
Bàng hoàng đến tức giận, đến nghẹn ngào, đến đau đớn thay cho những hình hài thơ trẻ.
Trước đây đã có những vụ việc như người giữ trẻ đánh đập các em không thương tiếc; bảo mẫu dùng mắc áo inox quất vào các em mắc bệnh tự kỷ hay người ta buôn bán trẻ sơ sinh ngay trong chốn thiền uy của chùa chiền.
Và giờ là các số phận nhiễm HIV mong manh lại bị bạo hành thay vì bảo trợ.
Ai đó comment trên diễn đàn rằng chắc phải chăm sóc nhiều trẻ nhỏ loi choi quá thì sẽ dễ bị stress, nhưng thật sự nếu có tình yêu thì bao nhiêu nhọc nhằn, khổ cực đều sẽ bị xóa nhòa.
Nếu như ở đây chỉ là nghề nghiệp của công việc chăm sóc thôi thì chí ít những người này cũng phải có đạo đức của nghề nghiệp.
Nghề bảo mẫu, nuôi dạy trẻ khác với tất cả những công việc khác, cần có trái tim thiện nguyện, cần có tình yêu và sự hi sinh.
Những em bé không thể lớn lên trong toan tính tiền bạc, trong "cốt yếu để xong công việc nhận lương", trong "mặc xác chúng bây", trong những nhục hình bởi ti tiện, nhỏ nhen của người lớn.
Lòng nhân từ dành cho đồng loại đã ở nơi nào ngoài "nghĩa vụ miễn cưỡng để kiếm tiền" đó? Chữ "mẫu" trong chức danh của họ đánh mất đâu rồi để nơi chốn cưu mang, bảo bọc những số phận nhỏ bé đơn côi trở thành chốn của tuổi thơ bất hạnh tội nghiệp?
Mọi câu trả lời đều trở nên vô nghĩa. Mọi "nhận trách nhiệm", "rút kinh nghiệm" từ phía địa phương, từ phía quản lý trung tâm cũng trở nên vô nghĩa.
Mọi hình phạt hình sự dành cho sự nhẫn tâm cũng đều trở nên vô nghĩa.
Bởi chẳng ai có thể lấy lại được cho các em một tâm hồn trẻ thơ vẹn nguyên như ngày xưa.
Những đứa trẻ lớn lên sẽ mang theo vết sẹo bạo hành vào cuộc đời, và chúng sẽ chống chọi, trả thù lại quá khứ hãi hùng đó cũng chính bằng bạo lực.
Những đứa trẻ lớn lên bởi hình hài đẹp đẽ nhưng mang trong lòng một trái tim khuyết tật niềm tin yêu.
Và rồi các em nhỏ nhiễm HIV ở Trung tâm chăm sóc và bảo trợ kia sẽ mang gì ra đi sau quãng đời nhỏ nhoi của số phận bé bỏng bệnh tật và bị bỏ rơi, ngoài ký ức triền miên chỉ có tiếng khóc và các bữa cơm thấm đầy nước mắt như sự "bị bố thí"?
Các em sẽ mang gì trong nỗi nhớ về một kiếp người bé bỏng ngoài nỗi đau của một kiếp người quá đỗi nhỏ nhoi?
Không biết liệu rằng những buổi từ thiện của các tổ chức, các diễn đàn kia có đủ để xoa dịu và bù đắp cho các em nhỏ hay không?
Liệu nụ cười của bé gái trong ảnh đó có khỏa lấp được nỗi đau bệnh tật và khoảng thời gian bị đánh đập của em không?
Liệu những tiết mục được các bạn trẻ tổ chức ấy có làm hồng lên chút nào của hạnh phúc, của niềm vui cho các em không?
Để những đắng cay của định mệnh mà các em chưa kịp ý thức được sẽ dịu êm hơn dù chỉ là phút giây ngắn ngủi.
Mỗi buổi sáng hay buổi chiều trước hẻm khu tôi ở đầy ắp trẻ nhỏ.
Những đứa bé sơ sinh được chăm bẵm ôm trong tay, nằm trong xe đẩy sưởi nắng hay lẫm đẫm đi trong sự dõi theo cẩn thận.
Những đứa trẻ được cưng chiều, được âu yếm, dỗ dành đút cho ăn từng muỗng từng muỗng nhỏ trong vòng tay của mẹ, của ba, của bà nội, bà ngoại.
Những đứa trẻ cũng khóc rống nhưng bởi không thèm, không thích, không chịu, hay dằn dỗi sự âu yếm, chăm sóc quá độ.
Hai hình ảnh đối lập của cùng một lứa tuổi ấu thơ.
Bài viết thể hiện quan điểm của bạn đọc Hoàng Lam Diên. Bạn có thể gửi những chia sẻ, tâm sự, ý kiến của mình cho mục Tâm sự trên Tuổi Trẻ Online qua email tto@tuoitre.com.vn hoặc phần Ý kiến bạn đọc dưới bài viết. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận