22/03/2015 19:35 GMT+7

Người bí ẩn: dối lừa nối tiếp dối lừa?

QUÝ YÊN
QUÝ YÊN

TTO - Người bí ẩn, một Comedy Reality Show (Chương trình hài thực tế) nổi tiếng thế giới của Endemol, chương trình có tỷ suất người xem cao nhất trên Đài Truyền hình TP HCM năm 2014 đã vào mùa thứ 2.

Trấn Thành giới thiệu về Người bí ẩn mùa 2 vào chiều 12-3 - Ảnh: Q.N.
Trấn Thành giới thiệu về Người bí ẩn mùa 2 vào chiều 12-3 - Ảnh: Q.N.

Mùa này, vẫn là format cũ, có 2 đội chơi.

Nhiệm vụ của 2 đội chơi là tìm ra người bí ẩn trong số 4 đến 6 nhân vật xuất hiện trên sân khấu. Nhân vật nào cũng tự nhận mình là người bí ẩn nên người chơi phải hỏi, phải yêu cầu những nhân vật ấy làm nhiều việc để “bắt trúng tim đen”.

Như yêu cầu việc trình diễn đàn tơ-rưng chẳng hạn, để tìm ra được nghệ nhân đàn tơ-rưng, hay yêu cầu trình diễn cắt tóc, để tìm ra được thợ cắt tóc lành nghề…

Ở phía nhân vật, những người này cũng vận dụng rất nhiều cách, đưa ra những dự liệu thuyết phục, có kèm cả trình diễn để thuyết phục người chơi rằng, tôi mới là nhân vật mà các anh, chị đang tìm. Cho đến khi người chơi “chốt hạ”, đưa ra lựa chọn thì người dẫn chương trình mới cho những nhân vật kia tiết lộ thân thế thực của mình. Đội nào tìm ra được người bí ẩn tất nhiên được ghi điểm.

Với sự tham gia của hai diễn viên hài nổi tiếng là Hoài Linh và Việt Hương, chương trình quả thật mang đến khán giả những tiếng cười thú vị.

Thế nhưng, khi màn hình TV đã tắt, chợt nhận ra, ồ, chúng ta chẳng phải vừa xem những màn lừa dối nhau trắng trợn đấy ư?

Mới phút trước, cô nàng tự nhận là người có khả năng cắt tóc bằng kiếm Nhật thì phút này, cô đã cười tủm tỉm: “Thật ra, tôi chỉ là một nhân viên kinh doanh. Tôi không biết cắt tóc mà chỉ biết đi làm tóc thôi”.

Những lời nói dối vô thưởng, vô phạt chăng?

Thưa rằng không. Bởi những người “bí ẩn” kiểu ấy đang hiển hiện ở đời sống này thì nhiều vô kể.

Một thời gian dài, trên vài tuyến đường lớn ở TP.HCM người ta chứng kiến những người bán vé số lết. Họ nằm dài dưới lòng đường, vừa lết vừa bán vé số kiếm sống. Hình ảnh đau lòng này đánh động lòng trắc ẩn của người đi đường. Người ta vừa mua vé, vừa cho thêm tiền để giúp người tàn tật.

Đáng tiếc, chẳng bao lâu sau đó, người ta đã nhanh chóng phát hiện chân tướng của những người giả bại liệt ấy.

Tương tự, những em bé khóc ngất với tập vé số trên tay sát giờ xổ số, những cụ già nằm khóc với mâm bánh đổ khắp vỉa hè…

Tất cả đều ra sức thuyết phục với mọi người về hoàn cảnh đau thương dàn dựng khéo léo của mình.

“Những người bí ẩn” của đời sống, rõ ràng đâu có thiếu!

Không tiếc vài chục, vài trăm ngàn bỏ ra để giúp những em bé, những cụ già “bí ẩn” nhưng lại tiếc cả một tấm lòng, cả một thói quen.

Bây giờ, ra đường gặp người bị nạn, mấy ai tránh được nghi ngờ để mà hào sảng giúp người. Không phải lòng nhân ái của người thành thị bị giảm đi, bị triệt tiêu.

Chỉ là, người ra sợ mình bị lừa bởi những ngưới “bí ẩn” ấy.

Để rồi từ đấy chần chừ, từ đấy lắc đầu rồi bước ra đường thì tuân theo nguyên tắc mạnh ai nấy sống.

Tựa như chuyện chú bé chăn cừu kêu cứu giả, tôi sợ cho những người chẳng may gặp khó khăn thực sự (trong đó biết đâu có cả mình, một ngày nào đấy).

Bài viết thể hiện quan điểm của bạn đọc Quý Yên. Bạn đồng tình hay không đồng tình với quan điểm này? Những suy nghĩ của bạn về câu chuyện trên, và những sự kiện, câu chuyện khác trong cuộc sống?

Hãy chia sẻ cùng bạn đọc Tuổi Trẻ Online qua địa chỉ tto@tuoitre.com.vn hoặc phần Ý kiến bạn đọc dưới bài viết.

QUÝ YÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên