06/02/2015 09:24 GMT+7

​Để không phải “bóp” đường

D.N.HÀ ghi
D.N.HÀ ghi

TT - Nhiều chuyên gia lấy làm tiếc về đề xuất của cơ quan chức năng thu nhỏ mặt cắt của nhiều con đường thuộc dự án cầu đường Bình Triệu 2 giai đoạn 2 do thiếu vốn.

Khu vực ngã năm đài liệt sĩ (giao lộ Ung Văn Khiêm - Nguyễn Xí - Xô Viết Nghệ Tĩnh - quốc lộ 13, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) thường kẹt xe vào giờ cao điểm, trong khi cơ quan chức năng đang tính chuyện thu hẹp lộ giới đường Ung Văn Khiêm và đường Nguyễn Xí để giảm chi phí đầu tư - Ảnh: Hữu Khoa
Khu vực ngã năm đài liệt sĩ (giao lộ Ung Văn Khiêm - Nguyễn Xí - Xô Viết Nghệ Tĩnh - quốc lộ 13, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) thường kẹt xe vào giờ cao điểm, trong khi cơ quan chức năng đang tính chuyện thu hẹp lộ giới đường Ung Văn Khiêm và đường Nguyễn Xí để giảm chi phí đầu tư - Ảnh: Hữu Khoa

Dưới đây là giải pháp do các chuyên gia đề xuất để Nhà nước làm được các con đường đúng quy hoạch. Dự án cầu đường Bình Triệu 2 thuộc Q.Bình Thạnh - Q.Thủ Đức, TP.HCM.

* TS DƯ PHƯỚC TÂN (Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM):

Nên làm trước 2 đường nhỏ hai bên

Đối với hai con đường Ung Văn Khiêm và Nguyễn Xí hiện nay phải làm để giải quyết ách tắc giao thông hướng từ cầu Sài Gòn ra đường Phạm Văn Đồng và ngược lại. Nếu thiếu tiền, Nhà nước nên giải phóng mặt bằng hết diện tích đất trong phạm vi lộ giới 30m.

Sau đó, làm hai con đường một chiều hai bên, mỗi đường chừng 8-10m. Khi nào có kinh phí sẽ tiếp tục làm đường trên phần đất ở giữa. Ở TP, mô hình này đã làm được ở đường Nguyễn Hữu Thọ.

Nếu hiện giờ Nhà nước chỉ giải tỏa cho vừa chiều rộng 25m để làm đường thì sau khi có đường mới hoàn chỉnh, giá đất hai bên đường tăng cao, có khi gấp 10 lần.

Sau này Nhà nước bồi thường 5m còn lại vốn sẽ rất cao và có khả năng người dân không chịu giao đất. Phần đất ở giữa chưa làm đường có thể trồng hoa, làm cảnh quan tạm thời.

Nếu làm đường lớn ở giữa, chừa mỗi bên khoảng 2,5m thì người dân sẽ lấn chiếm buôn bán làm mất mỹ quan đô thị. Đây là một kinh nghiệm thực hiện quy hoạch trong điều kiện thiếu vốn, vừa là cách phân kỳ đầu tư rất hiệu quả.

* TS.KTS NGÔ VIẾT NAM SƠN:

Tiền nằm ngay trên đường

Hai tuyến đường Ung Văn Khiêm và Nguyễn Xí nối từ chân cầu Sài Gòn ra đến đường Phạm Văn Đồng gần như là tuyến vành đai, Nhà nước không thể không làm. Tuy nhiên, Nhà nước nên tính đến phương án giải tỏa hết và làm đường một lần.

Nếu giải tỏa nhiều lần sẽ làm tốn tiền của người dân khi phải sửa sang, chỉnh đốn lại mặt tiền nhà nhiều lần. Hơn nữa, việc triển khai nhiều lần sẽ tốn kém những chi phí đi theo. Vốn để làm đường nằm ngay trên con đường.

Thực tế, tất cả con đường làm xong thì giá nhà, đất đều tăng cao so với trước khi làm đường. Chẳng hạn như đường Phạm Văn Đồng: giá đất tăng gần 100 triệu đồng/m2 so với trước khi làm đường. Với chính sách hiện nay của Nhà nước ta, gần như giá trị nhà, đất tăng thì người dân được hưởng trọn, Nhà nước không thu lại được đồng nào.

Theo tôi, chính quyền có hai cách thu hồi vốn làm đường. Thứ nhất, Nhà nước nên có chính sách thuế đánh vào giá trị nhà, đất tăng lên sau khi đầu tư hạ tầng cho khu vực.

Nếu người dân đang sử dụng đất không chịu nổi thuế đó thì sẽ bán đất đi và Nhà nước thu một nửa lợi nhuận. Số thuế thu được sẽ bù vào tiền làm đường.

Cách thứ hai, Nhà nước có thể giải phóng mặt bằng thêm phạm vi từ 30-50m tính từ ranh lộ giới để có đất kêu gọi đầu tư. Có thể khoán trắng cho nhà đầu tư về việc khai thác quỹ đất hai bên đường này để nhà đầu tư trả lại cho Nhà nước con đường 30m có đầy đủ hạ tầng, cây xanh. Nhà nước chỉ đứng ra bồi thường giải phóng mặt bằng, tiền bồi thường và làm đường sẽ do nhà đầu tư chịu.

Thật ra, cách này đã được các chuyên gia đề xuất nhiều lần nhưng đến nay TP.HCM chưa có cơ chế để thực hiện. Với thực trạng hiện nay của đường Nguyễn Xí và Ung Văn Khiêm thì không nhất thiết phải áp dụng cách thứ hai cho toàn bộ đất hai bên đường.

Nhà nước chỉ thiếu tiền làm đường rộng thêm 5m thì có thể giải tỏa thêm một vài lô đất và sử dụng những lô đất công có sẵn để kêu gọi đầu tư là đủ phần tiền còn lại để làm trọn con đường.

Tôi nghĩ nếu chính sách rõ ràng, rạch ròi thì nhà đầu tư sẽ rất hào hứng tham gia. Về phía người dân, Nhà nước bồi thường cho họ theo giá thị trường sòng phẳng thì dân sẵn sàng giao đất để tạo lập nơi ở mới.

TP.HCM đã có kinh nghiệm từ khu đô thị Nam Sài Gòn: có cơ chế tốt cho tư nhân đầu tư thì chỉ trong vòng hơn 10 năm, họ biến một khu đầm lầy thành một khu đô thị hiện đại, khang trang. Việc huy động vốn làm một con đường còn đơn giản hơn nhiều...

* Ông NGUYỄN ĐĂNG SƠN (phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng):

Kêu gọi vốn xã hội hóa

Tôi nghĩ cơ quan chức năng nên tính toán để mở rộng hai con đường trên cho đúng quy hoạch, làm một lần cho đỡ tốn kém chi phí phát sinh. Có thể làm chậm một chút, chờ khi có đủ vốn thì làm, tránh làm nhiều lần, vừa không hiệu quả đồng vốn, lại rất phiền hà cho người tham gia giao thông và người dân hai bên đường.

Ở TP.HCM trước đây có kinh nghiệm về việc đầu tư xây dựng đường Trường Sơn (Q.Tân Bình) theo hình thức BOT (đầu tư - kinh doanh - chuyển giao). Nhà nước giao cho Cụm cảng hàng không miền Nam đầu tư nâng cấp. Sau khi xây dựng xong, đơn vị này thu phí để bù lại chi phí làm đường.

Chỉ trong một thời gian, Cụm cảng hàng không miền Nam đã thu đủ số vốn bỏ ra làm đường nên UBND TP thỏa thuận bỏ trạm thu phí trước thời hạn. Tôi nghĩ đối với đường Ung Văn Khiêm và Nguyễn Xí, Nhà nước cũng nên kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa như hình thức của đường Trường Sơn. Những tuyến đường ở nội thành, việc thu phí hoàn vốn rất nhanh nên dự báo sẽ có nhiều doanh nghiệp tham gia.

D.N.HÀ ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên