13/01/2015 11:49 GMT+7

Sao phải cứ về quê đón tết bằng mọi giá?

TRÀ TRƯƠNG
TRÀ TRƯƠNG

TTO - Cứ mỗi dịp trước Tết âm lịch là cảnh tượng người người chen chúc ở các nhà ga, bến xe… để mua cho được tấm vé trở về quê đón Tết.

Hành khách vật vờ ngồi chờ xe - Ảnh tư liệu

Tôi chợt nghĩ hỏi có nhất thiết phải về quê vào dịp Tết bằng mọi giá?

Tôi biết nhiều người sẽ cho rằng tôi hỏi ngây ngô và "kỳ cục". Thế nhưng, tôi cũng thừa biết không phải ai cũng có thể dễ dàng trả lời được, nhất là những người xa quê.

Bất chấp giá vé tăng đến 60% so với ngày thường (lý do các đơn vị vận tải đưa ra là để bù đắp chi phí chiều ngược lại), hành khách cũng phải bấm bụng mua vé để về quê. Đó là những ai may mắn mua được vé trước hay giữ được chỗ.

Những người kém hơn sẽ phải xách hành lý ra bến xe hoặc các trạm xe dù dọc đường đón xe về theo kiểu hên xui may rủi. Hên thì có xe giá mềm, còn không thì xách giỏ quay về chờ hôm khác hoặc chấp nhận đi với giá cắt cổ.

Có khi họ phải đánh đổi cả tính mạng của mình cho những chuyến hồi hương.

Tôi từng về quê theo cách này và biết được hằng năm cứ đến dịp Tết là dọc tuyến quốc lộ 1 hàng đoàn người chạy xe gắn máy lũ lượt kéo nhau rời Sài Gòn (Hà Nội) về quê bất kể ngày đêm.

Họ có thể là những người không mua được vé vì hết, nhưng có khi là do không có tiền nên đành chọn giải pháp chạy xe máy cho tiện, chấp nhận đánh cược mạng sống mình chỉ để về quê sum họp cùng gia đình ba ngày xuân.

Nguy hiểm dễ nhận ra nhất là các sự cố như bể bánh xe, xe hư dọc đường, các cung đường dọc tuyến quốc lộ quanh co ngoằn ngoèo, đèo dốc cheo leo, nhất là đoạn về miền Trung. Không ai có thể biết khi nào tai nạn sẽ ập đến với mình. 

Thế nên nếu điều kiện không cho phép, bạn có phải về quê bằng mọi giá? Theo tôi là không.

Thay vào đó hãy lựa chọn những cách khác, phù hợp hơn với hoàn cảnh của chính mình.

Ví như tôi quê cũng ở tận miền Trung xa xôi, nơi cách Sài Gòn trên dưới 1.000km, tôi cũng rất muốn về quê nhưng không phải năm nào tôi cũng về đúng dịp Tết cổ truyền.

Năm nào sắp xếp được công việc, tôi đặt mua vé máy bay trước 4-6 tháng, lúc đó giá vé máy bay tương đương giá vé xe lửa, thậm chí có khi rẻ hơn cả xe đò chứ không đợi đến cận Tết mới đặt mua.

Còn nếu đi xe đò hay tàu hỏa, tôi cũng đặt trước gần cả tháng khi các hãng xe hay tàu thông báo bán vé Tết, tôi tuyệt đối không thông qua cò.

Những năm không thu xếp được công việc hay vì lý do tiền bạc, tôi đành ăn ở lại đón cái Tết không vui mấy hoặc ở Sài Gòn, hoặc nhà người thân các tỉnh lân cận.

Tuy nhiên, trước đó thường là khoảng nửa tháng tôi sẽ về thăm quê, phụ gia đình sắm sửa đồ đạc. Lúc ấy chẳng những giá vé xe tàu chưa tăng, mà giá cả các mặt hàng Tết lúc này cũng khá mềm, chi tiêu một đồng lúc này tương đương vài ba đồng dịp cận Tết.

Như vậy tôi vừa tiết kiệm được số tiền chi tiêu, vừa giảm bớt tình trạng quá tải ở tất cả các mặt vào dịp Tết.

Tôi thấy không ít người, nhất là người lao động phổ thông hoặc công nhân, cuộc sống thường chẳng dư dả mấy nhưng họ cũng chắt bóp hoặc thậm chí vay mượn để về quê đón Tết. 

Với chỗ tiền tương đương cả năm chắt mót ấy, nếu không đi vào dịp cao điểm, giá trị tiền có được sẽ rất lớn.

Ngược lại nếu đi đúng vào dịp Tết khi mọi thứ đang tăng cao, chẳng những không giúp ích được nhiều mà đôi khi họ lại rơi vào cảnh thiếu trước hụt sau, khó khăn vẫn hoàn khó khăn.

Bởi đoàn tụ với gia đình và người thân không chỉ có mỗi dịp Tết.

Ở quê tôi, cứ Tết  đến là người ta lũ lượt kéo nhau về quê, xong ba ngày Tết họ lại lũ lượt kéo nhau vào các đô thị lớn làm ăn, làng quê lúc ấy chỉ còn lại người già và trẻ con, heo hút vô cùng.

Như vậy nếu bạn về vào các dịp thấp điểm là trước hoặc sau Tết, ý nghĩa của chuyến đi không kém so với dịp Tết.

Thêm một lý do nữa rất thực tế là rất nhiều người trẻ hiện làm việc cho các công ty nước ngoài, nơi không có phong tục đón Tết cổ truyền như Việt Nam. 

Thay vào đó họ có các kỳ nghỉ đông khá dài ngày, kéo dài từ trước Giáng sinh (khoảng 24-12) đến sau Tết tây.

Nếu khéo thu xếp, chính khoảng thời gian này bạn cũng có thể về thăm gia đình cũng như thể hiện lòng hiếu thảo với ông bà, cha mẹ hay gia tiên mình.

Vậy nên nếu có thể quay về đoàn viên cùng gia đình vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc là điều nên làm.

Tuy nhiên, có nhất thiết phải thực hiện bằng mọi giá, nhất là khi điều kiện kinh tế chẳng mấy khá khẩm hay quay về bằng những phương thức đôi khi đe dọa đến chính mạng sống của mình?

Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả. Bạn có đồng ý quan điểm với bạn Trà Trương? Những lý do nào khiến bạn phải về quê ăn Tết bằng mọi giá thay vì tùy vào điều kiện cho phép?
TRÀ TRƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên