Tranh minh họa |
Ngày còn nhỏ, tôi phụ mẹ gói bánh chưng, mổ lợn, dọn dẹp nhà cửa... Ba tôi cùng làm với mấy mẹ con, nhưng sau đó, mấy ngày tết có khi kéo dài cả đến nửa tháng sau, ba tôi không phải đụng tay chân việc gì cả.
Bởi vì việc bếp núc là của đàn bà, bao đời nay vẫn thế... từ đời các cụ, các ông tôi không ai phải "rúc vào xó bếp" , đến đời ba tôi không có thay đổi gì.
Ba tôi tuyệt nhiên không phải vào bếp nấu cơm, cỗ, dọn dẹp, rửa bát.
Những ngày Tết, ba tôi thường uống rất say, say rồi thì dễ cãi nhau, dễ trúng gió, bị ói... Những người chú bác khác trong gia đình tôi cũng vậy, Tết là dịp được nhậu nhẹt vô độ mà không ai dám nặng lời. Có khi các chú, bác nhà tôi còn quá chén dẫn đến không nhìn mặt nhau.
Nhiều năm qua đi, tôi lấy chồng. Chồng tôi là trí thức, được ăn học đầy đủ nhưng cái suy nghĩ việc bếp núc là của đàn bà vẫn không thay đổi.
Mới hai năm lấy chồng, mà tôi thực sự ngán ngẩm cảnh mấy ngày tết, cánh đàn ông túm tụm rượu chè, còn các chị em hết nấu nướng, phục vụ lại đến chờ đợi được... dọn dẹp bãi "chiến trường" để lại.
Đáng chú ý, trong mâm nhậu toàn cánh đàn ông trẻ trung, học rộng tài cao nhưng chỉ biết luộc rau hoặc úp mì tôm.
Tôi đã vùng lên đòi chồng phải chia sẻ việc nhà. Một vài việc nhỏ như: em đã nấu cơm thì anh phải rửa bát; em giặt quần áo thì anh phải phụ em phơi đồ... cũng là một sự phân công lao động thiết thực, ý nghĩa.
Chị em phụ nữ như tôi chẳng cần kỉ niệm mấy ngày sinh nhật, 8-3 , 20-10 long trọng, hoành tráng khi ngày hôm sau lại ngập ngụa trên đống bát đũa, bỉm tã của con...
Nhiều người biết chuyện, họ nói tôi không biết hi sinh, tỵ nạnh với chồng cả những việc cỏn con.
Bố mẹ chồng chê con dâu lười, "bắt nạt" chồng...
Kết quả là tôi thua, phần thắng dành cho những người người đàn ông truyền thống, những suy nghĩ của đám đông.
Chao ơi, đến cái Tết nào thì tôi mới được nghỉ ngơi, ăn cơm xong ngồi rung đùi, chém gió, uống trà, xem ti vi...?
Bạn cảm thấy như thế nào sau khi đọc những tâm sự này? Là người đã lập gia đình, vợ chồng bạn có thường san sẻ công việc cho nhau?... Hãy chia sẻ cùng Tuổi Trẻ Online những suy nghĩ, những câu chuyện của bạn qua email tto@tuoitre.com.vn hoặc phần Ý kiến bạn đọc dưới bài viết. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận