22/10/2014 07:07 GMT+7

​Chất lượng nắp cống: ai cũng nói đảm bảo

Q.KHẢI - N.ẨN - D.N.HÀ ghi
Q.KHẢI - N.ẨN - D.N.HÀ ghi

TT - Tiếp tục câu chuyện “Lỗ hổng trách nhiệm quanh cái nắp cống”, chúng tôi giới thiệu ý kiến của các đơn vị đang quản lý nắp cống trên địa bàn TP.HCM.

Một vị trí bị mất nắp cống trên quốc lộ 1 đoạn qua thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, TP.HCM - Ảnh: Q.Định

* Ông PHẠM QUỐC BẢO (phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM):

Đảm bảo tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng

Theo quy trình, mỗi công trình, dự án thi công liên quan đến vấn đề đào đường, lắp đặt cáp ngầm và hầm cáp (có nắp cống) đều có hồ sơ thiết kế kỹ thuật theo tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng.

Đối với những hầm cáp có nắp cống nằm dưới lòng đường thì khả năng chịu tải rất lớn vì phải thiết kế cho xe tải chạy qua được. Với những nắp cống bằng bêtông cốt thép trên vỉa hè là loại nắp cống không được thiết kế cho xe tải nặng chạy qua.

Mặc dù nắp cống thuộc các công trình của Tổng công ty Điện lực TP đều bảo đảm an toàn về mặt kỹ thuật và hồ sơ thiết kế được cơ quan quản lý nhà nước thông qua nhưng để đảm bảo an toàn, Tổng công ty Điện lực TP cũng đã có văn bản yêu cầu các đơn vị trực thuộc cho tổng rà soát, đánh giá lại khả năng chịu lực, đặc biệt là các nắp cống bằng bêtông cốt thép trên vỉa hè để có những điều chỉnh kịp thời nếu phát hiện nắp cống bị hư hỏng.

* Ông NGUYỄN MINH TRƯỜNG (phó phòng mạng dịch vụ - Viễn thông TP.HCM):

Tuân thủ tiêu chuẩn của Bộ Thông tin - truyền thông

Hiện nay ở lòng đường khoảng 200m có một nắp hầm cáp của Viễn thông TP.HCM và trên lề đường khoảng 50m có một nắp cống. Tuy nhiên nắp cống của Viễn thông TP tuân thủ theo một quy chuẩn nghiêm ngặt của Bộ Thông tin - truyền thông ban hành.

Đối với lề đường, nơi ôtô không thể chạy, đậu, dừng được thì nắp cống chịu tải chỉ 1,5 tấn. Những khu vực vỉa hè rộng, ôtô có thể chạy được thì khả năng chịu tải của nắp cống ít nhất phải 12 tấn, còn dưới lòng đường ít nhất cũng 25 tấn.

Chính vì tiêu chuẩn này mà Viễn thông TP tốn rất nhiều tiền cho việc làm nắp cống.

Thực tế thời gian qua có tình trạng một số nắp cống bị cong, vênh so với mặt đường, khi quá trình tuần tra phát hiện hay được phản ánh thì chúng tôi sẽ sửa chữa ngay chứ chưa có trường hợp nào bị đè sụp. Viễn thông TP cũng có đăng ký số điện thoại nóng kết nối với đầu số báo sự cố hạ tầng của TP nên mọi phản ánh đều được tiếp nhận và sửa chữa trong thời gian sớm nhất.

Về trách nhiệm kiểm tra xử lý những khiếm khuyết của các nắp cống ngoài lực lượng tuần tra giám sát của đơn vị, qua phản ánh người dân thì còn ở trách nhiệm của thanh tra Sở GTVT.

* MỘT CÁN BỘ (Công ty TNHH một thành viên Thoát nước đô thị TP.HCM):

Cần nâng cao chất lượng nắp cống

Trước khi xảy ra sự cố xe tải đè sụp nắp cống gây chết người, Công ty TNHH một thành viên Thoát nước đô thị TP đã cùng Sở GTVT và Chi cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông TP (thuộc Bộ GTVT) kiểm tra chất lượng nhiều nắp cống trong tổng số 59.000 nắp cống do công ty thực hiện công tác duy tu, bảo quản.

Kết quả cho thấy những nắp cống này đảm bảo chất lượng theo yêu cầu, một số nắp cống chênh, thấp hơn mặt đường cũng đã được thay mới.

Trước nay, các đơn vị khi làm nắp cống (theo các dự án) thường áp dụng theo mẫu định hình do Bộ Xây dựng ban hành. Cụ thể đối với nắp cống dưới lòng đường thì khả năng chịu tải phải theo khả năng chịu tải của đường. Ví dụ đường có khả năng chịu tải 20 tấn thì nắp cống phải chịu được lực 20 tấn.

Còn đối với nắp cống trên vỉa hè thường đảm bảo đủ khả năng chịu lực 3 tấn. Rất nhiều đơn vị khi làm các dự án có nắp cống thường theo mẫu định hình này.

Dù các nắp cống được kiểm tra, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật nhưng cần tiếp tục được nâng cao chất lượng, đáp ứng với yêu cầu, tình hình thực tế trên địa bàn TP.HCM. Bởi nắp cống trên lề đường hiện nay không chỉ để dành cho người đi bộ mà có khi xe tải, ôtô đậu, dừng chở hàng, bốc dỡ hàng hóa...

Muốn làm được việc này, cơ quan chức năng phải ban hành thành quy chuẩn làm cơ sở pháp lý để các đơn vị khi thực hiện dự án bắt buộc phải làm theo.

Bên cạnh đó cũng cần có quy định rõ đơn vị có thẩm quyền kiểm tra xử lý nếu nắp cống không được làm theo đúng quy chuẩn kỹ thuật, không đảm bảo chất lượng, tránh tình trạng cơ quan quản lý nhà nước đổ lỗi cho nhau.

* Ông TRẦN QUANG LÂM (phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM):

Làm sai phải chịu trách nhiệm

Từ việc cái nắp cống không đảm bảo an toàn mà báo Tuổi Trẻ đã đăng trong những ngày qua, tôi cho rằng các đơn vị chuyên ngành quản lý nắp cống phải có trách nhiệm rà soát, sớm phát hiện nắp cống nào hư hỏng để sửa chữa kịp thời.

Với trách nhiệm của mình, Sở GTVT TP đã chỉ đạo các khu quản lý giao thông đô thị yêu cầu các đơn vị trực thuộc tăng cường tuần tra, rà soát, nếu phát hiện nắp cống nào không đảm bảo an toàn giao thông phải thông báo ngay đến các đơn vị quản lý chuyên ngành.

Trường hợp nắp cống đó bị hư hỏng có nguy cơ gây tai nạn cho người đi đường, trước mắt đơn vị tuần tra gắn biển báo, rào chắn để cảnh báo trong thời gian chờ sửa chữa.

Để xử lý và chấn chỉnh tình trạng nắp cống hư hỏng, tổ liên ngành giao thông vận tải và xây dựng sẽ phối hợp chặt chẽ về tổ chức kiểm tra, xử phạt những đơn vị quản lý nắp cống bị hư hỏng, xuống cấp.

Theo đó, đơn vị quản lý nào không thực hiện đúng việc quản lý duy tu, bảo trì nắp cống và để xảy ra tai nạn thì đơn vị đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Sở đã ban hành quy định về mẫu loại nắp cống nên sẽ tăng cường thẩm tra các dự án và trong quá trình xây dựng công trình trên đường giao thông.

 

Q.KHẢI - N.ẨN - D.N.HÀ ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên