30/06/2015 16:26 GMT+7

10.000 giờ trải nghiệm và chìa khóa cho cánh cửa vào đời

NGUYỄN QUANG HÒA (34 tuổi)
NGUYỄN QUANG HÒA (34 tuổi)

TTO - Câu chuyện được kể ra dưới đây là hình ảnh đại diện cho một thế hệ trẻ năm 2035, đầy tự tin, năng động, đóng góp cho trách nhiệm chung của xã hội. Và đó cũng là câu chuyện của một nền giáo dục coi trọng “Thực học, thực nghiệp”.

Chương trình “Phỏng vấn thử - thành công thật” đã thu hút đông đảo sinh viên thành phố đến tham dự để tìm cơ hội tiếp cận với nhà tuyển dụng và rèn luyện kỹ năng phỏng vấn tìm việc - Ảnh tư liệu

Hà Nội năm 2035, xu hướng tuyển dụng của doanh nghiệp dịch chuyển theo đúng như khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới (WB) dành cho Việt Nam trong Báo cáo phát triển Việt Nam 2014; “Bên cạnh việc xác định những kỹ năng kỹ thuật liên quan trực tiếp đến công việc thì doanh nghiệp/người sử dụng lao động cần tìm kiếm các kỹ năng nhận thức như kỹ năng giải quyết vấn đề và tư duy phản biện, các kỹ năng hành vi như kỹ năng làm việc nhóm và giao tiếp”.

“Quy tắc 10.000 giờ trải nghiệm” là một khái niệm tương đối, dựa theo Malcolm Gladwell, tác giả của quyển sách Outliers (Những kẻ xuất chúng), theo đó cái giá để trở nên tài năng là 10.000 giờ. Theo đó:

Mỗi sinh viên tốt nghiệp phải hoàn thiện bản quy tắc 10.000 giờ trải nghiệm; giúp nâng cao ý thức và trách nhiệm của một công dân, với những trải nghiệm thực tế sẽ hoàn thành bộ kỹ năng mềm - yếu tố tiên quyết của người lao động thế kỷ 21.

Sinh viên sẽ được cấp chứng chỉ với những nội dung như: “10.000 giờ chia sẻ và hỗ trợ cộng đồng”; (ii) 10.000 giờ thuyết trình; (iii) “10.000 giờ làm việc nhóm”; (iv) “10.000 giờ đào tạo và truyền thụ”; (v) “10.000 giờ lãnh đạo bản thân và tổ chức”.

Được như vậy, những con số “đáng buồn” này sẽ đi vào quên lãng: “Cả nước có 900.000 người thất nghiệp, trong đó có tới 72.000 cử nhân, thạc sĩ... Trong tổng số các sinh viên tốt nghiệp hằng năm, hơn 13% phải được đào tạo lại hoặc bổ sung kỹ năng, gần 40% phải được kèm cặp lại tại nơi làm việc và 41% cần thời gian làm quen với công việc”.

Câu chuyện này xin xem như là những giải pháp:

Quế Chi, một cô gái trẻ trung và năng động, là “công dân toàn cầu” của thế kỷ 21, thành thạo tiếng Anh, đang làm việc và sinh hoạt tại cộng đồng chung ASEAN với 800 triệu dân. Quế Chi được lựa chọn vào làm việc tại định chế tài chính quốc tế lớn bởi bản CV ấn tượng trong bốn năm học đại học của mình, bằng bộ kỹ năng “mềm” đạt được thông qua những trải nghiệm hữu ích và bằng cách thể hiện trách nhiệm xã hội của công dân.

Quế Chi chia sẻ: "Ngay từ năm thứ nhất tôi đã được nhà trường cho học các khóa học hữu ích. Ví dụ, khóa học “Kỹ năng tìm kiếm thông tin” mà World Bank Việt Nam từng đào tạo và giảng dạy miễn phí những năm 2010. Các khóa học khác như kỹ năng ghi chép hiệu quả, tự học hiệu quả giúp tôi tiết kiệm được nhiều thời gian quý giá hơn.

Từ những lời khuyên hữu ích, tôi đã sớm tìm được “cố vấn tinh thần” về học tập, về định hướng nghề nghiệp; nhờ đó giúp tôi rút ngắn chặng đường dài trong vấn đề chọn lựa nghề nghiệp.

Tôi cũng ý thức “quyền lực thứ tư là thông tin” bằng việc quản trị fanpage chuyên chia sẻ thông tin cho các bạn trẻ, các sự kiện, các cuộc thi hữu ích. Nhờ vậy tôi luôn có cơ hội “tỏa sáng” cùng các chủ nhiệm CLB sinh viên của các trường và bản thân cũng là nơi cung cấp thông tin đáng tin cậy cho các bạn sinh viên. 

Thứ ba, tôi được tham gia hoạt động định hướng nghề nghiệp tại trường, một bộ môn bắt buộc ngay từ chương trình cấp III. Trong bốn năm đại học, định kỳ mỗi năm hai lần tôi được các anh chị đến từ Trung tâm giới thiệu việc làm (HEIC Hà Nội), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), các hội và hiệp hội nghề nghiệp, trung tâm hỗ trợ thanh niên... đến chia sẻ.

Tinh thần khởi nghiệp được giảng dạy ngay từ năm thứ nhất trên tinh thần trải nghiệm thử sai. Chính vì thế, chúng tôi tự tin vì được trao quyền “được phép thất bại” từ sớm và lớn lên qua mỗi trải nghiệm đó.

Thứ tư, để hoàn thiện, nâng cao kỹ năng ngoại ngữ và khả năng nhóm, đội; tôi tham gia hoạt động tình nguyện tại các tổ chức sinh viên quốc tế hàng đầu: AIESEC Việt Nam, Tổ chức tình nguyện Vì hòa bình (VPV), Hanoi Kids. Nhờ vậy tôi có thể thỏa sức trao đổi và sử dụng tiếng Anh ngay từ năm thứ nhất. Tôi được học thêm và trải nghiệm các nền văn hóa khác từ các bạn sinh viên quốc tế. Khi được lựa chọn làm cho công ty đa quốc gia, tôi tránh được những cú sốc văn hóa.

Để hoàn thiện, nâng cao kỹ năng đào tạo, truyền thụ và thể hiện trách nhiệm công dân, tôi đã lựa chọn vai trò coach/trainer/mentor/teacher chia sẻ những điều mình biết cho người khác. Trong vòng bốn năm tôi đã giúp được bốn bạn sinh viên có học lực kém hơn mình và “đứng lớp” với hơn 10 bạn nhỏ mỗi năm.

Để hoàn thiện và nâng cao kỹ năng lãnh đạo và kỹ năng kết nối với các cá nhân, tổ chức, tôi đã ghi danh tại các CLB phong trào và chuyên môn của trường. Việc ghi danh tại 10 CLB trong bốn năm học là điều kiện tiên quyết và bắt buộc.

Chúng tôi học được tính thích ứng và linh hoạt giải quyết vấn đề, lập kế hoạch trong việc xin tài trợ; các mối quan hệ cộng đồng; kết bạn, giải trí.

Và đặc biệt thú vị, chúng tôi được xoay tua để làm lãnh đạo đội nhóm, nhờ vậy kỹ năng lãnh đạo và làm việc nhóm của tôi được trui rèn qua những hoạt động thật.

Bạn biết không, nơi trường tôi học tương quan tỉ lệ tổng sinh viên/CLB đạt tỉ lệ 31/1; bằng tỉ lệ của Trường đại học Cambridge (Anh), nơi nắm giữ tương quan tỉ lệ tổng sinh viên/CLB cao nhất thế giới, những năm 2010 đấy nhé.

Thứ bảy, thật may mắn khi tôi được tin tưởng và được trao quyền, được làm và được thử sai. Chúng tôi được chủ động bàn thảo, lập kế hoạch và lên danh sách khách mời là những con người truyền cảm hứng, những chuyên gia trong lĩnh vực, những doanh nhân tiêu biểu; những cựu sinh viên thành công...

Những khát vọng thay đổi trong tôi cũng được “thắp lửa” từ đây; giúp tôi ý thức hơn về trách nhiệm công dân, việc hoạt động bền vững cho cộng đồng và sẵn sàng giúp đỡ những người khó khăn.

Một điểm may mắn nữa của chúng tôi là được học tập với các giảng viên có kinh nghiệm thực tế, đến từ các doanh nghiệp. Tỉ lệ giảng viên là chủ các doanh nghiệp/giảng viên cơ hữu chiếm tỉ lệ 70/30. Tính ứng dụng của chương trình đào tạo rất cao, chúng tôi được học và thực hành (chiếm tới 40% tỉ trọng giờ học) với các bài tập thực tế của doanh nghiệp.

Mỗi thầy giáo được trao quyền và trao trách nhiệm giới thiệu sinh viên đi làm thêm và thực tập tại doanh nghiệp.

Và cuối cùng, tôi cảm ơn cơ chế đánh giá minh bạch, đề cao tính trải nghiệm thực tế và bộ kỹ năng của người lao động. Bộ kỹ năng mềm của công dân thế kỷ 21 mà Bộ Lao động - thương binh & xã hội Việt Nam, cơ quan chủ quản về quản lý người lao động của Chính phủ Việt Nam phối hợp cùng với cộng đồng chung ASEAN và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ban hành là đánh giá khoa học dựa trên những thực tế của cá nhân mỗi sinh viên; thể hiện tính bền vững “được làm, được ghi nhận, được đánh giá đúng”.

Thể lệ cuộc thi viết “Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới”

Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (VN) tổ chức cuộc thi viết “Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới”. 

Chủ đề chính của cuộc thi là những kỳ vọng về sự phát triển của VN, đồng thời phác họa bức tranh đất nước, con người VN trong 20 năm tới.

Cuộc thi dành cho bạn đọc từ 15 tuổi đến 30 tuổi và bạn đọc trên 30 tuổi (Ban tổ chức, ban giám khảo, cán bộ nhân viên báo Tuổi Trẻ và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam không được tham gia cuộc thi).

Theo ban tổ chức, các bài dự thi phải được viết bằng tiếng Việt, thể loại văn xuôi, thể hiện 2 nội dung: Những kỳ vọng hoặc phác họa bức tranh Việt Nam 20 năm tới (tối đa 500 chữ) và nêu những giải pháp để Việt Nam có thể đạt được như ước mơ và những kỳ vọng (tối đa 1.000 chữ).

Bài dự thi phải chưa từng được công bố, đăng tải trên báo đài hay đoạt giải các chương trình, cuộc thi.

Một tác giả có thể gửi tối đa ba tác phẩm dự thi. Dưới bút danh (nếu có) ghi rõ tên thật, tuổi, địa chỉ và số điện thoại liên lạc. Trong trường hợp đoạt giải, mỗi tác giả chỉ nhận được giải thưởng cao nhất.

Báo Tuổi Trẻ sơ loại bài viết đúng chủ đề và đúng yêu cầu của cuộc thi để đăng trong mục cuộc thi "Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới" trên Tuổi Trẻ Online.

Đồng thời, hằng tuần những bài viết hay sẽ được xuất bản trên nhật báo Tuổi Trẻ. Tác giả có bài viết được xuất bản trên nhật báo Tuổi Trẻ sẽ được trả nhuận bút.

Ban giám khảo chọn 10 tác phẩm hay nhất vào vòng chung khảo (gồm 5 tác phẩm của tác giả dự thi ở nhóm từ 15-30 tuổi và 5 tác phẩm ở nhóm người trên 30 tuổi).

Các tác giả có bài được chọn sẽ được tài trợ 3 triệu đồng làm báo cáo chi tiết trình bày trước ban giám khảo để tranh giải (số tiền này sẽ được gửi cho tác giả khi tác giả đến buổi báo cáo trước ban giám khảo).

Ban tổ chức sẽ tài trợ chi phí đi lại và khách sạn để tác giả đến trình bày báo cáo và nhận giải tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM.

Ban tổ chức sẽ trao 10 giải thưởng với tổng giá trị giải thưởng là 120.000.000 đồng, dành cho hai nhóm đối tượng tham gia phân theo độ tuổi, gồm nhóm từ 15-30 tuổi và nhóm trên 30 tuổi. Mỗi nhóm đối tượng sẽ có 5 giải thưởng. Trong đó, mỗi nhóm có:

- 1 giải nhất: 25.000.000 đồng

- 1 giải nhì: 15.000.000 đồng

- 1 giải ba: 10.000.000 đồng

- 2 giải khuyến khích: 5.000.000 đồng/giải

Ban tổ chức nhận bài dự thi từ ngày 18-5-2015 đến 28-6-2015.

Vòng chung khảo cuộc thi sẽ tổ chức vào ngày 11-7-2015.

NGUYỄN QUANG HÒA (34 tuổi)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên