28/02/2013 06:45 GMT+7

Từ số 0 đến 8.0 IELTS

 HÀ BÌNH ghi
 HÀ BÌNH ghi

AT - Tự nhận mình “bắt đầu từ số 0” nhưng bạn Nguyễn Ngọc Vân Khanh - sinh viên Trường ĐH Ngoại thương cơ sở 2 TP.HCM - đã đạt 8.0 tiếng Anh IELTS.

dZbYDJ0l.jpgPhóng to
Bạn Nguyễn Ngọc Vân Khanh trong một buổi chia sẻ kinh nghiệm học và thi tiếng Anh IELTS

Điểm số ở từng kỹ năng Vân Khanh đạt được là Reading 8,5; Listening 8,0; Writing 8,0 và Speaking 7,0. Với kỹ năng tiếng Anh khá siêu, hiện Khanh đang làm công việc bán thời gian là trợ giảng các lớp IELTS tại trung tâm Anh ngữ Global Manpower. Dưới đây là những chia sẻ của Vân Khanh trong việc học và thi IELTS:

Điều kiện quan trọng: Một động lực thú vị

Trong học tiếng Anh, cái khó nhất là tìm được động lực để có thể tập trung ôn tập vì áp lực thi cử, bài vở ở lớp, trường cũng dồn dập không kém. Vì thế, bạn phải xác định mình thi IELTS để làm gì, nó cần thiết và quan trọng như thế nào, để có thể có động lực học tập thật tốt thì mới có thể vượt qua nhiều “cám dỗ” và mới không bị nản.

Bạn có thể tìm động lực và xây dựng kế hoạch học tập của mình một cách rất dễ dàng, càng thú vị càng tốt. Tạo cho mình một lý do, rủ bạn bè học chung, tham gia các câu lạc bộ tiếng Anh, theo học ở các trung tâm (tiếc tiền cũng có thể là lý do để cho bạn phải cố gắng đi học, hehe), hâm mộ một ai đó... Động lực không ở đâu xa cả mà ở xung quanh mình hết, ăn thua là các bạn có muốn thấy hay không thôi.

Ngày lên lớp đầu tiên trợ giảng, Khanh thường nhấn mạnh tầm quan trọng của tiếng Anh. Trong các ngày sau, Khanh thích nhất là được “gieo rắc” vào đầu học viên việc học IELTS cũng nhẹ nhàng thú vị để các bạn đừng “ghét bỏ” nó. Nhiều bạn xem IELTS là “một chướng ngại vật khó chịu, đáng ghét, chắn giữa cái lối đi nước ngoài du học của người ta” (trích lời một bạn học viên của Khanh) nhưng khi các bạn tìm thấy niềm vui và động lực thì chẳng có gì khó đâu, vui là đằng khác.

Nắm thật kỹ cấu trúc đề thi

Có thể nhiều bạn cho rằng bước này không quan trọng lắm, đọc sơ cũng biết IELTS có bốn kỹ năng, đọc và nghe có 40 câu hỏi, nói 15 phút, viết 1 tiếng 2 tasks rồi. Không đâu nhé. Tìm hiểu là phải tìm hiểu thật kỹ luôn cơ.

Đối với bài Reading/Listening, các bạn có thể sử dụng một bài test trong sách ra để dùng làm ví dụ (khoan hãy bắt tay vào làm liền nhé). Các bạn phải đọc thật kỹ, để xem cấu trúc một bài test được trình bày và sắp xếp như thế nào. Tự mình liệt kê và viết ngay vào bài dạng câu hỏi là gì

(General hay Specific, Gap filling hay Multiple choice...). Hay như Listening, các bạn để ý sẽ thấy mỗi Section sẽ thường xoay quanh các đề tài gì, bao nhiêu người nói, mình cần tập trung nghe người nào nói... Đối với bài Speaking và Writing, các bạn nên tìm hiểu kỹ những tiêu chí đánh giá, và cấu trúc đề thi thường hay ra như thế nào.

Những thông tin trên sẽ giúp các bạn rất nhiều trong việc hệ thống hóa các kiến thức mà mình đã có, và cần phải có. Bạn sẽ biết được mình yếu ở phần nào, dạng câu hỏi nào, tiêu chí nào mình chưa đáp ứng tốt, từ đó có thể xây dựng kế hoạch học tập.

Bắt tay vào luyện tập

Bạn có thể dễ dàng dùng các sách tham khảo để thực hành các bài luyện tập. Khanh giới thiệu sơ lược lại các cuốn sách xếp theo thứ tự từ trình độ dễ đến khó. Khanh khuyến khích các bạn nên tập làm quen với các bài dễ trước, sau đó hãy đi đến các cuốn cấp độ khó hơn. Nếu không có nhiều thời gian, các bạn có thể bỏ qua các bài tập nhỏ mà sử dụng luôn phần Exam practice cũng được. Nếu có điều kiện, các bạn có thể in các phần bài test của các sách và tổng hợp chúng lại thành một quyển đề chung, dễ có, khó có, để tiện ôn tập hơn.

Một số lưu ý:

- Reading:

+ Short-term: Các bạn chỉ nhớ một nguyên tắc duy nhất khi làm bài Reading IELTS: đó là đây là một bài test tìm kiếm thông tin trong bài, chứ không phải là một bài đọc hiểu. Công việc của bạn là tìm được câu tương ứng trong bài, đối chiếu với câu hỏi, và trả lời. Chỉ đơn giản thế thôi. Bài Reading IELTS chỉ yêu cầu skim và scan thôi, chứ không đòi hỏi quá nhiều reading comprehension.

+ Long-term: Những bài đọc của IELTS thật sự rất hay và cung cấp rất nhiều điều mà bạn có thể tận dụng. Nếu bạn có thời gian, hãy tận dụng hết các bài đọc để chắt lọc những từ vựng theo chủ đề (để làm sổ tay từ vựng), hoặc highlight những mẫu câu tiêu biểu (để tái sử dụng trong Writing), ghi chú lại các cấu trúc tương tự, từ thay thế hoặc synonyms (để sử dụng trong Writing, tránh lặp lại từ), “chôm chỉa” các ý hay argument có trong bài (để dành cho bài viết)...

- Listening:

+ Short-term: Nếu đối với Reading, khả năng ăn điểm là skim và scan, thì ở Listening, để dễ điểm cao, bạn cần phải luyện tập khả năng Prediction và

Concentration. Có nghĩa là, bạn phải có khả năng dự đoán những gì mình sắp nghe, và phải nghe, từ đó, tập trung nghe cho đúng lúc đúng chỗ. Thật sự, không ai có thể nghe và hiểu được tất cả đoạn hội thoại dài chừng 30 phút. Về mặt khoa học, khả năng tập trung của con người là có giới hạn, đồ thị attention line của chúng ta chỉ “reach a peak” một thời điểm ngắn nhất định, và sau đó là trượt dài trước khi bắt đầu tăng trở lại. Vì thế, việc dự đoán mình cần nghe và cần tập trung ở chi tiết nào, và bỏ qua các chi tiết thừa là một kỹ năng cực kỳ quan trọng.

+ Long-term: Nghe là một kỹ năng khá quan trọng, không chỉ trong việc thi cử mà còn trong đời sống hằng ngày như giao tiếp, học tập, làm việc... IELTS chỉ giúp bạn tăng khả năng sàng lọc thông tin quan trọng khi nghe, còn việc nghe và hiểu cho chính xác là cả một quá trình lâu dài. Trong các kỹ năng, Listening là kỹ năng “thụ động” nhất, vì các bạn có lười cách mấy, vẫn có thể lắng nghe dù cho là thụ động được. Vì vậy, các bạn đừng lấy làm nản khi mình nghe chưa được tốt nhé. Cứ tự cung cấp cho mình một môi trường nghe authentic, bằng cách nghe những gì mình thích trước, rồi bật băng đĩa để nghe thường xuyên, tranh thủ thời gian trước khi ngủ, hoặc khi đi xe buýt để nghe và thấm dần tiếng Anh.

- Writing:

+ Long-term: Để có được số điểm cao trong kỹ năng này, bạn phải viết. Không viết nhiều thì viết ít, nhưng nhất định là phải viết. Có thể kiến thức bạn thu thập được từ các bài viết mẫu hay các sách là rất nhiều. Chỉ có đến khi viết ra, bạn mới nhận ra rằng kiến thức thì nhiều nhưng sử dụng thật sự lại không được bao nhiêu. Vì thế, bạn phải tập luyện viết dần để có thể sử dụng nhiều hơn những kiến thức đã được học.

Một vấn đề đáng quan tâm của các bạn khi đi thi nữa, đó là về phần từ ngữ. Nhiều bạn (trong đó có cả Khanh) rất lo lắng về việc sử dụng từ ngữ academic. Nhưng khi sửa bài cho Khanh, thầy bảo: "Một người thô kệch, dù cho có đeo rất nhiều trang sức thì vẫn không làm cho họ đẹp lên được. Một người có đẳng cấp thì dù họ không đeo trang sức gì, vẫn thấy được đẳng cấp của họ". Một bài Writing, bạn chỉ nên sử dụng từ ngữ academic khi bạn thật sự chắc chắn với cách dùng của từ đó. Đừng quá lạm dụng nhé. Nếu lạm dụng mà sử dụng sai thì cả câu đó sẽ trở nên tối nghĩa.

- Speaking: Cũng như Writing, Speaking đòi hỏi một quá trình luyện tập lâu dài. Tuy nhiên, thi Speaking IELTS không phải là như đi phỏng vấn xin việc làm, hay đi network dụ dỗ khách hàng, mà là một buổi nói chuyện để show ra khả năng nói của bạn. Vì thế, trong 10 phút, bạn phải làm sao thể hiện được những tiêu chí đánh giá của bài nói như là Fluency & Coherence, Lexical Resource, Grammar Accuracy & Range, và Pronunciation...

KO9dVoXB.jpgPhóng to

Áo Trắng số 4 ra ngày 01/03/2013 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

 HÀ BÌNH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên