13/12/2012 03:07 GMT+7

Học cùng lúc hai ngành?

(kimthoa19...@...)
(kimthoa19...@...)

AT - * Em nghe nói sinh viên có thể theo học cùng lúc hai ngành và được cấp hai bằng ĐH? Chẳng hạn em trúng tuyển và học ngành quản trị kinh doanh và đăng ký học thêm ngành kế toán được không? Làm thế nào để đăng ký học hai ngành cùng lúc? (hathanhle@...)

sWfF26yJ.jpgPhóng to
Thí sinh dự thi đại học năm 2012 - Ảnh: Minh GIẢNG

- Hiện nay hầu hết các trường ĐH đều tổ chức cho sinh viên học song ngành hay còn gọi là ngành kép. Theo đó, sau học kỳ đầu tiên của năm thứ nhất (đối với sinh viên đang học ở hệ sử dụng quy chế đào tạo theo tín chỉ) hoặc đã kết thúc năm thứ nhất hoặc năm thứ hai của chương trình thứ nhất (đối với sinh viên đang học ở hệ sử dụng quy chế đào tạo theo niên chế) được phép đăng ký học ngành thứ hai. Tuy nhiên, theo quy định, sinh viên phải đạt điều kiện cần để đăng ký học ngành thứ hai. Theo đó, sinh viên đang học ở hệ sử dụng quy chế đào tạo theo tín chỉ không thuộc diện xếp hạng học lực yếu ở chương trình thứ nhất; sinh viên đang học ở hệ sử dụng quy chế đào tạo theo niên chế không thuộc diện tạm ngừng học và có điểm trung bình chung học tập cả năm từ 7,0 trở lên mới đủ điều kiện đăng ký. Ngành thứ hai phải cùng nhóm ngành, khối ngành với ngành thứ nhất. Một số trường “mở” hơn khi cho phép sinh viên đăng ký sang ngành khác khối thi đầu vào của ngành thứ nhất nếu có một đến hai môn thi trùng nhau (chẳng hạn thi đầu vào khối A có thể đăng ký học ngành có đầu vào khối B, D).

Để đảm bảo sinh viên có thể theo học hai ngành, thường khi đăng ký, các trường yêu cầu sinh viên phải có kế hoạch học tập chi tiết của ngành thứ hai. Thực tế nhiều ngành (chẳng hạn các ngành khối kinh tế) có chương trình đào tạo giống nhau khoảng 60% nên sinh viên sẽ được miễn các môn học trùng nhau và chỉ phải học thêm 40% kiến thức cho ngành 2. Một điểm đáng lưu ý nữa là sinh viên chỉ được cấp bằng tốt nghiệp ngành 2 khi đã tốt nghiệp ngành 1. Sau học kỳ đầu tiên học ngành 2, nếu xếp loại học lực yếu (theo tín chỉ) hoặc điểm tổng kết 6.0 (theo niên chế) của chương trình thứ nhất, sinh viên sẽ bị buộc dừng học ngành thứ 2. Do đó, khi muốn đăng ký học ngành 2, sinh viên phải lưu ý đến khả năng thực tế của bản thân (học lực, thời gian, điều kiện kinh tế...) tránh đăng ký học ngành 2 một cách cảm tính. Phải ưu tiên hơn một chút cho việc học ngành 1 vì các bạn chỉ được xét tốt nghiệp ngành 2 nếu có đủ điều kiện tốt nghiệp ngành 1.

* Năm sau em tính dự thi vào ngành công nghệ thông tin của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM. Em nghe nói học trường này ra sẽ được cấp hai bằng là sư phạm và kỹ sư công nghệ thông tin phải không?

- Theo quy định về việc đăng ký mã ngành mới, do các ngành sư phạm kỹ thuật chưa có mã ngành nên từ kỳ tuyển sinh năm 2012, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM đã ghép các ngành sư phạm kỹ thuật vào ngành kỹ thuật nên thí sinh sẽ khó nhận biết học ngành nào sẽ được cấp bằng kỹ sư, cử nhân, ngành nào được cấp thêm chứng chỉ sư phạm bậc 2.

Hiện trường đào tạo một số ngành sư phạm kỹ thuật như sư phạm kỹ thuật điện tử, truyền thông; sư phạm kỹ thuật điện, điện tử; sư phạm kỹ thuật cơ khí; sư phạm kỹ thuật công nghiệp, sư phạm kỹ thuật cơ điện tử; sư phạm kỹ thuật ôtô; sư phạm kỹ thuật nhiệt; sư phạm kỹ thuật công nghệ thông tin, sư phạm kỹ thuật xây dựng và sư phạm tiếng Anh. Nếu sinh viên đăng ký học ngành sư phạm kỹ thuật sẽ được miễn học phí và khi tốt nghiệp được cấp bằng kỹ sư kèm theo chứng chỉ sư phạm bậc 2. Các ngành không phải là sư phạm kỹ thuật, khi tốt nghiệp sinh viên chỉ được cấp bằng kỹ sư hoặc cử nhân và phải đóng học phí.

* Năm sau em muốn đăng ký dự thi vào hai trường ĐH và nếu trúng tuyển, em học hai trường cùng lúc có được không?

- Quy chế tuyển sinh không giới hạn thí sinh đăng ký dự thi vào bao nhiêu trường ĐH. Tuy nhiên, dù có nộp nhiều hồ sơ thì mỗi đợt thi, thí sinh chỉ có thể dự thi vào một trường (vì các trường có cùng khối thi sẽ dự thi chung ngày). Như vậy thí sinh chỉ có thể thi tối đa ba đợt tuyển sinh (hai đợt ĐH và một đợt CĐ).

Trong trường hợp trúng tuyển cả hai trường ĐH, thí sinh cần cân nhắc để chọn lựa trường và ngành phù hợp nhất với điều kiện của mình. Khi theo học hai trường, khối lượng bài vở nhiều, phải di chuyển qua lại giữa các trường rất vất vả, thời gian trùng nhau... Hơn nữa, trong quá trình học, sinh viên có thể đăng ký học thêm ngành thứ hai để lấy hai bằng ĐH cùng lúc. Khi các bạn đã chuẩn bị được tâm thế học tập và lượng sức mình tốt mới nên học hai trường hoặc hai ngành cùng lúc để có kết quả tốt nhất.

TesC1JY7.jpgPhóng to

Áo Trắng số 22 ra ngày 1/12/2012 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

(kimthoa19...@...)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên