28/03/2008 05:40 GMT+7

Hãy để chim trời tự do tung cánh

THÀNH ĐƯỢC(Cần Thơ)
THÀNH ĐƯỢC(Cần Thơ)

AT - "Chim trời cá nước nên ai bắt được nấy ăn!". Câu nói truyền miệng trong dân gian xưa nay cho rằng những động - thực vật trong đời sống thiên nhiên hoang dã thì không thuộc của ai (của chung trời đất), ai bắt được thì thuộc quyền sở hữu của người đó. Nhưng sâu xa hơn là ngày xưa chắc hẳn chim trời cá nước nhiều bạt mạng.

H8u4OoSa.jpgPhóng to
Giăng lưới bắt chim còng cọc ở Thốt Nốt - Ảnh: THÀNH ĐƯỢC
AT - "Chim trời cá nước nên ai bắt được nấy ăn!". Câu nói truyền miệng trong dân gian xưa nay cho rằng những động - thực vật trong đời sống thiên nhiên hoang dã thì không thuộc của ai (của chung trời đất), ai bắt được thì thuộc quyền sở hữu của người đó. Nhưng sâu xa hơn là ngày xưa chắc hẳn chim trời cá nước nhiều bạt mạng.

Ở miền Tây, chỉ nói riêng chim trời mà tính theo kiểu bắt thủ công, truyền thống thì không thể nào bắt hết chúng được. Bây giờ thì đã khác hẳn, có đủ cách bắt chim trời. Thậm chí, các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã ở nhiều nơi đã thành lập và lên tiếng với cộng đồng chung sức bảo tồn, không được bắt chim nữa. Điều này chứng tỏ, chim trời đã dần ít đi về số lượng. Trong chừng mực, một số loài chim chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Vấn đề này ít nhiều làm xáo trộn đời sống thiên nhiên hoang dã.

Ngày trước: Chim chóc nhiều ứ hự!

Ở miền Tây xưa nay, người dân trong vùng gọi chim trời chung là hàm chứa nhiều giống chim như diệc, cò, cúm núm (gà nước), le le, bánh ít, cồng cộc, óc cao, vỏ vẻ, chằng nghịch, trích mòng, quạ, diều... đến các loại chim nhỏ hơn như lá rụng, sắc, cú lý, áo già... Ôi thôi cơ man nào là chim trời! Cứ sáng sớm thức dậy, chỉ nghe chim chao chảo, chim chìa vôi, chim chảo quạt đậu trên mấy cây quanh nhà kêu hót là inh tai. Cho nên trong dân gian có câu:

Chim trời ai dễ đếm lôngNuôi con ai có kể công tháng ngày

Câu thơ này nêu đại ý rằng công cha mẹ nuôi dưỡng con cái lớn lắm, nhiều lắm. Công lao đó nhiều đến nỗi tựa như lông chim trên trời, làm sao kể xiết. Hơn nữa, ngày xưa chim chóc nhiều, có loài bay cả bầy đàn hàng chục ngàn con như đám mây. Trong bối cảnh đó, chim trời sống và phát triển hằng hà sa số.

Tôi còn nhớ hồi nhỏ nhà tôi mới xuống một ổ gà mới nở. Gà mái mẹ dẫn bầy gà con bươi tìm thức ăn quanh đống rơm lúa mùa sau nhà. Bỗng dưng, gà mẹ "oác-oác", gà mẹ, gà con đều chạy tán loạn. Chưa kịp định thần thì trên trời có một con diều sà xuống sát mặt đất dùng cặp chân quắp con gà con bay xớt ngay, mất hút. Thời gian đi bắt dế đất cày để cắm câu cá lóc mùa khô, tôi từng chứng kiến mấy con diều, chim cắt, chim thầy bói... sà xuống mặt đất cày để bắt chuột đồng như cơm bữa.

Bây giờ, hầu như con diều ở miền Tây đã mất hẳn, hiếm khi xuất hiện. Còn mấy năm trong thập niên 1980, người dân Vĩnh Long hay đắp đập sau khi lũ rút ở các cống để chắt nước trên đồng lúa. Những buổi sáng sớm, ai cũng có thể thấy hàng đàn chim le le, chim bánh ít, còng cọc lội dưới lòng kênh để bắt cá. Loại này bay rất giỏi và bơi lặn dưới nước cũng tài tình. Muốn bắt chúng chỉ có thể giăng lưới, rình bắn súng hơi mà thôi. Thịt của chúng thì khỏi chê, béo ngon số 1.

Tới mùa bắt chim mấy tháng sau lũ cho gần đến tết, tôi và người chú hay bắt "chim lá rụng". Gọi là "chim lá rụng" bởi vì chúng nhiều như lá cây, bay có bầy và khi sà xuống đám lúa, chúng "rơi tự do", "lắc lư” như chiếc lá rụng vậy. Đã nhất là lúc gió heo may hanh hanh cùng nắng vàng ươm hòa tiết trời lạnh lẽo, lúa mùa trên đồng bắt đầu trổ bông, nước trên đồng rút dần vào các lung-bào-ao-đìa ở giữa các cánh đồng. Đây chính là thời gian chim trời tập kết về nhiều trên những cánh đồng lúa mùa xanh vàng mã tranh ngút ngàn, từ chim áo già, chằng nghịch, óc cao, vỏ vẻ, gà nước, còng cọc, trích cồ, thậm chí cả cu gáy (cu đất, cu cườm)...

Nhắc đến cu cườm làm tôi nhớ lại hai câu thơ:

"Cu kêu ba tiếng cu kêuTrông cho tới tết dựng nêu, ăn chè”

Ngày đó, thời gian từ mùa đông cho đến tết, cu đất ở khắp nơi bay về những khu vườn sau nhà nhiều không sao kể xiết, chúng tề tựu về để chuẩn bị ăn lúa mùa sắp chín đồng. Cu đất đậu khắp nơi từ trên cây xoài, cây dừa và thường đáp xuống những đám đậu xanh đang thời kỳ thu hoạch (cu đất rất thích ăn hạt đậu xanh). Lớp bay phạch phạch trên trời, lớp đứng trên tàu dừa gáy gù nhau... Thịt cu ngon tuyệt vời, ngọt ngào, nấu cháo đậu xanh thì bá cháy. Thời ấy, cu gáy nhiều là báo hiệu gần đến tết. Cho nên câu ca dao truyền miệng ấy thể hiện con cu đất hiền hòa, chúng sinh sôi phát triển cho đến hết mùa khô năm sau mới tản đi.

Bây giờ: cộng đồng nên bảo vệ!

Môi trường thiên nhiên trước đây rất trong lành do ít bị tác động của con người (người thưa thớt, công nghiệp chưa phát triển...) nên số chim trời nhiều. Cái hữu ích là chim trời bắt các loại sâu bọ có hại cho mùa màng, giúp bão hòa sinh thái, dưỡng nhơn. Cụ thể là người dân nông thôn lúc đó bắt chim để cải thiện bữa ăn gia đình với các món được chế biến như chim nướng, chim rôti, chiên, xào bầu, xào mướp, kho...đủ kiểu.

Nếu nhà nào ra công bắt chim nhiều hơn một chút thì mang chim ra chợ bán. Bắt chim trời thời đó có nhiều cách, từ gài bẫy cò ke, đuổi lọp chim, lưới chụp, bê tum, câu cắm...Thông dụng nhất là đuổi lọp và cắm câu chim theo gốc lúa mùa nước lên hay những ngày giáp tết. Còn đối với chim cú lý, chim sắc nhỏ con thì chỉ cần dùng nhựa (mủ) mít, mủ sa kê quấn vào nhánh tre, cắm trên đám cỏ có chim mồi chiêu dụ, chim tự nhiên đáp vào cả bầy, gỡ bắt không kịp.

Mấy năm nay năm nào cũng vậy, hễ mùa nước nổi đến là các loài động vật hoang dã ở ĐBSCL như chim trời, rùa rắn được một số người dân bày bán dọc các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn TP Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh;,An Giang... Những con cúm núm, óc cao, chàng nghịt, mỏ nhát, vỏ vẻ bị trói giò bày bán như gà vịt vậy.

Một người bán chim trời ở gần ngã ba Cái Tắc (Châu Thành A, Hậu Giang) cho biết bây giờ bắt chim trời cũng dùng bẫy, soi chim, giật lưới. Giăng một tay lưới dài 70-100m, dạo dài 3m, cắm dựng trên bờ ranh ruộng. Một bên thửa lúa bên tay lưới đặt con chim mồi hoặc một bên tay lưới còn lại đặt cái máy thu băng, phát ra tiếng chim mồi. Chim tự nhiên bị thu hút bởi những tiếng kêu của đồng loại nên cứ bay vào, sà xuống và... dính lưới.

Trong tháng 12-2007, có dịp đến An Giang tôi thấy có nhiều nơi bán chim chóc, ở Vĩnh Long cũng vậy. Trà Vinh thì bán đầy chim và chuột. Khắp nơi ở miền Tây nói chung chỗ nào cũng có bán chim trời. Tôi tấp vào một điểm tập kết bán chim trời trên quốc lộ 53 gần khu du lịch Ao Bà Om (Trà Vinh). Hỏi giá mới biết hiện tại cúm núm giá 25.000đ/con, mỏ nhát 15.000đ/con... được khách hàng mua đắt như tôm tươi.

Một chị bán chim trời ở thị xã Châu Đốc, An Giang, nói: "Chim trời bây giờ ít hẳn, người chuyên bắt chim để bán bây giờ mỗi đêm được vài ba con cúm núm là trúng rồi. Để có chim nhiều, thương lái phải tập hợp nhiều mối mới có vài chục con, vài chục ký bán lại cho người dân có nhu cầu ăn thịt chim. Hơn nữa các nhà hàng cần lắm nên bắt riết chắc hết chim quá”.

Năm nào cũng vậy, hễ tới mùa thì có hàng triệu con chim trời bị bắt bán như gia cầm. Nếu tình trạng này không hạn chế thì chắc rằng lượng chim trời tự nhiên sẽ giảm hẳn về số lượng. Chẳng hạn như loài diệc lửa, giang sen ở ĐBSCL gần như bị bắt ráo trọi. Người dân miền Tây nên ý thức bảo vệ, hạn chế săn bắt, tàng trữ, mua bán trao đổi để tránh cạn kiệt cũng như tuyệt chủng các loài động vật hoang dã quí hiếm mà cộng đồng đang ra sức bảo vệ. Đây là hồi chuông cảnh báo để cộng đồng tạo điều kiện cho chim trời còn cơ hội tự do tung cánh, phát triển bầy đàn.

pP2ORyZS.jpgPhóng to

Áo Trắng số 20 (ra ngày 15-03-2008) hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

THÀNH ĐƯỢC(Cần Thơ)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên