28/06/2013 11:18 GMT+7

Nhà vô địch vovinam 2 lần nối dây chằng gối

TẤN PHÚC
TẤN PHÚC

TTO - Câu chuyện đầu tiên chúng tôi gửi đến bạn đọc là chuyện võ sĩ Vovinam Ngô Lê Thanh Thủy hai lần bị đứt dầy chằng chéo trước ở cả hai đầu gối nhưng vẫn tiếp tục sự nghiệp

Trong bài thi quyền “tứ đấu tay không” nữ ở Giải vô địch vovinam toàn quốc 2007, Thanh Thủy nhấc người lên không trung lộn ngược tung ra một cú đá. Do bạn diễn phản ứng chậm một nhịp, khi Thanh Thủy rơi xuống cũng là lúc cô bị bạn diễn ngã đè lên và cô nghe chân phải kêu “rắc” một tiếng. Thanh Thủy cố gượng đứng dậy nhưng cô đã khụy xuống sàn.

Kết quả chụp MRI cho thấy Thanh Thủy bị đứt dây chằng chéo trước. Sau cuộc phẫu thuật, cô mất gần 5 tháng mới có thể trở lại sàn đấu. Chưa hết, đến năm 2011, Thanh Thủy lại bị đứt dây chằng chéo chân trái trong một bài biểu diễn vì khởi động không kỹ. Tuy nhiên, nhờ được phẫu thuật và điều trị đúng cách, Thanh Thủy đã kịp trở lại giành HCV tại Giải vô địch vovinam toàn quốc 2012.

Thanh Thủy nói: “Chấn thương dây chằng đầu gối không đau nhưng tôi không thể cử động chân theo ý muốn và gần như mất hoàn toàn sức lực ở đôi chân. Trong quá trình điều trị, tôi từng cảm thấy rất lo lắng sẽ không trở lại được với thể thao, nhất là nỗi lo phải đi cà nhắc suốt đời. May mắn là việc điều trị đúng cách của bác sĩ đã giúp tôi có thể trở lại với sàn đấu một cách nhanh chóng”.

Thanh Thủy hiện nay vẫn còn đang thi đấu cho đội vovinam Quân khu 7. Từ năm 2007 đến nay, năm nào cũng đoạt HCV nội dung quyền ở các giải đấu toàn quốc.

Người giúp chữa trị cho Thanh Thủy là bác sĩ Tăng Hà Nam Anh - chuyên khoa chấn thương chỉnh hình bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TPHCM). Ông cho biết: "Cả hai lần bị đứt dây chằng chéo trước, Thanh Thủy đã tìm đến tôi để chữa trị. Tôi rất vui khi việc điều trị Thanh Thủy đã thành công để cô tiếp tục sự nghiệp thi đấu".

[box]

Phẫu thuật tái tạo dây chẳng chéo trước cho VĐV

Dây chằng chéo trước gối là một trong hai sợi dây chằng ( sợi còn lại là dây chằng chéo sau) nằm bên trong gối giúp giữ cho gối không bị bán trật ra trước và giúp kiểm soát không cho gối bị bán trật khi xoay gối.

Phẫu thuật nội soi khớp gối đã có những bước tiến dài trong việc giúp phẫu thuật viên phục hồi lại dây chằng chéo trước. Kỹ thuật làm hiện tại có thể hình dung như sau: bác sĩ sẽ lấy hai sợi gân khác từ gối của bệnh nhân, sau đó qua nội soi gối bác sĩ làm một đường hầm trên lồi cầu xương đùi và một đường hầm ở mâm chày. Sợi gân thay thế sẽ được kéo từ đường hầm mâm chày lên xương đùi và sau đó sẽ được cố định vào xương bằng vít hay dây treo với nút chận.

Kỹ thuật tái tạo dây chằng chéo trước bằng kỹ thuật này gọi là kỹ thuật tái tạo một bó vì đơn giản là người ta chỉ làm một bó. Một cuộc nghiên cứu cho thấy sau 7 năm, 90% những người mổ tái tạo dây chằng chéo trước kiểu một bó có hình ảnh thoái hóa khớp gối. Lúc này các bác sĩ xem kỹ lại cấu tạo dây chằng chéo trước thật sự trên người bình thường thì lại thấy trong sợi dây chằng chéo to này có hai bó dây chằng nhỏ. Hai bó dây chằng nhỏ này giúp cho gối luôn vững ở mọi tư thế dù duỗi hay gấp vì ở một số vị trí của gối thì hai bó nhỏ này thay phiên nhau căng để giữ gối vững, khi bó này căng thì bó kia chùng lại. Mặt khác có một bó nhỏ hơn gọi là bó sau ngoài (bó kia là bó trước trong) giúp cho gối không bị trật xoay.

Dựa trên quan sát này các bác sĩ chỉnh hình đã tái tạo dây chằng chéo trước bằng kỹ thuật hai bó sao cho thật giống với giải phẫu bình thường của con người. Những nghiên cứu về cơ sinh học trên xác tươi cho thấy kỹ thuật tái tạo dây chằng chéo trước bằng kỹ thuật hai bó giúp gối vững hơn hẳn so với kỹ thuật một bó. Tuy nhiên vì tính phức tạp của việc đánh giá trên người sống, số lượng bệnh nhân là VĐV khá ít nên kết quả theo dõi ngắn hạn dưới 5 năm cho thấy không có sự khác biệt nhiều giữa hai nhóm.

Tuy vậy, không phải mọi nhà nghiên cứu đều đồng ý với cấu trúc hai bó. Một số nhà nghiên cứu cho rằng dây chằng chéo trước chỉ có một bó nhưng vì khá to nên khi lấy gân khác thay thế sẽ không thể làm giống như dây chằng nguyên thủy. Đó là lý do tại sao đến giờ này mặt dù là phẫu thuật được thực hiện nhiều nhất trong các chấn thương thể thao cần phải mổ nhưng các bác sĩ vẫn tìm tòi những phương pháp mổ mới nhằm tăng tỷ lệ thành công của phẫu thuật này và giúp VĐV trở lại thi đấu.

Bác sĩ Tăng Hà Nam Anh

[/box]

[box]

Mời bạn đọc đặt câu hỏi với chuyên gia y học thể thao

Ngoài bác sĩ Tăng Hà Nam Anh, mục Sức khỏe thể thao cũng nhận được lời đồng ý cộng tác của bác sĩ Nguyễn Quang Huy - phó trưởng khoa ngoại tổng quát bệnh viện Nhân dân 115. Bạn đọc có những thắc mắc về chấn thương thể thao, xin gửi câu hỏi đến địa chỉ email suckhoethethao.tuoitre@gmail.com.

Mục Sức khỏe thể thao sẽ xuất hiện trên trang thể thao điện tử Tuổi Trẻ từ ngày 1-7. Mời bạn đọc theo dõi.

[/box]

TẤN PHÚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Vovinam