27/02/2024 06:15 GMT+7

Tin tức sáng 27-2: Quy định mới cho người nước ngoài và Việt kiều mua nhà ở Việt Nam thế nào?

Tin tức đáng chú ý: Người nước ngoài và Việt kiều mua nhà ở Việt Nam thế nào? Kỷ niệm 50 năm đào tạo bác sĩ nội trú - hệ đào tạo nhân tài ngành y; 3.066 kênh, trang nội dung trực tuyến được khuyến nghị chọn quảng cáo...

Bác sĩ Dương Đức Hùng, giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, một cựu bác sĩ nội trú, đang thăm khám cho người bệnh - Ảnh: PHƯƠNG HỒNG

Bác sĩ Dương Đức Hùng, giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, một cựu bác sĩ nội trú, đang thăm khám cho người bệnh - Ảnh: PHƯƠNG HỒNG

50 năm đào tạo bác sĩ nội trú, hệ đào tạo nhân tài ngành y

Ngày 26-2, Đại học Y Hà Nội đã tổ chức kỷ niệm 50 năm đào tạo bác sĩ nội trú, được coi là hệ đào tạo nhân tài ngành y.

Theo ông Tạ Thành Văn - chủ tich Hội đồng trường Trường đại học Y Hà Nội, mô hình bác sĩ nội trú áp dụng tại Việt Nam hiện nay học hỏi mô hình áp dụng tại Pháp từ năm 1802. Bác sĩ nội trú đầu tiên tốt nghiệp tại Pháp về làm việc tại Việt Nam là bác sĩ Hồ Đắc Di (năm 1931), sau này bác sĩ Di là hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội.

Bác sĩ Việt Nam đầu tiên đỗ kỳ thi bác sĩ nội trú Pháp mở tại Việt Nam là bác sĩ Tôn Thất Tùng (năm 1938), sau này bác sĩ Tùng là giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và là thầy thuốc nổi tiếng.

Từ năm 1974, Đại học Y Hà Nội bắt đầu mở hệ đào tạo bác sĩ nội trú, đến nay đã đào tạo gần 5.200 bác sĩ tốt nghiệp hệ nội trú, chiếm 41% số bác sĩ nội trú toàn quốc có được đến nay. Từ "lò đào tạo" bác sĩ nội trú này đã có 2 bộ trưởng Bộ Y tế, 1 thứ trưởng, 1 cục trưởng, 16 người là hiệu trưởng các trường đại học khối ngành sức khỏe, 84 người là giám đốc các bệnh viện, viện nghiên cứu, nhiều người là bác sĩ đầu ngành.

Hệ đào tạo bác sĩ nội trú được coi là hệ đào tạo nhân tài ngành y. Nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết hệ đào tạo bác sĩ nội trú là đào tạo bác sĩ thực hành, giúp họ có tay nghề vượt trội, nghiêm ngặt cả đầu vào và đầu ra và quá trình rèn luyện.

3.066 kênh, trang nội dung trực tuyến được khuyến nghị chọn quảng cáo

Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) vừa công bố cập nhật tháng 2-2024 danh sách nội dung "đã được xác thực" trên mạng (White List), sử dụng cho hoạt động quảng cáo.

Danh sách có 3.066 tài khoản, kênh nội dung, trang và nhóm cộng đồng của các cơ quan báo chí, đài phát thanh truyền hình cùng các tổ chức, cá nhân đã được cơ quan chức năng xác thực và khuyến nghị các nhãn hàng, doanh nghiệp xem xét lựa chọn quảng cáo sản phẩm.

So với lần cập nhật vào tháng 10-2023, White List lần này đã tăng thêm 947 tài khoản, kênh nội dung, trang cộng đồng và nhóm cộng đồng, tập trung chủ yếu ở nhóm tổ chức, cá nhân hoạt động cung cấp, sáng tạo, khai thác nội dung số. Đây là lần thứ 3 danh sách công bố kể từ thời điểm đầu tiên vào tháng 3-2023.

Bên cạnh danh sách White List, có Black List là danh sách các website có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Trong lần cập nhật tháng 1-2024, Black List có 403 trang, gồm các website quảng cáo cá độ, cung cấp trò chơi điện tử trái phép có tính chất cờ bạc, đổi thưởng…

Đưa vào hoạt động nhà máy chăn ga gối nệm 5 triệu USD

Ngày 26-2, bà Lý Thị Cẩm Tú, chủ tịch Công ty chăn ga gối nệm Tonybed, cho biết vừa đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất trị giá đầu tư hơn 5 triệu USD. Nhà máy mới có diện tích 12.000m2, được trang bị máy móc, thiết bị và dây chuyền sản xuất tiên tiến, công suất cải thiện đến 40% so với nhà máy cũ.

Với gần 50% máy móc mới được nhập khẩu, nhà máy có khả năng sản xuất ước tính 100.000 sản phẩm nệm, 60.000 sản phẩm ga và 100.000 sản phẩm gối các loại hằng năm.

Theo bà Lý Thị Cẩm Tú, việc mở rộng đầu tư nhà máy không chỉ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, mà còn đáp ứng nhu cầu tăng trưởng thị trường xuất khẩu. Thời gian qua, các sản phẩm ga gối nệm Việt Nam đã xuất khẩu ra nhiều thị trường trong khu vực Đông Nam Á.

Theo dữ liệu từ Zion Market Research, tại Việt Nam, thị trường chăn ga gối nệm chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ lên đến 114%, từ 248 triệu USD năm 2018 lên 530 triệu USD năm 2019. Năm qua, dù kinh tế khó khăn nhưng quy mô thị trường này cũng đã vượt qua 1 tỉ USD và dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ 5,8% từ 2023 - 2028.

Không chỉ hoa anh đào ở nước ngoài, vẻ đẹp của mùa hoa Tây Bắc cũng đang khiến du khách thập phương nức lòng - Ảnh: NAM TRẦN

Không chỉ hoa anh đào ở nước ngoài, vẻ đẹp của mùa hoa Tây Bắc cũng đang khiến du khách thập phương nức lòng - Ảnh: NAM TRẦN

Tour xuất ngoại ngắm hoa anh đào sôi động

Nhiều đơn vị lữ hành cho biết tour xuất ngoại vào thời điểm hoa anh đào nở rộ đang thu hút sự quan tâm của du khách Việt ngay sau Tết. Ngoài Nhật Bản, du khách Việt cũng chọn các điểm đến Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan và Mỹ để đón mùa hoa anh đào từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4.

Bà Đinh Thị Hương, tổng giám đốc Công ty NhatbanAZ, cho biết năm nay hành trình đi Nhật ngắm hoa anh đào vẫn chủ yếu tập trung vào các thành phố như Tokyo, Kyoto…, khu vực hoa anh đào nở nhiều.

Theo ông Nguyễn Minh Mẫn - đại diện TST tourist, chuỗi điểm đến nằm trong chủ đề mùa hoa anh đào tại các nước Đông Bắc Á… đang thu hút nhiều du khách Việt. Ngoài ra, Lễ hội mùa xuân Keukenhof vào tháng 4 tại Hà Lan, đón sắc thu vàng lãng mạn tại Úc vào tháng 5. Hiện nay có trên 50% số chỗ đã chốt, các tour trên sẽ còn nhận khách trước tháng 3-2024.

Tháng 1-2024 có khoảng 44.600 lượt khách Việt đến Nhật. Nhật Bản kỳ vọng lượng khách du lịch Việt đến nước này tăng trưởng trở lại vào giai đoạn hoa anh đào sắp tới.

Người nước ngoài và Việt kiều mua nhà ở Việt Nam như thế nào?

Dự thảo hướng dẫn thực hiện Luật Nhà ở đề xuất về giấy tờ chứng minh cá nhân được sở hữu nhà ở:

- Với người Việt Nam định cư ở nước ngoài còn quốc tịch Việt Nam thì phải có hộ chiếu do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp;

- Người gốc Việt định cư ở nước ngoài có hộ chiếu nước ngoài và giấy tờ xác nhận là người gốc Việt Nam theo quy định của Luật Quốc tịch;

- Cá nhân người nước ngoài có hộ chiếu nước ngoài và cam kết bằng văn bản về việc không thuộc diện được quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao.

Về giấy tờ chứng minh điều kiện được sở hữu nhà ở đề nghị:

- Tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt định cư ở nước ngoài còn quốc tịch Việt Nam thì phải có giấy tờ chứng minh nhà ở được tạo lập hợp pháp thông qua các hình thức quy định tại khoản 2 điều 8 của Luật Nhà ở;

- Người gốc Việt định cư ở nước ngoài thì phải có hộ chiếu còn giá trị và được phép nhập cảnh vào Việt Nam, đang cư trú tại Việt Nam tại thời điểm ký kết giao dịch về nhà ở và thuộc diện được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai;

- Cá nhân người nước ngoài phải có hộ chiếu còn giá trị và được phép nhập cảnh vào Việt Nam, đang cư trú tại Việt Nam tại thời điểm ký kết giao dịch về nhà ở, có giấy tờ chứng minh nhà ở được tạo lập hợp pháp.

Tin tức đáng chú ý trên Tuổi Trẻ nhật báo ngày 27-2. Để đọc Tuổi Trẻ báo in phiên bản E-paper, mời bạn đăng ký Tuổi Trẻ Sao TẠI ĐÂY

Tin tức đáng chú ý trên Tuổi Trẻ nhật báo ngày 27-2. Để đọc Tuổi Trẻ báo in phiên bản E-paper, mời bạn đăng ký Tuổi Trẻ Sao TẠI ĐÂY

Tin tức thời tiết hôm nay 27-2 - Đồ họa: NGỌC THÀNH

Tin tức thời tiết hôm nay 27-2 - Đồ họa: NGỌC THÀNH

Tin tức sáng 27-2: Quy định mới cho người nước ngoài và Việt kiều mua nhà ở Việt Nam thế nào?- Ảnh 5.

Tin tức giải trí 26-2: Trung tâm Chiếu phim quốc gia thu gần 2,3 tỉ đồng từ Đào, phở và pianoTin tức giải trí 26-2: Trung tâm Chiếu phim quốc gia thu gần 2,3 tỉ đồng từ Đào, phở và piano

Một số tin tức đáng chú ý: Trung tâm Chiếu phim quốc gia thu 2,280 tỉ đồng từ Đào, phở và piano; Ngôi sao Captain Marvel qua đời ở tuổi 49; Ước mình cùng bay: Nam phụ Lê Hải trở nên hot...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên