24/01/2019 13:35 GMT+7

Tiểu són - gánh nặng tâm lý của phụ nữ trung niên

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đà Nẵng
Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đà Nẵng

Tiểu són tuy không đe dọa tính mạng nhưng là gánh nặng tâm lý, ảnh hưởng xấu đến chất lượng sống của người bệnh do nước tiểu thường bị són ra ngoài.

Tiểu són - gánh nặng tâm lý của phụ nữ trung niên - Ảnh 1.

Phương pháp T.O.T - Đặt dải băng nâng đỡ niệu đạo qua 2 lỗ bịt. Ảnh: kidskunst.info

Tiểu són khi gắng sức có thể xảy ra ở bất cứ lứa tuổi nào trong cuộc đời người phụ nữ, thường gặp nhất ở lứa tuổi trung niên sau sinh đẻ hoặc tuổi mãn kinh. Bệnh tuy không đe dọa tính mạng nhưng là gánh nặng tâm lý, ảnh hưởng xấu đến chất lượng sống của người bệnh do nước tiểu thường bị són ra ngoài, không kìm chế được sau ho, hắt hơi hoặc một cử động gắng sức đột ngột. Họ thường cảm thấy buồn bã, kém tự tin, mệt mỏi, xấu hổ và lo ngại vì mùi cơ thể. Tiểu són còn làm giảm khả năng tập trung, giảm năng suất lao động và khả năng hòa nhập cộng đồng, đe dọa hạnh phúc gia đình.

Nguyên nhân gây ra tiểu són ở phụ nữ

- Do đặc điểm cấu tạo đường niệu đạo của nữ ngắn hơn ở nam. Đường niệu đạo của nữ (dài khoảng 3-5cm) ngắn hơn so với nam (dài khoảng 18-20cm), nên khả năng giữ nước tiểu kém hơn nam giới, khi gặp những kích thích ở bàng quang thì tỷ lệ tiểu són xảy ra nhiều hơn và nhanh hơn.

- Do ảnh hưởng của quá trình mang thai và sinh nở. Trong quá trình mang thai, bàng quang chịu sức ép của thai nhi trong thời gian dài dẫn đến tình trạng trương lực cơ bàng quang giảm, khả năng đàn hồi kém, dẫn đến việc giữ nước tiểu kém hơn trước. Thêm vào đó, trong quá trình sinh con (nhất là sinh mổ) thì cơ sàn chậu, bàng quang cũng bị tổn thương.

- Một số phụ nữ mắc một số bệnh mà chỉ định điều trị nhất thiết là phải tiến hành cắt bỏ tử cung thì có đến 45% phụ nữ có các triệu chứng tiểu không kiểm soát sau phẫu thuật. Nguyên nhân được cho là do vị trí của tử cung và bàng quang gần nhau nên những phẫu thuật ở tử cung có thể gây ra tổn thương đám rối thần kinh ở khu vực này, hoặc tạo ra lỗ rò giữa niệu đạo, bàng quang và âm đạo, các chứng rối loạn tiểu tiện từ đó mà xuất hiện.

Ngoài ra, một vấn đề cũng được coi là nguyên nhân dẫn đến việc tiểu són hay gặp ở phụ nữ trung niên đó là chức năng thận cũng bắt đầu suy giảm, cơ sàn chậu và các nhóm cơ nâng đỡ niệu đạo, bàng quang suy yếu khiến cho tình trạng tiểu són diễn ra.

Hậu quả của chứng tiểu són

Rất nhiều phụ nữ mắc phải chứng bệnh này, nhưng lại ít người chủ động chia sẻ, tìm kiếm giải pháp bởi sự tự ti, ngại ngùng về bệnh. Nhưng tiểu són nếu không điều trị kịp thời thì sẽ gây ra nhưng hệ quả rất nguy hiểm: Cơ bàng quang bị tổn thương trong thời gian dài sẽ rất khó hồi phục; mắc chứng bàng quang bé, chứa được ít nước tiểu hơn, vì thế tình trạng bệnh càng nặng, số lần đi tiểu cũng nhiều hơn. Tiểu són lâu ngày dễ mắc các bệnh viêm nhiễm phụ khoa, nguy hiểm hơn là ung thư tử cung.

Hướng điều trị tiểu són hiện nay

Tiểu són có thể điều trị nội khoa hoặc can thiệp bằng phẫu thuật theo phương pháp T.O.T (đặt dải băng nâng đỡ niệu đạo qua lỗ bịt). Đây là một phẫu thuật nhẹ nhàng, ít xâm lấn và hiệu quả cao.

Bên cạnh việc trị tiểu són bằng các loại thuốc hoặc phẫu thuật, người bệnh cũng nên thay đổi thói quen sinh hoạt, tránh các yếu tố có thể góp phần làm tăng việc đi tiểu són:

- Hạn chế thuốc lá, café, nước ngọt hay đồ uống có cồn.

- Tránh ăn các loại đồ ăn cay, chua,… dễ kích thích bàng quang.

- Uống nước vừa đủ mỗi ngày, tuy nhiên hạn chế uống trước khi đi ngủ.

- Xây dựng thời khóa biểu đi tiểu, nên sắp xếp đi tiểu mỗi 3 – 4 giờ.

- Giữ trọng lượng ổn định: Tăng cân sẽ dồn thêm trọng lượng về bàng quang và gây ảnh hưởng không tốt lên bàng quang.

- Chế độ ăn uống hợp lý và tập thể dục đều đặn có thể giúp bạn ngăn ngừa chứng tiểu són.

Tiểu són không chỉ làm giảm chất lượng cuộc sống mà còn để lại những hậu quả nguy hiểm. Chính vì vậy, ngay khi có những dấu hiệu đầu tiên của bệnh, chị em hãy đến các cơ sở y tế hoặc nhờ sự tư vấn của bác sĩ để đưa ra phác đồ điều trị tốt nhất./.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đà Nẵng
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên