Tối nay, 22-12 Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng đã triệu tập cuộc họp đột xuất bàn biện pháp ứng phó với cơn bão bất ngờ vào dịp cuối năm này.
Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang, đến tối 22-12 bão Tembin (bão số 16) sắp vào biển Đông.
Các dự báo đều cho thấy bão số 16 có khả năng đi vào Nam Bộ mà tâm bão sẽ là tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và TP.HCM. Khi vào đất liền bão có thể đạt cấp 10, giật cấp 11. Thời gian bão đổ bộ dự kiến từ chiều 25-12 đến sáng hôm sau.
Ông Lê Văn Hưởng - chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang - chủ trì cuộc họp khẩn tối 22-12 ứng phó với bão số 16. ẢNH: V.TR.
Điều đáng lo ngại là thời điểm bão đổ bộ sóng biển có thể cao 3m cộng với triều cường nên sẽ nguy hiểm đối với vùng ven biển, vùng trồng cây ăn trái.
Ngoài ra, dự báo hoàn lưu bão rất rộng, từ 300-400km với gió cấp 7 tương đương áp thấp nhiệt đới nên từ trưa chủ nhật bão đã ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh Tiền Giang và Bến Tre.
Ông Lê Văn Hưởng yêu cầu ngay từ sáng thứ bảy (23-12) tất cả ban chỉ huy phòng chống thiên tai từ tỉnh đến huyện, xã đều phải trực và triển khai khẩn cấp các biện pháp ứng phó.
Rà soát lại các điểm tránh trú bão, lên danh sách người già, phụ nữ, trẻ em sẵn sàng sơ tán từ trưa 24-12 và hoàn tất vào lúc 18g cùng ngày.
Theo dự báo, tâm bão số 16 khi vào đất liền sẽ là tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và TP.HCM. ẢNH: V.TR.
Theo dự kiến sẽ có 117.500 người dân vùng ven biển phải di tản và sơ tán tránh bão. Trong đó có 40.000 người phải sơ tán đến các trường học, trụ sở cơ quan kiên cố để tránh trú bão.
Tỉnh cũng đã chỉ định 119.232 cơ quan, trường học cụ thể tại các địa phương sẽ bố trí làm nơi tránh trú bão cho dân. 11.400 cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, đoàn thanh niên... được huy động từ sáng thứ bảy để thực hiện kế hoạch ứng phó với bão.
Mặc dù Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã lên danh sách, kế hoạch cụ thể nhưng ông Hưởng không yên tâm.
Ông Hưởng nói: "Chúng ta đã diễn tập rất nhiều, nhưng thực tế khi có thiên tai xảy ra thì không làm. Đợt lốc xoáy vừa rồi ở huyện Cái Bè từ hôm trước, nhưng hôm sau tôi tới nơi thì cây ngã chắn đường không ai dọn nên không đi được. Vậy thì chuyển lương thực, thuốc men đến cho dân thế nào?".
Ông quay sang lãnh đạo các sở, ngành và địa phương hỏi: "Hai ngày nữa bão vào rồi, bây giờ ngành y tế có thuốc men đưa xuống các huyện chưa? Đèn sạc, đèn cầy, nước uống, mì gói… phục vụ người dân vùng bão có chưa?
Cưa máy có sẵn để thu dọn cây ngã để có đường đi khắc phục hậu quả chưa? Xe nào sẽ chở dân đi sơ tán có làm việc với chủ xe chưa? Có bao nhiêu tàu thuyền đánh bắt trong vùng nguy hiểm nắm được chưa? Tôi yêu cầu ngay từ sáng mai các địa phương phải dừng tất cả các cuộc họp và chuẩn bị mọi thứ để ứng phó với bão".
Đây là cơn bão mạnh, khả năng gây thiệt hại lớn, nên ông Hưởng yêu cầu các địa phương không được chủ quan.
Cán bộ, đảng viên và công chức, viên chức phải làm gương cho người dân trong việc triển khai các biện pháp ứng phó với bão. Những địa phương nào lơ là, chủ quan, chậm triển khai các biện pháp đã được chỉ đạo thì lãnh đạo nơi đó sẽ bị kỷ luật.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận