Buổi gặp gỡ giữa Thường trực Thành ủy và lãnh đạo các cơ quan báo chí ngày 9-1 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Bà Quyết Tâm đã cho biết như vậy trong buổi gặp gỡ giữa Thường trực Thành ủy TP.HCM với lãnh đạo các cơ quan báo chí triển khai Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, diễn ra ngày 9-1.
Một nội dung được nhiều lãnh đạo các cơ quan báo chí quan tâm là việc tăng thuế, phí và đưa ra các loại thuế phí, lệ phí không có trong danh mục.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm tại buổi gặp gỡ sáng 9-1 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
"Phí lệ phí không phải ban hành để tăng nguồn thu, mà để điều chỉnh, quản lý đô thị phát triển nhanh, bền vững theo yêu cầu của thành phố là chủ yếu, đảm bảo thu hút đầu tư có chọn lọc, thu hút nguồn lực phát triển thành phố", bà Tâm nói.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cũng nhấn mạnh, việc điều chỉnh các loại thuế, phí, lệ phí TP làm rất thận trọng, lấy ý kiến nhiều chiều.
Lý do là vì nếu không làm kỹ sẽ dễ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh, trong khi thời gian qua lãnh đạo thành phố đã "chăm chút từng li từng tí môi trường đầu tư kinh doanh".
"Áp lực thời gian không cho phép chúng ta chần chừ, nhưng cũng không thể bỏ qua các quy trình cần thiết cho việc trình HĐND những vấn đề thuộc về phí lệ phí", ông Phong nói.
Ông Nguyễn Thành Phong tại buổi gặp gỡ 9-1 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Về thắc mắc Nghị quyết 54 có những vấn đề khác với quy định của các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành bà Quyết Tâm thừa nhận "cs độ vênh, độ vượt trội so với quy định pháp luật".
"Vì như vậy nên mới cần có Nghị quyết của Quốc hội. Chúng ta mới cần kiên trì đeo bám để Quốc hội có một nghị quyết, như mới có thể cho phép một sự điều chỉnh nào đó khác với các quy định pháp luật hiện hành", bà Tâm phân tích.
Theo bà Tâm, Điều 7 của Nghị quyết 54 qui định về việc áp dụng các luật rất thuận lợi cho thành phố về quản lý đất đai, đầu tư, tài chính - ngân sách nhà nước, cơ chế ủy quyền giữa các cấp chính quyền.
Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật khác có quy định cơ chế, chính sách ưu đãi hoặc thuận lợi hơn Nghị quyết này thì việc áp dụng do HĐND thành phố quyết định.
Bà Tâm cho biết, cụm từ "thuận lợi hơn" đặc biệt quan trọng và thành phố đã kiên trì đeo bám, tranh luận để được quyền xem xét, quyết định xem chính sách nào là "thuận lợi hơn".
"Thành phố thấy chính sách nào đó có phù hợp hay không còn tùy thuộc vào đặc thù và yêu cầu thực tiễn đặt ra nên đã đề nghị Quốc hội giao HĐND thành phố - chính là nhân dân thành phố - phải được quyền quyết định áp dụng cơ chế này hay quy định khác", bà Tâm nhấn mạnh.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân phân tích về cơ chế đặc thù - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Chủ tịch Quận ở TP.HCM quản lý dân nhiều hơn một nửa tỉnh khác
TP.HCM có một quận trên 700.000 dân, có hai quận trên 600.000 dân, có 5 quận trên nửa triệu dân và có sáu quận 400.000 đến 500.000 dân. Chủ tịch quận ở đấy quản lý dân số bằng hơn một nửa tỉnh khác, nhưng bộ máy công chức như của quận"
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nêu ra hai đặc thù của TP.HCM: đô thị đông dân nhất và quy mô kinh tế lớn nhất.
Đến nay TP có hơn 8 triệu dân, cứ 8 năm lại tăng thêm 1 triệu dân. TP có một quận trên 700.000 dân, có hai quận trên 600.000 dân, có năm quận trên 500.000 dân và có sáu quận 400.000 - 500.000 dân.
"Chủ tịch quận ở đấy quản lý dân số bằng hơn một nửa tỉnh khác, nhưng bộ máy công chức như của quận. Rõ ràng áp lực rất lớn. Sau này phải tính nâng cấp như thế nào vì dân số lớn làm cho khối lượng công việc chính quyền các cấp rất lớn",Bí thư Thành ủy nói.
Từ các đặc điểm này, theo ông Nguyễn Thiện Nhân thành phố đối mặt với nhiều thách thức mà nếu không có cơ chế đặc thù thì nguy cơ tăng trưởng và đóng góp sẽ chậm lại.
"Cơ chế đặc thù cho thành phố cũng là vì cả nước, tạo điều kiện cho thành phố phát triển và đóng góp cho cả nước", Bí thư Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận